Hạ nhiệt 'thùng thuốc súng' ở Nam Á

13-05-2025 17:42 | Quốc tế
google news

Việc lãnh đạo hai cục tác chiến quân sự của Ấn Độ và Pakistan chiều 12/5 tiến hành điện đàm và nhất trí cần phải tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được ngày 10/5, cho thấy thiện chí của cả hai bên hạ nhiệt căng thẳng vốn đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á "lao dốc" trong 3 tuần qua.

Tuy nhiên, những diễn biến dồn dập của đợt căng thẳng lần này, cũng như việc hai bên ngay lập tức cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, cũng phản ánh tính phức tạp của mối bất hòa dai dẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á, đồng thời phơi bày sự thiếu tin tưởng sâu sắc từ cả hai phía. Điều đó khiến thỏa thuận ngừng bắn trở nên mong manh, mà bất cứ toan tính và hành động sai lầm nào đều có thể khiến "thùng thuốc súng" ở Nam Á bén lửa và bùng nổ.

Hạ nhiệt 'thùng thuốc súng' ở Nam Á- Ảnh 1.

Người dân tại Multan, Pakistan vui mừng sau khi nước này và Ấn Độ đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, ngày 10/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngọn nguồn của căng thẳng lần này xuất phát từ vụ tấn công ngày 22/4 vào một khu du lịch ở Pahalgam, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, làm 26 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan, nhưng Pakistan kịch liệt bác bỏ và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Sau vụ tấn công, quan hệ giữa hai nước trượt dốc tồi tệ, với việc thu hẹp quan hệ ngoại giao, trục xuất công dân, đóng không phận, cửa khẩu, đình chỉ Hiệp định nước sông Ấn được ký từ năm 1960 - vốn được coi là biểu tượng hiếm hoi cho hợp tác song phương.

Căng thẳng dường như lên tới đỉnh điểm vào rạng sáng 7/5. Ấn Độ thông báo tiến hành “Chiến dịch Sindoor” không kích vào nhiều địa điểm trên lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan quản lý nhằm vô hiệu hóa các địa điểm mà New Delhi cho là cơ sở khủng bố lập kế hoạch và chỉ đạo vụ tấn công vào Ấn Độ.

Đến ngày 10/5, Pakistan đáp trả bằng chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên Bunyanun Marsoos nhắm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ấn Độ. Cùng với đó là những cuộc nã pháo dữ dội vào khu vực biên giới từ cả hai phía.

Theo ước tính của cả hai bên, ít nhất 60 người đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh. Hơn thế nữa, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và các cuộc xung đột chưa có hồi kết, "điểm nóng" căng thẳng giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này làm dấy lên quan ngại sâu sắc về khả năng nổ ra một cuộc chiến toàn diện.

Bởi vậy, việc hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn chiều 10/5, với vai trò trung gian của Mỹ, được nhiều chuyên gia đánh giá là một bước đi quan trọng và đáng hoan nghênh để ngăn chặn một sự leo thang có khả năng gây thảm họa. Hội đồng Đại Tây Dương coi đây như một sự trì hoãn giúp ngăn chặn sự gia tăng thù địch và mở ra cơ hội đối thoại. Lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn thảm họa trước mắt và bảo tồn sự ổn định kinh tế.

Sau lệnh ngừng bắn, nhịp sống của người dân ở những vùng giao tranh dần trở lại bình thường. Người dân tại Kashmir bắt đầu trở về nhà, còn các trường học tại Punjab mở cửa trở lại từ ngày 12/5. Hai nước cũng mở cửa trở lại không phận.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan nhận định: “Lệnh ngừng bắn đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ khu vực. Nếu hòa bình tiếp tục, tất cả mọi người trong khu vực đều có thể đạt được lợi ích. Về mặt song phương, điều quan trọng là hai nước láng giềng phải chung sống hòa bình. Về mặt kinh tế, thỏa thuận này có thể rất có lợi vì có nhiều phạm vi để mở rộng. Đây là lợi ích của khu vực khi hòa bình được duy trì. Nếu hòa bình được thiết lập ở tiểu lục địa này, mục tiêu về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện có thể đạt được:.

Tuy nhiên, nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận này vẫn luôn thường trực. Giới quan sát nhận định căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan dường như có một quán tính nguy hiểm - dễ dàng bùng nổ từ những mồi lửa nhỏ nhất, nhưng lại vô cùng khó để dập tắt hoàn toàn. Chỉ vài giờ sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, nhiều tiếng nổ đã vang lên ở hai thành phố lớn thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ và Pakistan lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan nhấn mạnh, việc duy trì lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi khả năng giám sát của Mỹ có thể bị hạn chế và cũng cần động lực tài chính. Hơn nữa, ngay cả khi lệnh ngừng bắn được thiết lập, Pakistan đã mở lại không phận và Ấn Độ đã mở lại sân bay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nước sẽ sớm khôi phục quan hệ ngoại giao hoặc nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với công dân của nhau, trong khi hiệp ước về nguồn nước vẫn bị đình chỉ.

Theo các chuyên gia, lệnh ngừng bắn không đảm bảo hòa bình lâu dài, vì vấn đề cốt lõi thúc đẩy sự thù địch giữa hai nước - vấn đề Kashmir - vẫn chưa được giải quyết, dù hai nước đã nhiều lần thảo luận về vấn đề này. Kịch bản có khả năng nhất lúc này là một trạng thái "căng thẳng được quản lý", nơi các vụ việc nhỏ lẻ và cáo buộc vi phạm ngừng bắn có thể tiếp tục diễn ra, nhưng cả hai bên đều kiềm chế không để leo thang thành xung đột quy mô lớn. Tuy nhiên, nguy cơ leo thang luôn hiện hữu, nếu có một sự cố lớn mà một trong hai bên coi là vượt quá "lằn ranh đỏ", đòi hỏi vai trò trung gian tích cực và nhất quán của cộng đồng quốc tế để khuyến khích đối thoại và tạo áp lực ngoại giao khi cần thiết.

Nhìn chung, việc thiếu vắng các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và những yếu tố lịch sử, khác biệt về chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo khiến con đường dẫn đến hòa bình lâu dài giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn còn nhiều gian nan và thách thức. Trong khi đó, giải pháp cho vấn đề Kashmir, vốn là trung tâm của mọi căng thẳng, đòi hỏi sự nhượng bộ và thấu hiểu từ tất cả các bên liên quan, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Song song với đó, xây dựng lòng tin thực sự cần thời gian và những hành động cụ thể, chẳng hạn như thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tương lai của khu vực Nam Á, với tiềm năng phát triển to lớn, phụ thuộc vào việc Ấn Độ và Pakistan có thể vượt qua những hận thù trong quá khứ và xây dựng một mối quan hệ hòa bình, ổn định và hợp tác hay không.


Theo Phương Thịnh (TTXVN)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn