Trong bộ ảnh màu vĩ đại đầu tiên của lịch sử nhiếp ảnh có tên "Sử lược về hành tinh chúng ta" có những bức ảnh về Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Những bức ảnh quý hiếm được một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại.
Cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng những năm đầu thế kỷ 20 sẽ được tái hiện sống động qua triển lãm “Kính ảnh màu” của nhiếp ảnh gia Pháp Léon Busy, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) từ ngày 6/12/2013 đến hết ngày 4/1/2014.
Albert Kahn (1860-1940), một ông chủ nhà băng nổi tiếng người Pháp, vốn được biết tới là người từ tâm, có đam mê đặc biệt đối với các vấn đề văn hóa. Ông đã tài trợ cho các nhiếp ảnh gia đi khắp các châu lục để ghi lại những hình ảnh về đời sống văn hóa ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Họ chính là những nhiếp ảnh gia đầu tiên của thế kỷ 20 được tiếp cận với kỹ thuật chụp ảnh màu nhờ vào nguồn tài trợ của một nhà tài phiệt yêu văn hóa.
Với hơn 72.000 bức ảnh độc đáo được chụp ở 50 quốc gia trên thế giới, ông đã tạo thành bộ sưu tập ảnh màu vĩ đại đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nhiếp ảnh mang tên “The Archives of the Planet” (Sử liệu về hành tinh của chúng ta).
Tại Việt Nam, Albert Kahn từng giao nhiệm vụ chụp hình cho Léon Busy, một trung úy hậu cần của quân đội lê dương. Đi khắp Bắc Kỳ, Léon đã chụp khoảng 1.700 bức ảnh trong thời gian từ năm 1915-1920.
Tuy công nghệ chụp ảnh khi đó còn khá hạn chế nhưng bộ ảnh do tay máy nghiệp dư Léon Busy thực hiện chứa đựng những giá trị văn hóa - nghệ thuật quý báu. Cả bộ ảnh mang một sắc màu khó tả - mộc mạc, cổ kính, khiến người xem liên tưởng tới một bộ phim nhựa kiểu cũ.
Đặc biệt, trong thời kỳ này, đời sống của người dân Bắc Kỳ vẫn còn rất nguyên sơ, chưa hề bị pha tạp, lai căng. Những góc ảnh của Léon Busy tinh tế và chuẩn mực, đã kịp thời ghi lại một Hà Nội vừa lạ vừa quen bởi nếp sống, nếp nhà của người dân Hà Nội khi đó quá khác so với bây giờ, từ cảnh vật cho tới con người.
Một số bức ảnh được Léon Busy thực hiện tại Hà Nội trong thời gian từ 1915-1920:
Theo Dan tri