Hai Phiếm sang nhà Nghĩ tôi và bảo:
- Chuyện người này hối lộ người kia chẳng khác gì đưa quai vào mồm nhau như các cụ vẫn bảo "há miệng mắc quai".
Nghĩ tôi xua tay:
- Đấy là ngày xưa chứ giờ mấy ai nhá quai rồi nhưng mắc được khi chỉ cần bảo tôi không nhận là xong vì làm gì có chứng cứ. Ai cũng có thể hối lộ nhưng người nhận hối lộ lại là số ít, có chức phận, đáng kính. Người hối lộ chả có ai xin người nhận hối lộ ký cho một chữ biên nhận. Nếu có "tự thú" tội hối lộ của mình cũng chẳng ăn thua vì không có chứng cớ, có khi lại mang tiếng vu khống, bôi nhọ người đáng kính hay là bịa ra chuyện hối lộ để ẵm tiền của vợ, của tập thể dùng vào việc riêng!
- Thế không lẽ cái tội này đành bó tay chấm com?
- Luật pháp nhiều khi phải bó tay thật nhưng tòa án dư luận thì rất sáng suốt và công bằng. Dư luận không cần chứng cứ nhưng sẽ "phán" sao người hối lộ phải "vu" cho người đáng kính này mà không phải người đáng kính khác. Thậm chí chả có ai tố nhưng dư luận cũng sẽ xì xào ông này, bà kia hay "ăn" lắm. Thế cũng đủ nhục nhã rồi!
- Bác lại nói sai rồi! - Hai Phiếm cười - Kẻ biết nhục đã không "ăn" và dám "ăn" thì làm gì biết nhục! Vẫn biết người hối lộ dù nhăn nhở cười "đây là quà tình cảm, là lòng thành của gia đình em, cơ quan em" nhưng trong lòng khinh kẻ nhận lắm và kẻ nhận cũng biết là như thế nhưng lòng tham còn lớn hơn lòng tự trọng và danh dự...
- Thế dễ luật hình sự phải xóa tội danh này chắc vì không có tính khả thi?- Nghĩ tôi cáu.
- Xóa là xóa thế nào nhưng chỉ xử tội nhận hối lộ. Còn tội hối lộ thì tùy từng trường hợp mà xem xét, có khi bị dồn đến nước phải hối lộ thì không truy cứu.
- Không có chứng cứ thì sao xử được tội nhận hối lộ?
- Cái việc người hối lộ cần với khả năng giải quyết được cái việc đó của người nhận hối lộ không có liên quan sao? Ngày xưa quan tham bị trị tội và người tiến cử quan tham cũng bị bãi chức nên ít có chuyện chạy chức chăng?- Ừ nhỉ... Bao giờ lại đến ngày xưa...?
Cả Nghĩ