"Các vệ sĩ Trung Quốc dùng tay chặn cửa lại, nhưng tôi đã cúi người luồn qua và cũng vào được bên trong”, bà Clinton kể lại.
Tổng thống lách qua cửa vào phòng và gọi “Ngài Thủ tướng”...
Trong cuốn hồi ký “Hard Choices” (tạm dịch “Sự lựa chọn khó khăn”) ra mắt hồi đầu tháng vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến Trung Quốc hơn 300 lần. Người được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng sáng giá trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2016 đã kể lại một số sự cố đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ khi bà nắm giữ chiếc ghế Ngoại trưởng.
Một trong số đó là sự kiện Tổng thống Barack Obama buộc phải xông vào căn phòng nơi ông Ôn Gia Bảo, người khi đó là Thủ tướng Trung Quốc, đang có cuộc họp kín với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, tháng 12/2009.
Báo The Economic Times (Ấn Độ) trích dẫn hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ, theo đó, bà Clinton viết rằng, mục đích của Trung Quốc khi tổ chức cuộc mật đàm nói trên là để cô lập Mỹ bằng cách lôi kéo các nước như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi về phía mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trong cuộc họp ở Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2009.
Nhưng sự quả quyết và nhanh trí của ông Obama đã phá được kế hoạch của Trung Quốc.
“Trong cuộc hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, Tổng thống Obama và tôi đã cố tìm gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Chúng tôi hiểu rằng cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa về biến đối khí hậu là lãnh đạo các nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, phải ngồi lại với nhau để đi đến một sự thỏa hiệp.”
“Nhưng phía Trung Quốc đã trốn tránh chúng tôi”, bà Clinton viết.
“Tệ hơn nữa, chúng tôi có thông tin là ông Ôn đã kêu gọi một cuộc họp bí mật với lãnh đạo Ấn Độ, Brazil, Nam Phi để ngăn cản, hay chí ít là làm suy yếu thỏa thuận mà Mỹ đang tìm kiếm. Khi không tìm được bất cứ lãnh đạo nào của các nước nói trên, chúng tôi hiểu ngay là đã có vấn đề, và lập tức huy động tất cả các thành viên đoàn Mỹ tỏa ra nghe ngóng thông tin ở khắp trung tâm hội thảo”.
“Cuối cùng thì chúng tôi cũng biết nơi họ tổ chức cuộc họp”.
“Tổng thống và tôi nhìn nhau, và hiểu rằng cả hai đang nghĩ về cùng một điều. Rồi chúng tôi lao qua các dãy hành lang dài của trung tâm hội thảo Nordic, theo sau là một đoàn các chuyên gia, cố vấn...”, bà Clinton kể lại trong hồi ký.
“Sau này, chúng tôi nói đùa rằng đó là “đoàn hộ tống hai cẳng”, một đoàn hộ tống đặc biệt, không có xe pháo dềnh dang như nghi thức mỗi lần Tổng thống di chuyển. Nhưng khi đó, tôi chỉ nghĩ đến thử thách ngoại giao đang chờ ở cuối con đường. Chúng tôi lao đi, phi như bay trên các bậc cầu thang và chạm mặt các quan chức Trung Quốc đang hết sức ngỡ ngàng. Những người này còn cố chỉ đường sai để hòng khiến chúng tôi đi trệch...”, hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ viết.
Theo lời kể của bà Hillary Clinton, khi đoàn Mỹ đến trước phòng họp, ở đó đã có một đám các trợ lý đang cãi cọ và các nhân viên an ninh đầy vẻ căng thẳng. Robert Gibbs, thư ký báo chí Nhà Trắng đang đôi co với một vệ sĩ Trung Quốc. Trong đám hỗn độn ấy, Tổng thống lách qua cửa vào phòng và gọi “Ngài Thủ tướng” thật lớn, khiến ai nấy đều phải chú ý.”
“Các vệ sĩ Trung Quốc dùng tay chặn cửa lại, nhưng tôi đã cúi người luồn qua và cũng vào được bên trong”, bà Clinton kể lại.
“Trong căn phòng họp được bố trí tạm thời với các vách kính được che kín bằng rèm để tránh các ánh mắt dò xét, chúng tôi thấy ông Ôn Gia Bảo đang ngồi cùng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma quanh một chiếc bàn dài.
Tất cả “mắt chữ A, mồm chữ O” khi nhìn thấy chúng tôi. “Các ngài sẵn sàng chưa?”, Tổng thống Obama nói, kèm theo một nụ cười sảng khoái. Giờ thì thỏa thuận thực sự có thể bắt đầu. Khoảnh khắc đó, có lẽ ít nhất bằng một năm đàm phán”, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhớ lại.
Tôi đã làm ông Dương Khiết Trì “giận tái người”
Trong hồi ký, bà Hillary Cliton cũng nhắc lại một cuộc khủng hoảng ngoại giao khác giữa Trung Quốc và Mỹ hồi năm 2009. Đó là sự kiện tàu hải quân Mỹ Impeccable va chạm với tàu của Trung Quốc.
BBC dẫn nguồn từ cuốn sách của bà Clinton, cho biết, trong sự cố xảy ra cách đảo Hải Nam chừng 120km, các thủy thủ Trung Quốc đã ném những tấm gỗ xuống nước để chặn tàu Impeccable và tàu này đáp lại bằng phun vòi cứu hỏa vào thủy thủ Trung Quốc khiến có thủy thủ bị nước xối bay hết quần áo chỉ còn đồ lót.
Cũng theo BBC, một năm sau đó, tại cuộc họp của khối ASEAN tại Hà Nội, bà Clinton đã có phát biểu mạnh mẽ, nhấn mạnh chuyện tự do hàng hải là "lợi ích quốc gia" của Mỹ để đối trọng với "lợi ích cốt lõi" mà Trung Quốc gắn cho Biển Đông.
Phát biểu này đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó Dương Khiết Trì "giận tái người" và đề nghị giải lao một giờ trước khi trở lại với bài phát biểu của mình.
"Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Đông và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài," cựu Ngoại trưởng Mỹ, người từng công du Trung Quốc đến 7 lần trong nhiệm kỳ của mình nhớ lại.