Trước đó, cuộc đàm phán đã được bắt đầu từ tối 22/8 song lại bị tạm ngưng trước bình minh ngày 23/8. Cuộc đàm phán chỉ được nối lại vào cuối buổi chiều cùng ngày và tiếp tục kéo dài suốt đêm đến sáng nay (24/8), trong bối cảnh cả Bình Nhưỡng và Seoul đều đặt trong tình trạng cảnh báo quân sự ở mức cao, một quan chức tại Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói với Reuters.
Hình ảnh được cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang họp với các tướng lĩnh Triều Tiên hôm 21/8
Đại diện tham gia đàm phán là Kim Kwan-jin, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hong Yong-pyo, phía Triều Tiên có Hwang Pyong So, trợ lý quân sự hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Kim Yang Gon, cựu chiến binh chuyên trách các vấn đề liên Triều.
Chiều 23.8, vài giờ trước khi đại diện cấp cao của hai miền Triều Tiên tiếp tục hội đàm tại Bàn Môn Điếm, Hàn Quốc loan báo khoảng 50 chiếc trong tổng số 70 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ và biến mất khỏi màn hình radar theo dõi của miền Nam. Yonhap dẫn lời các sĩ quan cấp cao ở Seoul cho hay đây là đợt triển khai tàu ngầm lớn nhất của Bình Nhưỡng từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Trong khi đó, Triều Tiên cũng tăng gấp đôi lực lượng pháo binh ở giới tuyến so với ngày 21.8. Đây là những binh sĩ có thể khai hỏa ngay lập tức khi nhận lệnh, chưa tính những người đóng dưới hầm hay trong doanh trại, theo tờ The Korea Herald. Giới quan sát nhận định những hành động mới cho thấy Triều Tiên muốn tạo ưu thế trong đàm phán cũng như chuẩn bị phản ứng nhanh trong trường hợp đối thoại đổ vỡ.
Về phía Hàn Quốc, quân đội vẫn đang đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ và đã huy động thêm các khí tài chống ngầm như tàu khu trục và máy bay tuần tra P-3C. “Chúng tôi đang huy động tất cả các nguồn lực để xác định vị trí của tàu ngầm miền Bắc”, một sĩ quan giấu tên tiết lộ với Yonhap. Quân đội Hàn Quốc còn rút về 6 chiến đấu cơ F-16 được điều tham gia tập trận ở bang Alaska của Mỹ, đồng thời triển khai nhiều hệ thống pháo đa nòng đến gần khu phi quân sự liên Triều.
Theo KCNA ngày 23.8, khoảng 1 triệu thanh niên Triều Tiên đã đăng ký nhập ngũ. Trên mạng xã hội, nhiều người Hàn Quốc cũng đăng hình mặc quân phục và viết họ sẵn sàng chiến đấu.
Ngược lại, nhiều người hy vọng cuộc đàm phán trên sẽ mang lại quan hệ hòa bình. Ông Kim Yu-rim tại Seoul nói: "Tôi biết là không dễ, nhưng tôi hy vọng cuộc đàm phán sẽ kết thúc tốt đẹp để người dân chúng tôi có thể an tâm và không có gì bị phá hủy. Nhiều người nói phải mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề, nhưng tôi hy vọng tình trạng này sẽ sớm chất dứt và an toàn sẽ lập lại."
Ông Woo Yeon-Jung, một cư dân Seoul nói: "Tôi rất hồi hộp lo sợ khi biết thông tin Triều Tiên đe dọa tấn công Hàn Quốc. Gia đình tôi trữ thêm thực phẩm, trong đó có mì gói. Tôi hy vọng cuộc đàm phán kết thúc tốt đẹp và nhanh chóng để hai bên Triều Tiên có thể xây dựng một quan hệ ổn định”.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao sau vụ đấu pháo hôm 20/8, Bình Nhưỡng sau đó gửi một tối hậu thư đe dọa tấn công Hàn Quốc nếu nước này không dỡ bỏ các loa phóng thanh phát tuyên truyền ở biên giới.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay họ sẽ không chấm dứt phát thanh tuyên truyền xuyên biên giới cho đến khi nào Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm đã thực hiện những vụ tấn công, và trừng phạt những ai đã vi phạm và phải có những biện pháp ngăn ngừa những hành vi gây hấn đó.
Hà Anh tổng hợp