Hành hương về đất tổ: Rạng ngời khí thiêng sông núi

04-04-2009 01:02 | Xã hội
google news

"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Trong tâm thức của tất cả những người con đất Việt, càng gần đến ngày Quốc giỗ, tất cả đều thành kính hướng về núi Nghĩa Lĩnh, về vùng đất tổ linh thiêng...

"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Trong tâm thức của tất cả những người con đất Việt, càng gần đến ngày Quốc giỗ, tất cả đều thành kính hướng về núi Nghĩa Lĩnh, về vùng đất tổ linh thiêng...

 Rước lễ vào Đền Hùng.  

Tôn nghiêm, tráng lệ

Về Đền Hùng, thạc sĩ  Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng dẫn chúng tôi vào thăm Quảng trường lễ hội, hay còn gọi là Sân lễ hội có sức chứa hàng vạn người. Tiếp đến là trục hành lễ với chiều dài hơn 500m, rộng 20m, nối đường 32C, tất cả sẽ được lát đá, hai bên đường có thảm cỏ và cây xanh tạo cảnh quan môi trường và che mát cho du khách. Cuối trục hành lễ sẽ xây dựng một cổng chính vào khu di tích, với kiến trúc mô phỏng cổng làng truyền thống của nông thôn Việt Nam. Ngoài ra, khu vực trung tâm còn có nhà làm việc của cán bộ Khu di tích, nhà đón tiếp khách; các bãi đỗ xe, biểu tượng chợ quê của Việt Nam... Ông Khôi nói về tầm vóc khu vực này trong tương lai: "Phía Nam Đền Hùng là khu vực mới mở rộng theo quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại đây sẽ gồm: Làng văn hoá thời đại Hùng Vương, Trung tâm Hội chợ thương mại, tháp Hùng Vương - biểu tượng kiến trúc độc đáo của dân tộc Việt Nam và đặc trưng các vùng miền của đất nước thu nhỏ về đây"... Ngoài nơi thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta còn cho phép quy tụ những giá trị văn hoá tâm linh về vùng đất thiêng Đền Hùng. Đậm nét trong lòng dân là đền Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Ngày nay con cháu Lạc Hồng mới có điều kiện xây mới ngôi đền Tổ Mẫu ở ngay nơi cha rồng mẹ tiên đã từng sinh sống và nuôi con khôn lớn. Đền Mẫu được xây dựng năm 2001 tại núi Vặn (Ốc Sơn), khánh thành năm 2005. Từ năm 2007 tới nay xây dựng thêm đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Qua truyền thuyết và thành tựu mấy chục năm nghiên cứu của ngành lịch sử, văn hoá, cùng sự kính ngưỡng đối với tổ tiên đã thể hiện nét độc đáo của thời đại Hùng Vương trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của hai ngôi đền và hai pho tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên, đặc biệt là tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, khuôn mặt quắc thước, có thần khí, nhưng vẫn đôn hậu, nhân từ, năng lực siêu nhiên thống nhất sơn hà tỏa sáng.

 Dâng hương các vua Hùng.

 Theo lối chính, chúng tôi lên thăm các đền trên núi Nghĩa Lĩnh (hay còn gọi là Núi Hùng). Núi Hùng với độ cao 175m so với mặt nước biển, như một cao điểm nằm giữa hàng trăm quả đồi như đàn voi chầu về mộ Tổ. Phía Đông là ngã ba Bạch Hạc, nơi tụ hội của hai dòng sông Thao và sông Lô ngày đêm chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ Bắc Bộ. Đền Hùng thành nơi "sơn chầu thủy tụ" dồi dào khí thiêng sông núi. Núi Hùng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, Hùng Sơn... Núi Hùng hiển hiện dáng hình đầu rồng hướng mặt về phía Nam, mình uốn thành núi Văn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Hùng với cây cối cổ thụ thâm nghiêm, u tịch. Đỉnh núi Hùng là Đền Thượng. Tục truyền là nơi các Vua Hùng lập đàn cầu trời đất ban cho mưa thuận gió hoà, muôn dân no ấm. Đến đời Vua Hùng thứ sáu, khi có giặc ngoại xâm, vua lên cầu người tài giỏi xông pha giúp nước đánh đuổi giặc Ân. Về sau nhân dân lập bài vị các Vua Hùng để hương khói phụng thờ. Đền Hùng có tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh Điện" (Điện cầu trời), cũng có tên nữa là "Cửu Trùng Tiên Điện" (Điện giữa chín tầng mây). Trước cửa đền có bức đại tự đề "Nam Việt Triệu Tổ" (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền Thượng vừa được tu bổ, tôn tạo bằng các vật liệu bền vững, cột được sơn son, các đồ thờ và hoành phi câu đối được thếp vàng, tạo cho ngôi đền thật sự bền vững, khang trang và linh thiêng. Bên cạnh Đền Thượng là cột đá, tương truyền do Thục Phán ( An Dương Vương) dựng lên thề với Vua Hùng thứ 18: "Sẽ đời đời trông nom miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của nhà Hùng truyền lại". Gần Đền Thượng có lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ sáu. Tại đây (năm 1740 - 1786) vua Lê Hiển Tông đã đề thơ: "Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân tới phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi". Dưới Đền Thượng là Đền Trung (đang khởi lập việc tu bổ, tôn tạo); đây là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh, bàn việc nước. Đền Trung còn có tên là "Hùng Vương Tổ Miếu". Theo truyền ngôn, đây là nơi Lang Liêu dâng vua cha bánh chưng, bánh dầy trong ngày lễ chọn cử nhân tài. Do tấm lòng hiếu thảo, Lang Liêu được Vua Hùng thứ sáu truyền ngôi trở thành Vua Hùng thứ 17. Dưới Đền Trung là Đền Hạ - nơi Mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng (tiền thân của dân tộc Việt Nam). Gần đền có ngôi chùa, tên xưa là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, sau đổi thành Thiên Quang Thiền Tự. Trước cửa đền có cây vạn tuế có tuổi thọ gần 800 năm. Dưới chân núi Hùng có Đền Giếng còn gọi là Giếng Ngọc. Giếng Ngọc là nơi hai con gái của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) là Ngọc Hoa và Tiên Dung thường soi gương, chải tóc. Nơi đây, tháng 9/1954, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

 Viếng mộ các vua Hùng.   

Tưng bừng hội mở

Vừa đặt chân lên Đền Thượng, ông Nguyễn Việt Hà, người đã xa Tổ quốc 40 năm đang sống tại Cộng hoà Séc tự nhiên khóc oà như đứa trẻ lâu ngày được gặp mẹ. Trong cơn xúc động tột cùng ông nói: "Bây giờ tôi mới được làm người, vì xa hơi đất quê nhà, mình có sung sướng nhưng vẫn thấy xa lạ khó diễn tả". Sau đó ông Hà lặng lẽ dùng tay bới một nắm đất gói thật kỹ.  "Ông giải thích: Tôi sẽ mang sang Séc để giáo dục con, cháu mình rằng dù đi đâu ở đâu thì vẫn có đất nước ở bên cạnh ở trên đầu.  

Ngày hội đã đến. Cờ hội giăng suốt hai bên đường từ Ngã Ba Hàng tới cổng đền chính, đền Tổ Mẫu Âu Cơ - Lạc Long Quân. Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong rực rỡ sắc màu. Cổng chào, panô, sơ đồ hướng dẫn khách, dựng đặt ngay ngắn. Các ki-ốt, các hàng quán ngắn nắp gọn gàng có niêm yết giá cả. Chủ hàng ký cam kết với Ban quản lý thị trường bán hàng đủ lượng, không tăng giá, ép giá; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Cảnh bán hàng rong, níu kéo khách, ăn mày ăn xin, bói toán, cờ bạc, say xỉn kiên quyết dẹp bỏ. An ninh được coi trọng, đảm bảo lễ hội và người dự hội đều thực sự có văn hoá, văn minh thanh lịch. Khu trung tâm dịch vụ hoạt động cả ngày lẫn đêm, chuyển khách bằng xe điện, hướng dẫn khách tham quan, du lịch. Kinh doanh dịch vụ ăn uống với hai nhà ăn, cùng lúc phục vụ tới gần 1.000 khách; bán hàng lưu niệm, với trách nhiệm làm gương cho các hàng quán tư nhân.

 Hát xoan tại lễ hội. 

Năm trước, 10 ngày chính hội, khách về dự hội tới hơn 3 triệu lượt người. Năm nay chắc chắn người tới hội không ít hơn. Bởi Tổ Hùng Vương là Tổ của dân cả nước. Hội Đền Hùng là ngày Quốc giỗ - ngày cả dân tộc nhớ đến công đức của các Vua Hùng đã sáng lập nên Nhà nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt. Vì lẽ, tình người Phú Thọ mộc mạc mà sâu xa; vì lẽ hiển nhiên: "Vua Hùng là cụ Tổ chung/ Trăm con ở khăp miền trong, miền ngoài"!

Di tích Đền Hùng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ có không gian tới 1.030 ha, trong đó rừng Quốc gia chiếm 538 ha. Đây cũng là khu rừng Quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Có hàng trăm loài cây quý và có những cây cổ thụ vài trăm năm như: vạn tuế, đại, chò nâu, thông....

Bài: Khánh Gia, Ảnh: Ngô Dư


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn