Hiệu ứng Panama “lây nhanh” toàn cầu

07-04-2016 17:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Iceland đã trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ bê bối Panama. Báo "Sueddeutsche Zeitung" (Nam Đức) ngày 7/4 cho biết Chính phủ Iceland sẽ tiếp tục hoạt động mà không có Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson, người sẽ từ chức sau những chỉ trích liên quan vụ "Hồ sơ Panama". Đây chỉ là những diễn biến mới nhất sau khi những bí mật trong Hồ sơ Panama được công bố.

Đêm 6/4, người phát ngôn của đảng Tiến bộ Iceland cho biết chính phủ nước này vẫn sẽ tiếp tục hoạt động cho tới khi diễn ra một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào mùa Thu tới. Trong khi đó, ông Gunnlaugsson vẫn tiếp tục giữ tư cách nghị sĩ cũng như nắm vai trò Chủ tịch đảng Tiến bộ. Trong giai đoạn quá độ, ông Sigurdur Mar Jonsson, Phó Chủ tịch đảng Tiến bộ, đồng thời là Bộ trưởng Ngư nghiệp và Nông nghiệp Iceland, sẽ tạm đảm nhiệm các công việc của Thủ tướng Gunnlaugsson.

Trong khi đó, một loạt nhân vật nổi tiếng khác trong đó có ông trùm truyền hình thực tế người Anh Simon Cowell, con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, đạo diễn Stanley Kubrick và ngôi sao điện ảnh Thành Long là những cái tên nổi tiếng tiếp theo bị dính vào vụ bê bối "Hồ sơ Panama". Trong đó, ngôi sao võ thuật Thành Long, 61 tuổi, sở hữu ít nhất 6 công ty nước ngoài, bao gồm Công ty Đầu tư Jumbo Jaz, Công ty TNHH Jackie Chan và Dragon Stream.

 

Ho-so-Panama-hieu-ung-lan-nhanh-toan-cau

Hồ sơ Panama tiếp tục tạo nên những cơn sốc chính trị toàn cầu

 

Tờ Le Monde của Pháp đã đăng trên trang nhất ảnh Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika cho rằng nhà lanh đạo này có dính dáng tới vụ bê bối Hồ sơ Panama. Ngay lập tức, Algeria đã triệu Đại sứ Pháp tại Algiers Bernard Emie để phản đối việc đưa tin của truyền thông Pháp về vụ "Hồ sơ Panama" mà Algiers cho là "chiến dịch thù địch" nhằm vào Algeria. Tờ "Toronto Star" hôm 5/4 cho biết ông Eric Văn Nguyễn - một nhà đầu tư cổ phiếu ở tỉnh Quebec, đang bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan điều tra thuộc Tổng cục thuế Canada do có tên trong "Hồ sơ Panama”.

Hiệu ứng “Domino” cũng đang lây lan nhanh trên toàn cầu và gây ra những tác động nhanh chóng. Ngày 6/4, ông Juan Pedro Damiani, thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), đã từ chức sau khi "Hồ sơ Panama" cho biết công ty luật của ông này hoạt động với vai trò trung gian cho một quan chức cấp cao của FIFA. Trong khi đó, tạp chí điện tử Inkyfada điều tra sự dính líu của Tunisia trong "Hồ sơ Panama" đã bị tin tặc xâm nhập ngày 6/4, chỉ vài giờ sau khi đăng bài đầu tiên về vụ bê bối này. "Trang báo của chúng tôi đã bị tấn công nghiêm trọng. Tin tặc đã xâm nhập để đăng những thông tin sai dưới danh nghĩa chúng tôi", tờ Inkyfada thông tin.

Ngay lập tức, một số quốc gia đã cam kết tiến hành điều tra trốn thuế sau khi "Hồ sơ Panama" gồm 11,5 triệu tài liệu của Mossack Fonseca được công bố. Chính phủ El Salvador đã khởi động một cuộc điều tra quy nhằm làm rõ 33 công dân nước này có tên trong "Hồ sơ Panama". Tổng Công tố nhà nước Douglas Melendez.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela khẳng định chính phủ nước này sẽ thành lập một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá lại các hoạt động kiểm soát thuế và phối hợp với các quốc gia khác nhằm tăng cường tính minh bạch tài chính và hệ thống pháp luật. Tổng thống Varela nhấn mạnh không chấp nhận những mưu toan nhằm bôi xấu hình ảnh của Panama là "thiên đường trốn thuế".

 

Ho-so-Panama-Ngoi-sao-dien-anh-Thanh-Long

Ngôi sao điện ảnh Thành Long cũng có tên trong Hồ sơ Panama

 

Căng thẳng cũng đã bùng phát giữa Panama và nhiều quốc gia khác. Panama cũng đã gửi thư phản đối tuyên bố của người đứng đầu Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Angel Gurria cho rằng Panama là thiên đường thuế cuối cùng, tạo điều kiện cho các quỹ giấu tài sản ở nước ngoài nhằm trốn thuế. Panama cũng cho biết sẽ có biện pháp đáp trả Pháp sau khi Paris đưa nước này trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế.

Hồ sơ Panama được ví như một trận động đất chính trị diễn ra trên toàn thế giới với những những hậu quả bước đầu to lớn. Sau sự ra đi bất đắc dĩ của Thủ tướng Iceland, một loạt các chính trị gia khác đã phải “giật mình cảnh giác”. Mức độ thiệt hại Hồ sơ Panama gây ra càng lớn, sự phản ứng càng thái quá của các nước càng chứng tỏ những gì được công khai là đúng. Hồ sơ Panama cho thấy đã và đang còn có rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống tài chính quốc tế. Ở thời điểm hiện nay, những thông tin hàng ngày hàng giờ được công bố trong hồ sơ Panama tiếp tục tạo nên những cú sốc toàn cầu không ai có thể ngăn chặn được.


N.Quang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn