Những năm qua, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo chủ trương, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh trong từng giai đoạn.
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các chỉ tiêu: "tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 95%; có 11,5 bác sỹ/1 vạn dân; trên 28 giường bệnh/1 vạn dân" và Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 08/12/2020 của Tỉnh ủy đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã nêu trong Nghị quyết. Cụ thể hóa các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, quyết định, kế hoạch theo từng giai đoạn và hàng năm về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị và mô hình hoạt động của các đơn vị trên lĩnh vực y tế.
Nhìn chung, các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực y tế từng bước được hoàn thiện, phát huy hiệu quả; ngân sách đầu tư cho sự nghiệp y tế ngày càng được quan tâm, chất lượng nguồn nhân lực y tế ngày càng nâng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường, nhiều kỹ thuật mới, hiện đại được áp dụng; việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ sở y tế bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận; mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư, củng cố, cung cấp các dịch vụ y tế thuận lợi cho người dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%; các chỉ số về phát triển nhân lực, hoạt động y tế dự phòng, dân số, khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt kết quả tốt, các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi.
Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, nhiều công trình, dự án trên lĩnh vực y tế đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua , Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nên cơ sở vật chất của các Bệnh viện, Trung tâm y tế được cải thiện đáng kể, nhiều trang thiết bị được đầu tư, góp phần triển khai thêm các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại trong công tác chẩn đoán và điều trị khám, chữa bệnh.
Cơ sở hạ tầng của 85% trạm y tế đã được đầu tư xây dựng khang trang (năm 2012 chỉ có khoảng 45%). Tính riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ có 24 trạm y tế được xây dựng mới, 25 trạm y tế được cải tạo sửa chữa từ "Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" sử dụng vốn vay và viện trợ ADB (tổng mức đầu tư 208,6 tỷ đồng) và 19 trạm y tế đang được triển khai xây mới, nâng cấp cải tạo từ nguồn đầu tư của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội (tổng mức đầu tư dự kiến 37 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, hàng năm Ngành Y tế đã phân bổ ngân sách sự nghiệp cho các đơn vị thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị chuyên môn. Nhiều Bệnh viện, Trung tâm y tế được bố trí từ nguồn kinh phí giảm chi thường xuyên do thực hiện lộ trình tự chủ để tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Bệnh viện Đa khoa Hương Khê, Trung tâm Y tế Thạch Hà, Trung tâm Y tế Nghi Xuân.
Công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm theo hình thức đấu thầu tập trung tại các bệnh viện, trung tâm y tế đã thống nhất được đơn giá trúng thầu trong toàn tỉnh. Công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế theo hình thức đơn vị tự mua sắm đáp ứng một phần nhu cầu tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế. Công tác đấu thầu mua sắm thuốc theo phương thức tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương đáp ứng phần lớn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Đội ngũ cán bộ ngành Y tế đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, ngành Y tế có 5.268 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 31 tiến sỹ, chuyên khoa II; 413 thạc sỹ, chuyên khoa I; 819 bác sỹ, dược sỹ đại học; 195/216 trạm y tế xã có bác sỹ khám chữa bệnh thường xuyên hoặc luân phiên, đạt hơn 90%. Năm 2022 đạt 11,2 bác sĩ/vạn dân, tăng 6,7 bác sĩ/vạn dân so với năm 2011 (4,5 bác sĩ/vạn dân).
Công tác đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng từng bước được chú trọng, nhiều cán bộ công chức, viên chức đã được cử đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế được tăng cường. 100% cơ sở y tế triển khai sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý khám chữa bệnh HIS, hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối trực tuyến với các bệnh viện tuyến Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch, chuyển hướng chiến lược quan trọng về phòng, chống dịch từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch bệnh sang chung sống an toàn; triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch linh hoạt, khoa học, hiệu quả. Chủ động, thường xuyên đánh giá tình hình dịch theo từng cấp độ để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp.
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2018-2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 09 Nghị quyết 22 trên lĩnh vực y tế và Nghị quyết 46/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022-2025.
Các Nghị quyết đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo, nâng cấp cơ sở y tế, làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Tổng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh trên lĩnh vực y tế là 31,2 tỷ đồng.