Hà Nội

Hạch sưng to có đáng lo?

07-09-2011 08:15 | Y học 360
google news

Khi có tác nhân lạ xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virut, dị nguyên... hạch sản sinh ra những kháng thể để chống lại. Do vậy mà khi ấy hạch thường sưng to hơn bình thường, có thể rắn hoặc mềm, di động hoặc không...

Khi có tác nhân lạ xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virut, dị nguyên... hạch sản sinh ra những kháng thể để chống lại. Do vậy mà khi ấy hạch thường sưng to hơn bình thường, có thể rắn hoặc mềm, di động hoặc không... Mức độ cảnh báo bệnh khi hạch sưng to cũng khác nhau.

Hạch thường sưng to ở vị trí nào?

Hạch to ở vùng cổ, thượng đòn: Ở vùng cổ và vùng trên xương đòn có nhiều loại bệnh mà có sự kích thích làm cho hạch sưng lên như:

Bệnh Hodgkin: trong bệnh Hodgkin người ta thường thấy hạch nổi ở hố thượng đòn bên trái lúc mới bị bệnh, dần dần cả hai hố thượng đòn đều có hạch nổi. Kèm theo hạch ở hố thượng đòn hạch nách và hạch ở trung thất cũng xuất hiện. Đặc tính của hạch trung thất thường không gây đau nên người bệnh không cảm nhận được, không hóa mủ nên không bị rò ra như trong hạch lao. Người bệnh cũng có sốt. Tính chất của sốt trong bệnh Hodgkin là sốt từng đợt và mỗi một lần sốt như vậy hạch cũ cũng to dần lên và xuất hiện thêm các hạch mới. Kèm theo còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác như lách sưng to, rắn (có thể sờ nắn thấy hoặc siêu âm sẽ cho kết quả về kích thước của lách to ra so với lách bình thường).

 Hạch sưng to khi nhiễm khuẩn.

Do viêm nhiễm vùng đầu, mặt, cổ: Một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm amiđan, viêm sưng răng khớp hàm, viêm tai... sang chấn phần mềm nhiễm khuẩn ở vùng này. Kèm theo hạch sưng to là sốt nhưng khi điều trị hết hiện tượng nhiễm khuẩn thì hạch cũng trở về trạng thái bình thường như ban đầu.

Hạch vùng bẹn sưng, đau: Vùng bẹn hạch thường sưng to, đau có thể do một số bệnh nhiễm khuẩn thuộc bộ phân sinh dục - tiết niệu như bệnh do vi khuẩn họ Chlamidia như bệnh sốt viêm hạch hoa liễu; bệnh giang mai do vi khuẩn giang mai gây ra. Hạch vùng bẹn trong các loại bệnh này thường sưng to, đau, không hóa mủ, rắn, di động dễ dàng. Ngoài ra nếu người bệnh bị tổn thương nhiễm khuẩn (vết sây xước, áp-xe, mụn nhọt... ) ở vùng chi dưới, vùng quanh hố chậu thì hạch bẹn cũng sưng to và đau.

Một số hạch đặc biệt như lao hạch, ung thư hạch. Trong ung thư hạch, hạch sưng to ở nhiều vị trí trên cơ thể như hạch thượng đòn, hạch nách, hạch mạc treo, hạch trung thất... Hạch phát triển nhanh và dính lại với nhau; ấn vào đau, mật độ rắn, rất khó di động (vì chúng dích lại với nhau và dính vào tổ chức lân cận).

Một số bệnh về máu cũng có hạch to như bệnh bạch cầu cấp. Hạch thường to, mềm, di động xuất hiện nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể mà bình thường vẫn có hạch như hố thượng đòn, nách, bẹn, trung thất, mạc treo. Kèm theo hạch to là sốt cao, lách to nhanh, xuất huyết. Trong bệnh bạch cầu mạn tính thể lympho thì nhiều hạch nhưng bé, phát triển nhanh, lâu dần (vài ba tháng) hạch to ra, mềm và di động được. Ngoài ra hạch có thể bị sưng to trong một số bệnh truyền nhiễm khác.

 Vị trí hạch nách.

Không nên chủ quan khi hạch sưng to, đau

Hạch sưng to đau hoặc không có nhiều lý do mà đã được trình bày một số nguyên nhân ở phần trên. Hạch sưng to có thể nguy hiểm hoặc không, vì vậy khi thấy có hiện tượng bất thường trong cơ thể và kèm theo hạch sưng to, đau (hoặc không) cần phải hết sức bình tĩnh không nên lo lắng quá mà nên đi khám bác sĩ ngay, nhất là hạch to kèm theo có sốt hoặc sốt nhẹ về chiều hoặc sốt từng đợt hoặc thay đổi bất thường về một số sinh lý... Không nên tự mua thuốc để điều trị sẽ để lại nhiều bất cập khó lường trước. Không nên tự nguyện xin xét nghiệm hạch ở một số cơ sở không đầy đủ tiện nghi làm thêm hoang mang khi xét nghiệm viên giải thích về tình trạng của hạch không đúng với bệnh cảnh của nó.  

 

  PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn