GS.TS Mai Trọng Khoa: Liệu pháp miễn dịch không phải "liều thuốc tiên" chữa ung thư

09-11-2018 08:49 |
google news

SKĐS - Chuyên gia đầu ngành về ung thư cho rằng, chúng ta đánh giá cao việc các nhà khoa học phát hiện ra liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, nhưng đó mới chỉ là bước đầu và cần có nghiên cứu thêm. Liệu pháp miễn dịch không phải "liều thuốc tiên" để có thể chữa khỏi ung thư như nhiều người lầm tưởng. Và thực tế không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp này, đó là chưa kể chi phí của nó rất đắt đỏ, khoảng 60- 120 triệu đồng/liều điều trị.

Kể từ sau thông tin Giải Nobel Y sinh học 2018 được trao cho nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo nhờ phát hiện liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế các protein ngăn cản hệ miễn dịch tiêu diệt khối u ung thư, nhiều người đã "thần thánh" hóa việc chữa ung thư bằng liệu pháp miễn dịch như một "liều thuốc tiên" có thể chữa khỏi ung thư.

Tại các khoa ung bướu, bệnh viện chuyên ngành ung thư, không ít bệnh nhân đã yêu cầu các bác sĩ điều trị cho họ bằng liệu pháp miễn dịch vì nghĩ rằng đây là cách duy nhất có thể giúp họ chữa khỏi ung thư.

Tuy nhiên, GS.TS Mai Trọng Khoa - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, việc điều trị ung bướu vẫn phải dựa theo nguyên tắc: Điều trị phối hợp nhiều phương pháp, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, đích, miễn dịch sinh học.

“Miễn dịch sinh học chỉ là một trọng các phương pháp điều trị bệnh, mang lại hiệu quả cao nếu được chỉ định đúng theo các tiêu chuẩn lựa chọn (phải xét nghiệm sâu ở mức sinh học phân tử như PD-L1, tumor mutant burden TMB)” - GS. Khoa nói.

GS.TS Mai Trọng Khoa.


Theo GS. Khoa, điều trị miễn dịch sinh học hiện nay đa số mới chỉ có thể áp dụng cho bệnh ung thư giai đoạn muộn. Do vậy, điều trị mới chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các tác dụng phụ so với hóa trị. Còn đối với bệnh ung thư tại giai đoạn sớm hơn, vẫn phải sử dụng các phương pháp điều trị cơ bản như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị mới có thể đạt khỏi bệnh lâu dài.

Các nghiên cứu liệu pháp miễn dịch sinh học cho ung thư giai đoạn sớm vẫn đang được tiến hành, hứa hẹn mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân ung thư.

Không phải bệnh ung thư nào cũng có thể điều trị miễn dịch

Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 5/2017, điều trị miễn dịch đã được các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu áp dụng cho bệnh nhân ung thư đầu tiên. Trước đó, tháng 3/2017, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho phép sử dụng phương pháp điều trị miễn dịch cho bệnh Hodgkin.

"Điều trị miễn dịch (miễn dịch trị liệu) có thể được hiểu là một phương pháp sử dụng một trong các thành phần của hệ thống miễn dịch trên bệnh nhân để chống lại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư. Phương pháp này được thực hiện theo hai cách chính: Kích thích hệ thống miễn dịch làm việc “nhiều hơn” và “thông minh hơn” để tấn công lại các tế bào ung thư và bổ sung cho bệnh nhân thành phần trong hệ miễn dịch: như tế bào miễn dịch, kháng thể.

Hệ thống miễn dịch có thể hiểu đơn giản là một bộ máy của cơ thể chúng ta giúp chống lại tác nhân gây bệnh và cả các tế bào ung thư. Các tế bào của hệ miễn dịch bao gồm các tế bào T và tế bào B. Các tế bào B sản xuất kháng thể để trung hòa hoặc tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Các tế bào T có chức năng nhận diện và điều hòa hệ thống miễn dịch thông qua các thụ thể kháng nguyên và cytokine, thông qua đó tiêu diệt vi khuẩn, các tế bào bị nhiễm vi rút hoặc tế bào ung thư"- chuyên gia ung thư cho hay.

Cho đến nay, Trung tâm đã điều trị được 20 ca bệnh, bao gồm 18 ca ung thư phổi không tế bào nhỏ, 1 ca Hogdkin Lymphoma, 1 ca ung thư hắc tố. Kết quả ban đầu cho thấy thuốc có kết quả rất tốt nếu được lựa chọn, chỉ định đúng (PD-L1 ( ) >50%, bước 1). Thuốc cũng tương đối an toàn, dễ dung nạp (trong 20 trường hợp điều trị, có 1 trường hợp viêm gan, 1 trường hợp viêm màng bồ đào).

Các chuyên gia tại đây cũng đã thực hiện phối hợp nhiều thử nghiệm lâm sàng quốc tế đa trung tâm về điều trị miễn dịch sinh học mang lại kết quả rất khả quan. Đối với ung thư phổi, có nghiên cứu PEARL về điều trị bước 1 sử dụng Durvalumab, nghiên cứu AZ Pacific về điều trị ung thư phổi với MEDI4736, nghiên cứu Mystic phối hợp Durvalumab và Tremelimumab. Đối với ung thư đầu cổ, có nghiên cứu KESTREL về sử dụng miễn dịch sinh học MEDI4736 với Tremelimumab cho bệnh nhân ung thư đầu cổ tế bào vẩy tái phát.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai.


Ngoài ra, các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã phối hợp với Trung tâm Giải phẫu bệnh của Bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm các marker liên quan đến liệu pháp miễn dịch giúp lựa chọn bệnh nhân, nâng cao hiệu quả điều trị vì hiện tại giá thành của các thuốc là rất cao so với thu nhập của đa số nhân dân.

"Kết quả thử nghiệm lâm sàng quốc tế đa trung tâm cho thấy hiện tại, liệu pháp này chỉ có hiệu quả trên một số bệnh ung thư nhất định như: Ung thư da và ung thư phổi. Các loại ung thư khác vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời về kết quả cuối cùng" GS. Khoa cho hay.

Cũng theo GS. Khoa, định hướng nghiên cứu khoa học về điều trị miễn dịch cũng các nhà khoa học ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu quan tâm từ rất sớm, xuất bản thành sách chuyên khảo “Kháng thể đơn dòng và phân tử nhỏ”. Cuốn sách đề cập rất chi tiết về liệu pháp miễn dịch trị liệu này.

 

GS.TS Mai Trọng Khoa cho rằng, hai nhà khoa học nói trên được nhận giải Nobel vì họ đã giúp chúng ta trả lời được câu hỏi: Tại sao các tế bào T không phản ứng chống lại tế bào ung thư? Câu trả lời là trên bề mặt của các tế bào T có 2 protein ngăn chặn sự kích hoạt của tế bào T.

Vào những năm 1990, nhóm nghiên cứu của Allison phát hiện một protein có tên là CTLA-4, có vai trò như một cái phanh không cho tế bào T tấn công các tế bào ung thư. Allison đưa ra một thuật ngữ mới là "checkpoint inhibitor" hay "điểm ức chế" để mô tả hiện tượng này. Năm 1992, nhóm của Hanjo phát hiện một protein khác cũng có chức năng như CTLA-4 và đặt tên cho nó là PD-1 (viết tắt từ chữ programmed cell death).

Hình minh họa về chức năng của CTLA- 4 và PD-1 và ứng dụng trong miễn dịch trị liệu.


Trong cơ thể bình thường thì CTLA-4 và PD-1 sẽ gắn với các protein trên tế bào trình diện kháng nguyên (Antigen presenting cell -APC), giúp tế bào T không tấn công các tế bào bình thường, tránh gây ra bệnh tự miễn. Ngoài ra, trên bề mặt tế bào ung thư có PD-L1 có khả năng gắn với PD-1 trên tế bào T, làm cho tế bào T bị ức chế nhiều hơn, giúp tế bào ung thư trốn thoát hệ thống miễn dịch.

Kết quả nghiên cứu đã mở ra một hướng mới trong điều trị ung thư là sử dụng kháng thể đơn dòng giúp giải phóng các “điểm ức chế” CTLA-4 và PD-1, cũng như giải phóng sự kết hợp giữa PD-1 và PD-L1, từ đó tế bào T tăng khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Như vậy, phương pháp miễn dịch trị liệu tác động gián tiếp, tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, giúp tiêu diệt khối u.

Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn