Phẫu thuật để điều trị
Vũ khí "độc" của "cánh" nam khoa chính là vi phẫu thuật để điều trị các trường hợp vô sinh do tắc ống dẫn tinh, tắc ống mào tinh, giãn tĩnh mạch tinh... Phương pháp này nhằm giúp người bệnh có tinh trùng trở lại hoặc tinh trùng từ "yếu yếu, xìu xìu" thành "khỏe mạnh, cường tráng". Mục đích điều trị của nam khoa là khi hết bệnh, người chồng sẽ có con bình thường như những người bình thường khác. Mục đích thứ hai là, nếu người chồng không thể (hay quá khó) có con tự nhiên, cần phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, thì bên nam khoa sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguồn tinh trùng cho bên hiếm muộn.
Dưới đây là những thông tin cập nhật từ Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ - tổ chức hoạt động của các bác sĩ chuyên về hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm (còn tổ chức hoạt động của các bác sĩ phẫu thuật vô sinh nam là Hội Tiết niệu Hoa Kỳ).
Khả năng thành công của vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh là 84% và 42% bệnh nhân có con tự nhiên sau mổ.
Khả năng thành công của vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh là 85-90% và 50-70% bệnh nhân có con tự nhiên.
Trường hợp tắc ống phóng tinh, sau mổ cắt đốt nội soi ống phóng tinh, 50-75% bệnh nhân có tinh trùng lại và khoảng 20% trong số này có con tự nhiên.
Sau mổ giãn tĩnh mạch tinh, hơn 2/3 trường hợp có tinh dịch đồ cải thiện, trong đó 30-50% có con tự nhiên.
Thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: N Phương |
Nên chọn phương pháp điều trị nào?
Trong thực tế, có những trường hợp bệnh nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất (hoặc thụ tinh ống nghiệm hoặc phẫu thuật) để có con. Ví dụ: nếu bệnh nhân bị vô sinh do bất sản ống dẫn tinh hai bên bẩm sinh thì chỉ có thể có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được trích từ tinh hoàn hay mào tinh; còn nếu bệnh nhân bị vô sinh không tinh trùng do giãn tĩnh mạch tinh hay hai tinh hoàn ẩn trong bụng thì bắt buộc phải nhờ cậy đến bàn tay khéo léo của các bác sĩ nam khoa. Các trường hợp khác như vô sinh do tắc ống dẫn tinh, tinh trùng yếu do giãn tĩnh mạch tinh... thì cả hai biện pháp điều trị này đều có thể áp dụng được. Tuy nhiên, khi người bệnh tới một nơi chuyên về phẫu thuật thì thường được khuyên: "Mổ đi!", còn nếu họ tới nơi chuyên về ICSI thì lại được tư vấn: "Phải thụ tinh thôi, hình dạng bình thường thấp quá như thế này làm sao có con được, mổ thành công thấp lắm!". Đứng giữa "ngã ba đường", bệnh nhân sẽ vô cùng bối rối, biết đi đường nào đây?
TS.BS. Nguyễn Thành Như