Hàng nghìn du khách hành hương về nơi 'mở cổng trời' cầu tài lộc, may mắn

30-01-2023 19:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sáng ngày 30/1, (tức ngày 9 tháng Giêng) hàng nghìn du khách đã hành hương về Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong ngày "mở cổng trời" để cầu tài lộc, may mắn.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 1.

Dòng người đổ về Đền Nưa - Am Tiên nhân ngày "mở cổng trời".

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã có mặt tại Đền Nưa - Am Tiên để hành hương, du xuân cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. 

Các hoạt động thắp hương, chiêm bái của người dân và du khách diễn ra thành kính, mọi hoạt động diễn ra trong trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy để dâng hương.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 2.

Trong những ngày qua, Đền Nưa - Am Tiên đón hơn 50.000 du khách đến thăm quan, cầu may.

Sau màn đánh trống, đánh cồng khai hội là nghi lễ Kính thỉnh chúc văn và nghi lễ "mở cổng trời" tại huyệt khí quốc gia. 

Người dân, du khách sẽ dâng hương, hoa để tế lễ và tưởng nhớ công đức của các tiền nhân, anh hùng dân tộc và cùng nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà an lành, hạnh phúc.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 3.

Sáng ngày 30/1 (tức ngày mùng 9, tháng Giêng), huyện Triệu Sơn trang trọng tổ chức khai mạc lễ hội Đền Nưa - Am Tiên năm 2023.

Đền Nưa - Am Tiên cũng như vùng đất Cổ Định xưa - Thị trấn Nưa ngày nay - một vùng địa linh nhân kiệt. Đây là vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng với mật độ dày các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. 

Đặc biệt Di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên đã được Nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia, là thắng cảnh nổi tiếng rất có ý nghĩa về văn hóa - lịch sử và giàu tiềm năng du lịch.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 4.

Du khách thập phương hành hương, cầu mong 1 năm "mưa thuận gió hòa".

Năm 248, tại Ngàn Nưa, Bà Triệu Thị Trinh đã chiêu mộ binh sĩ và rèn luyện nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Ngô, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 5.

Du khách đi vòng quanh huyệt đạo.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sau khi nữ tướng Triệu Thị Trinh mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và hàng năm đều tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn của bà. 

Theo truyền thuyết, đỉnh Am Tiên không chỉ là nơi luyện kiếm mài gươm của nghĩa quân Bà Triệu mà còn là một trong 3 huyệt đạo lớn của quốc gia, nơi trời đất giao hòa.

Dòng người hành hương Đền Nưa – Am Tiên ngày “mở cổng trời” - Ảnh 6.

Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên đã thu hút được hàng vạn du khách thập phương, cùng các tăng ni phật tử nô nức hành hương về tham dự. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn, công đức của nữ tướng Triệu Thị Trinh và các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ sau; là dịp để quảng bá nét đẹp về đất và con người xứ Thanh.

 Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên sẽ diễn ra đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch.


Ngọc Hưng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn