Trong thời gian qua, tại khu vực miền trung từ Thanh Hoá tới Phú Yên đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài liên lục (lên đến trên 30 ngày), không có mưa, độ ẩm thấp, nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37 - 39 độ C, có nhiều nơi trên 40 độ C, kèm theo gió lào khô nóng thổi mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7, do vậy, đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ, thực bì, cây bụi.
Chiều tối 28/6, đám cháy tại rừng đặc dụng trên núi Vụng Quao, thôn Tràng An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, khu vực nằm trong quần thể danh thắng Tràng An đã bùng lên. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy đã được huy động để bảo vệ rừng. Sau nhiều giờ, một phần đám cháy đã được dập tắt, tuy nhiên do thời tiết hanh khô, kết hợp với những đợt gió to, nhiều đám cháy đã bùng phát trở lại. Lực lượng chức năng chưa thể thống kê được diện tích rừng bị cháy. Các lực lượng đang huy động mọi phương tiện, máy móc tại chỗ để dập tắt đám cháy sớm nhất nhằm kiểm soát tình hình.
Trong thời kỳ cao điểm, chỉ trong 5 ngày, từ 26 - 30/6/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm phát cháy, trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100 ha. Một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng như: Ninh Bình (1 vụ); Nghệ An (4 vụ), Hà Tĩnh (3 vụ), Quảng Trị (1 vụ) Thừa Thiên Huế (3 vụ), TP. Đà Nẵng (1 vụ) và Phú Yên (2 vụ).
Trong số các vụ cháy có nhiều vụ cháy đã được khống chế nhưng bùng phát trở lại và kéo dài trong nhiều ngày, như: vụ cháy tại xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bùng phát trở lại 2 lần và kéo dài trong 3 ngày; vụ cháy tại các xã Sơn Trung, Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh bùng phát 3 lần trong 3 ngày; vụ cháy tại huyện Hương Trà và Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế; tại xã Khánh Sơn, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Các địa phương đã tổ chức huy động hơn 6000 lượt người tham gia chữa cháy gồm Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ và người dân địa phương. Các vụ huy động lực lượng, phương tiện lớn như: vụ cháy tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh huy động gần 1.000 lượt người, 11 xe cứu hoả tham gia chữa cháy; vụ cháy tại Hương Sơn, Hà Tĩnh huy động khoảng 500 người và xe cứu hoả.
Dự báo năm 2019, thời tiết khô hanh kéo dài bất thường có thể tiếp tục xảy ra, do vậy, trước khi bước vào mùa khô Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc.
Các địa phương đã huy động mọi lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng cứu kịp thời của Hà Tĩnh, trong đó có sự nỗ lực cao của các lực lượng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền và sự phối hợp tác chiến của lực lượng Quân khu 4.
Bước đầu cháy rừng ở Nghi Xuân đã được khống chế nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, các lực lượng không được chủ quan khi trọng điểm mùa hè khắc nghiệt vẫn tập trung cao nhất trong tháng 7 và Hà Tĩnh là một trong những điểm xung yếu nhất về cháy rừng.
“Các lực lượng phải cắt trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó các diễn biến mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đối với việc bảo đảm an toàn trong cứu hộ, Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng cứu hộ nắm chắc quân số, thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ nhau kịp thời, không để xảy ra tình huống nguy hiểm tới tính mạng.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, đa dạng các kênh thông tin chuyển đến người dân, trong thời tiết nhạy cảm cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không được đốt rác, thực bì tùy tiện, gây ra các nguy cơ cao cháy rừng trở lại.
Tại thị trấn Xuân An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng biểu dương chủ một nhà hàng đã chủ động cung cấp hơn 1000 suất ăn miễn phí cho các lực lượng cứu hộ, nhân dân tham gia chữa cháy rừng trong hai ngày qua.
Trong chiều 29/6/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 776/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng gửi UBND các tỉnh từ Ninh Bình đến Khánh Hoà.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, người đang có mặt tại hiện trường cháy rừng huyện Nghi Sơn, Hà Tĩnh cho biết, điểm cháy đã được khống chế. Tổng cục trưởng cũng đề nghị, để ngọn lửa không bùng phát trở lại thì cần cử lực lượng đi rà soát lại các điểm đã cháy, xác định nơi nào còn tàn để dập tắt hẳn. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh cụ thể thiệt hại và nguyên nhân gây ra cháy, xác định đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Xây dựng phương án để phục hồi lại rừng ở khu vực bị cháy.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, biểu dương tinh thần chủ động, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" mà các cấp cơ sở đã triển khai trong thời gian qua.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục nằm trong thời gian cao điểm của khô hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ ngành sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện các giải pháp ứng phó với trước mắt cũng như lâu dài để quản lý tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục duy trì các tổ công tác bám sát hiện trường để nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương.