Hồ Tây sẽ là trung tâm chính của Thủ đô

27-05-2008 09:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tuyên bố: "Ngày xưa Hồ Gươm là trung tâm Thủ đô, nhưng bây giờ Hồ Gươm sẽ không đủ điều kiện để trở thành trung tâm nữa. Theo định hướng quy hoạch vùng Thủ đô thì Hà Nội sẽ lấy Hồ Tây làm trung tâm và sông Hồng là trục xanh, trục chính".

KTS. Trần Cương

Sau khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tuyên bố: "Ngày xưa Hồ Gươm là trung tâm Thủ đô, nhưng bây giờ Hồ Gươm sẽ không đủ điều kiện để trở thành trung tâm nữa. Theo định hướng quy hoạch vùng Thủ đô thì Hà Nội sẽ lấy Hồ Tây làm trung tâm và sông Hồng là trục xanh, trục chính". Đã có nhiều ý kiến phản ứng khác nhau, người băn khoăn, người phản đối, người đồng tình hưởng ứng. Một số ý kiến của các nhà văn hóa, các kiến trúc sư tỏ ý đồng tình với quyết định của thành phố, nhưng mỗi ý kiến lại nhìn nhận trung tâm tương lai từ những góc độ khác nhau. Vậy Hồ Tây sẽ là trung tâm văn hóa, chính trị như Hồ Gươm hay chỉ đơn thuần là trung tâm hành chính và thương mại?

 Hồ Tây.

Những người coi Hồ Gươm như một trung tâm văn hóa, lịch sử thiêng liêng nơi kết đọng tâm linh lớn nhất của Hà Nội hình như bị ám ảnh bởi truyền thuyết trả gươm cho rùa vàng mà không biết đến thế kỷ 19 Hồ Gươm vẫn chỉ là một cái ao tù, nhà dân xung quanh quay lưng lại. Chỉ đến khi người Pháp xây dựng các cơ quan thủ phủ quanh Hồ Gươm, đặt lên đỉnh Tháp Rùa tượng thần Tự do giống như tượng thần ở Paris và New York nhưng kích cỡ nhỏ hơn, thì Hồ Gươm mới dần dần trở thành trung tâm Hà Nội như hình ảnh hiện nay. Trong khi đó, Hồ Tây đã là trung tâm văn hóa lịch sử lâu đời, có từ thời trước Hùng Vương, nơi tập trung bao nhiêu ký ức tâm linh mang tính cội nguồn phong phú và đa dạng.

Hồ Tây có nhiều tên, mỗi tên gắn với một truyền thuyết. Cái tên hồ Xác Cáo gắn với truyền thuyết về Lạc Long Quân đánh con cáo chín đuôi luôn thay hình đổi dạng để hãm hại dân lành. Cái tên hồ Kim Ngưu bắt nguồn từ truyền thuyết Trâu Vàng gắn liền với cuộc chiến tranh tâm linh với phương Bắc để hóa giải các mưu mô trấn yểm. Cái tên hồ Lãng Bạc bắt nguồn từ truyền thuyết kể lại nơi đây là một cái bến luôn có sóng gió lớn. Còn cái tên hồ Dâm Đàm tức hồ sương mù bắt nguồn từ hình ảnh sương mù bao phủ hồ suốt tháng quanh năm. Cái tên Hồ Tây hiện nay chỉ có từ năm Quý Dậu (1573), do triều kiêng tên nhà vua là Lê Duy Đàm nên đổi Dâm Đàm thành Tây Hồ, tức cái hồ ở phía Tây kinh thành.

Xung quanh Hồ Tây là bao nhiêu đền chùa linh thiêng như đền Quán Thánh, đền Đồng Cổ, đền Cẩu Nhi, chùa Võng Thị, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đình Yên Phụ. Vây quanh hồ còn có các làng Yên Thái, Thụy Khuê, Võng Thị, Trích Sài, Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Tân, Xuân La, Bái Ân, Hồ Khẩu, những làng nghề nổi tiếng trồng hoa, làm giấy, với bao nhiêu truyền thuyết từ hàng chục thế kỷ trước và bao áng thi ca của Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Lê Thánh Tông... lay động tâm hồn bao thế hệ. Hồ Tây từ ngàn năm xưa đã là một thắng cảnh nổi tiếng. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hồ Tây là một cảnh quan duy nhất được gọi là cảnh quan văn hóa, nó cũng thuộc loại hiếm hoi trên thế giới. Vì thế, theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, trước đây người Pháp đã 2 lần lên quy hoạch cho Hà Nội và cả hai lần đều lấy Hồ Tây là trung tâm. Ngay từ năm 1902 họ đã xây Phủ Toàn quyền (Phủ Chủ tịch hiện nay) ở ngay phía Nam Hồ Tây. Đến các năm 1981, năm 1992 và năm 1998 Chính phủ ta cũng đã 3 lần duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch Hà Nội, cả 3 lần đều lấy Hồ Tây là trung tâm. Như vậy việc lấy Hồ Tây là trung tâm Thủ đô không phải là một ý tưởng ngẫu hứng mới toanh gây sốc cho mọi người mà là một ý tưởng có cơ sở văn hóa tâm linh và có bề dày lịch sử.

Với vị thế văn hóa tâm linh của mình, Hồ Tây hoàn toàn có thể đóng vai trò trung văn hóa lịch sử như Hồ Gươm. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc thì về mặt văn hóa, tâm linh và lịch sử thì Hồ Tây còn có phần trội hơn Hồ Gươm. Đúng vậy, nếu truyền thuyết về Hồ Gươm chỉ là ẩn dụ của thời hậu chiến, nói lên tình yêu hòa bình, thì các truyền thuyết gắn với Hồ Tây gắn liền với cảnh quan bao la thi vị và gắn liền với những huyền tích giàu tính văn hóa, tâm linh, thể hiện một bản lĩnh văn hóa quật cường của dân tộc ta. Nhưng mặt khác, với vị thế cảnh quan thiên nhiên và địa lý của mình, Hồ Tây sẽ phát triển thành một trung tâm hành chính và thương mại. Khu đô thị Tây Hồ Tây do Hàn Quốc đầu tư 100% vốn sẽ bao gồm các trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế, khách sạn cao cấp, văn phòng giao dịch, nhà ở, quảng trường trung tâm, trục đi bộ trung tâm, cây xanh, mặt nước... Khi đô thị mới được hoàn thành vào năm 2020, quần thể Hồ Tây sẽ trở thành một trung tâm đa chức năng của thủ đô Hà Nội, trong đó khu vực đô thị mới không lấn át những vẻ đẹp thi vị của Hồ Tây, không làm lu mờ những truyền thuyết tâm linh văn hóa của nơi này, mà trái lại sẽ tôn thêm tính chất lịch sử tâm linh của một trung tâm Thủ đô đích thực, không phải chỉ là một trung tâm vệ tinh như cách nghĩ của một số người vương vấn với Hồ Gươm.


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn