Hà Nội

Hành khất thời nay

06-01-2010 14:05 | Xã hội
google news

Không còn cảnh những bàn tay gầy gò chìa ra với câu "Xin ông đi qua, xin bà đi lại", hoặc "Xin rủ lòng từ bi bố thí" như ngày xưa mà hành khất thời nay hiện đại,

Không còn cảnh những bàn tay gầy gò chìa ra với câu "Xin ông đi qua, xin bà đi lại", hoặc "Xin rủ lòng từ bi bố thí" như ngày xưa mà hành khất thời nay hiện đại, "thông minh" hơn nhiều. Bạn định cho họ 500đ hoặc 1.000đ có thể bị "ăn mắng" như chơi vì đó là những "hành khất lịch sự"!!!

“Ngạc nhiên chưa!”

Chuyện cánh hành khất vờ khèo tay, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu hoặc thuê trẻ con để đánh vào lòng thương mọi người, báo chí đăng quá nhiều rồi, khỏi nói. Trong xã hội hiện đại hôm nay, không ít hành khất cũng "hiện đại" theo và mục đích vẫn là xin tiền nhưng đố ai dám bảo họ là hành khất. Và khoản tiền xin được cũng rất "hiện đại" trong cái vỏ của một người rất lịch sự và có "lòng tự trọng"!

Tôi quen một nhân viên bưu điện và bưu điện phải tìm tiền lẻ để trả lại khách mua báo mua tem là chuyện thường. Dường như cung cầu gặp nhau nên cô nhân viên bưu điện này hàng ngày thường đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ cho một bà hành khất. Chuyện này cũng bình thường nhưng một lần chứng kiến việc đổi tiền thì tôi bỗng giật mình và tự thấy tủi nếu so thu nhập của bà hành khất với... thu nhập của mình. Ấy là vào một chiều mưa, sau khi đổi tiển lẻ lấy tiền chẵn, bà hành khất buột miệng than thở với cô nhân viên bưu điện mà bà coi là người quen, thậm chí thân thiết:

- Chán quá, hôm nay kiếm chưa được 200! (200 ngàn đồng)

Chưa được 200 ngàn đồng đã là "chán", vậy cứ cho bình quân mỗi ngày xin được 200 ngàn đồng thì thu nhập của bà một tháng 6 triệu cũng ăn đứt khối cán bộ viên chức tốt nghiệp đại học đèn sách bao năm lại cộng thêm bao năm thâm niên công tác.

Tưởng thế đã là đáng ngạc nhiên, nào ngờ đem chuyện này kể với một người bạn là trinh sát hình sự, anh cười:

- Thế mà cũng đòi làm báo! Đấy là lớp hành khất cũ chứ bây giờ khối ông bà và cả thanh niên làm hành khất, lịch sự, nhàn hạ và thu nhập khá hơn nhiều!

Tôi trợn tròn mắt chưa kịp hỏi thêm cho ra ngô khoai thế nào, anh bạn đã phẩy tay:

- Tự đi tìm hiểu đi!

"Cô thiếu tí tiền!"

Bà Vân (*) ngoài 60 tuổi, khỏe mạnh, béo tốt, ăn mặc đúng như một cán bộ về hưu. Không biết tìm hiểu ra sao mà thuộc khối tên vị lãnh đạo vừa về hưu của nhiều cơ quan lại biết cả lý lịch, gia cảnh của vị vừa trở thành tiền nhiệm nhiều cơ quan ấy. Thỉnh thoảng, quay vòng, bà cầm y bạ ngồi ở quán nước gần một cơ quan để... "thất vọng"! Nhiều cơ quan bây giờ, cánh thanh niên cũng hay rủ nhau ra quán nước và bà bắt chuyện hỏi thăm mấy anh chị nhân viên trẻ và ngạc nhiên vì định đến thăm "thủ trưởng cũ" nào ngờ ông (hay bà) này vừa về hưu. Tiện mồm, bà kể vanh vách những chuyện đời riêng của thủ trưởng cũ và cánh trẻ cứ há hốc miệng ra nghe. Bà ca ngợi đạo đức của thủ trưởng cũ những là thương người ra sao, quan tâm đồng nghiệp thế nào khiến người nghe chạnh lòng muốn tốt như hoặc hơn thủ trưởng cũ hoặc để tỏ ra xứng đáng nhân viên của người tốt, thủ trưởng tốt, cơ quan tốt. Bà nói cứ tưng tửng như không, hết chuyện thủ trưởng cũ rồi đến chuyện mình.  Tóm lại, bà cũng là người của cơ quan này, về hưu, về mất sức cả chục năm nay gì đấy. Bà kể về bệnh tật của bà, hoàn cảnh của bà như một dạng tâm sự và hé ra ý định đến thăm thủ trưởng nhờ giúp đỡ, nào ngờ ông ấy đã về hưu. Rồi bà chép miệng rút tiền ra "khoe" và than thở:

- Thuốc thang bây giờ giá cả kinh quá! Tưởng hết ngần này ai ngờ không đủ!

- Bác thiếu bao nhiêu?

- Có hơn 2 trăm! Thằng con cô (trước đó được giới thiệu là tiến sĩ hay có sự đàng hoàng thành đạt nào đấy) đưa thêm mà cô lại không cầm - Và bà như nói một mình - Mất công quá, lại phải quay về nhà tận XXX (khu chung cư hiện đại ở ngoại ô) rồi lại quay lại đây vì bác sĩ bảo chỉ cửa hàng ABC này mới có thuốc đúng như trong đơn!

Mấy anh trẻ nhìn nhau và thông cảm "bậc tiền bối" gom đủ số tiền thuốc mà "cô thiếu" cho bà! Cám ơn, thậm chí trước đó còn ra vẻ từ chối rồi bà quày quả "đi mua thuốc" để đến gần cơ quan khác tiếp tục làm "người tiền bối" đang thiếu tí tiền mua thuốc!

"Hôm nay trời đẹp!"

Nếu như bà Vân hành khất có phần lừa đảo thì ông Nam (*) lại "hành khất" theo kiểu khác.  Quả tình, ông có biết chút tiếng Pháp và hàng ngày ông với bộ râu kẽm như HLV Calisto, vận comple, thắt cà vạt, chống batoong đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm hoặc Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thấy khách Tây, ông lại gần và thân thiện "bông zua!". Có khi ông còn chụp ảnh hộ cho cả nhóm để có đủ cả trong hình làm kỷ niệm... Khách Tây thường có người biết tiếng Pháp bắt chuyện với ông. Và chủ đề với khách nào cũng chỉ là "Hôm nay trời đẹp, thời tiết bên đó thế nào". Xì xồ một lúc, có khi phải nói chuyện ... bằng tay ra hiệu nhưng khi đã "quen" rồi, ông bao giờ cũng kết thúc bằng một câu "Có thể tặng tôi một bữa trưa chứ?" bằng tiếng Pháp, Nga, Anh khá chuẩn tùy theo khách mang quốc tịch nào. Thường thì khách tặng ông 5 - 10 USD. Tăng 1 - 2 USD, ông lịch sự lắc đầu giải thích một câu bằng nhiều thứ tiếng được luyện khá nhuyễn "Tôi không phải là hành khất!".

Một lần gặp ông ở quán càphê vỉa hè, lân la làm quen, ông cao hứng tổng kết:

- Tưởng dân ta hay sĩ mà "tây" cũng sĩ ra phết! Cả nhóm nói tiếng Anh, mình nói tiếng Pháp thế nào cũng có "thằng" tỏ vẻ với bạn rằng mình thạo tiếng Pháp.

- Có bao giờ bác gặp "Tây kẹo"?

- Hiếm! Dân mình rất hiếu khách nên tây gặp tớ là "khách" cũng muốn thể hiện không kém người Việt lắm!

Chuyện ông Nam là chuyện "hành khất cao cấp chuyên nghiệp" chứ không ít bạn trẻ cũng sẵn sàng làm "hành khất cao cấp nghiệp dư"! Noel những năm trước, không ít bạn trẻ sắm vai ông già tuyết đi phân phát quà từ các cửa hàng tới những địa chỉ theo thỏa thuận và thường xuất hiện trên đường lúc chập tối trở đi. Noel năm nay, những ông già tuyết cưỡi xe máy, đội mũ bảo hiểm xuất hiện từ sáng tại những nơi danh thắng có khách chụp ảnh. Nam thanh nữ tú người Việt đang chụp ảnh kỷ niệm thấy "ông" xuất hiện bỗng ngẫu hứng mời "ông" lại chụp chung. Tưởng ông tốt bụng, dễ tính như trong chuyện cổ tích, nào ngờ chụp xong rồi, khổ chủ cám ơn rối rít nhưng ông không chịu đi cho. Ông bền bỉ theo họ đòi tiền công và ông chỉ tạm biệt khi được tiễn 10 - 15 ngàn,  có khi vài chục ngàn đồng tùy số lần chụp kỷ niệm với ông hoặc tùy thái độ mềm rắn của người được ông đứng bên làm kỷ niệm!

Hết khách ta đến khách tây, phát huy chiến quả, các ông thấy khách nước ngoài đem theo máy ảnh hay đang chụp hình cho nhau là chẳng cần biết nếp tẻ cứ thẳng tiến xông vào đề nghị chụp chung. Công việc xong xuôi, các ông già Noel thay vì phát quà nhưng chắc ban ngày tại nơi danh thắng không có ống khói và tất chân nên các ông... xòe tay xin tiền khách! Khách đến lâu có tiền Việt tặng ông chứ khách mới đến, tặng ông bằng ngoại tệ là cái chắc. Nhìn các ông thỏa thuận với nhau "ông có râu là của tao", "bà béo là của tao" mà buồn quá, không khác mấy anh xe ôm thấy ôtô khách vào bến, vây đến và chỉ người trên xe một cách ngắn gọn "Anh đội mũ!", "cô cặp tóc!", "bà béo!" (là khách tôi đã xí rồi đấy!).
 Ảnh: KM

Thật giả lẫn lộn

Bản thân người viết bài này tưởng am tường chuyện hành khất hiện đại thời nay mà cũng được bài học bực mình. Ấy là lần cùng nhà văn Chu Lai đi vào Nha Trang tham dự trại sáng tác. Tự dưng "chán đi máy bay, lâu rồi thử đi tàu hỏa xem sao", hai anh em quyết lên tàu Thống Nhất. Tàu ra khỏi ga Vinh, có một cậu sinh viên gõ cửa, tay này xách cặp lổng chổng mấy cuốn sách, đôi bộ quần áo trong đó, tay kia cầm túi kẹo cu-đơ, nước mắt ngắn dài:

- Các bác ơi, cháu học ở Đại học Nghệ thuật Huế, lúc lên tàu bị nó móc túi mất hết cả tiền học... Các bác mua hộ cháu bộ quần áo... Cả gói kẹo định biếu thầy...

- Thằng này có dở hơi không đấy? - Bà khách tầng dưới "thân mật" mắng và móc ra chục ngàn - Ai mua quần áo của mày làm gì... Chịu khó đến các khoang mà xin!

- Cháu không ăn mày...

Chu Lai cười thông cảm:

- Chưa thành nghệ sĩ mà mặt vàng như nghệ thế kia vẫn còn sĩ! Tớ không cho mà giúp cậu đây!

Ông Đại tá nhà văn trân trọng rút trăm ngàn đồng đặt vào tay cậu, chỉ lo cậu không nhận. Tôi cũng tặng cậu tờ 100. Bà cùng khoang cũng cất đi tờ 10 ngàn và rút ra tờ 5 chục. Cảm ơn chân thành lắm, đến nỗi cậu đi rồi Chu Lai còn "rút ra bài học":

- Cách cho cũng quan trọng lắm. Người lâm nạn, nhất là có học thức rất giàu tự trọng!

Sau 3 tuần dự trại sáng tác về, thế nào mà hai anh em lại đi tàu vì "từ Nha Trang ra Cam Ranh leo lên máy bay rồi từ Nội Bài về nhà thì cách rách còn hơn đi tàu". Tàu qua khỏi Quảng Bình, lại vẫn cậu "sinh viên" nọ nhưng thay vì cầm gói kẹo cu-đơ là mấy quả bưởi Phúc Trạch gõ cửa. Chu Lai nhận ra ngay và cậu mới nói chưa hết câu đầu đã bị ông nhà văn bực mình cắt ngang:

- Mày lại chuyển trường sang Đại học Vinh rồi à? Vừa bị móc túi mất hết tiền học ở ga chứ gì!

Lạnh tanh như không nghe thấy, cũng chẳng ngượng ngùng, cậu thản nhiên bỏ đi. Lần này thì ông Đại tá nhà văn cũng "rút ra bài học":

- Cứ tưởng mình viết văn, viết kịch là hiểu người hiểu đời lắm nhưng có thằng nó còn sáng tác và diễn bằng vạn mình ấy! Hì hì...

- Phải học nó cách xây dựng chi tiết tạo ra tính thuyết phục của tác phẩm anh ạ! Học phí lần trước rẻ chán!- Tôi cũng cười đầy bi đát.

Cuộc sống không ít tai họa bất ngờ và rất cần những bàn tay chìa ra giúp đỡ. Nhưng lòng thương cảm bị đổ vỡ, chai sạn sau những màn kịch thế này thì sẽ ra sao nhỉ? Và những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh thật sự sẽ ra sao nếu tình thương, nỗi cảm thông, niềm chia sẻ bị đánh cắp...

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Lê Quý Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn