GS. Ngô Bảo Châu và “trống đồng” trong toán học

23-08-2010 16:54 | Thời sự
google news

Ngô Bảo Châu không phải là con người xa lạ. Mấy năm qua, báo chí đã viết nhiều về anh. Tuy nhiên, trước tin mừng vang dội về việc anh vừa được tặng Huy chương Fields, "Giải thưởng Nobel trong toán học" tại Đại hội Quốc tế các nhà toán học ở Hyderabad (Ấn Độ),

Ngô Bảo Châu không phải là con người xa lạ. Mấy năm qua, báo chí đã viết nhiều về anh. Tuy nhiên, trước tin mừng vang dội về việc anh vừa được tặng Huy chương Fields, "Giải thưởng Nobel trong toán học" tại Đại hội Quốc tế các nhà toán học ở Hyderabad (Ấn Độ), có lẽ cũng nên phác họa lại đôi điều về tiểu sử con người đã mang vinh quang chói lọi về cho Tổ quốc ta trong những ngày Tháng Tám.

Học chuyên toán từ bậc trung học cơ sở                 

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, năm Nixon ném bom trải thảm Hà Nội. Cha anh tòng quân, chuẩn bị lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị. Anh lớn lên trong gia đình trí thức: cha là giáo sư, tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền. 

 GS. Ngô Bảo Châu.
"Hữu thư chân phú quý" (có sách mới thật là giàu sang), của cải dồi dào trong gia đình anh không phải là "tờ xanh, cây vàng", mà là sách vở, là lòng khát khao hiểu biết.        

Ngay từ những năm THCS, Châu đã được học tại các lớp chuyên toán  Trường Trưng Vương. Thầy Tôn Thân dạy toán cho Châu là giáo viên giỏi nổi tiếng, cháu ngoại nhà học giả Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong hồi đầu thế kỷ 20. Cô Trịnh Bích Ba dạy văn là con gái yêu của nhà học giả Trịnh Đình Rư, cử nhân Nho học.

Lên bậc THPT, Châu thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Suốt mấy thập niên, Đơn vị Anh hùng Lao động này đã hội tụ được nhiều nhà giáo dạy toán nổi tiếng như Phan Đức Chính, Nguyễn Văn Mậu, Lê Đình Thịnh, Nguyễn Vũ Lương... Lão Tử, nhà tư tưởng lỗi lạc của phương Đông cổ đại, đã viết: "Thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ" (Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên). Ngô Bảo Châu đặt những bước chân đầu tiên vững chắc, đúng hướng.

Mùa hè 1988, đang học lớp 11, dự Olympic Toán quốc tế tại Canberra (Australia), Châu giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Mùa hè năm sau, thi tại Braunschweig (CHLB Đức), một lần nữa, Châu lại giành huy chương vàng.

Trở về Hà Nội, Châu vinh dự được bác Đỗ Mười, lúc đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ  trưởng, mời lên Phủ Chủ tịch hỏi chuyện.

Vươn tới đỉnh cao giữa Paris hoa lệ

Học xong trung học, Châu theo một lớp tiếng Hungary, sửa soạn sang Budapest học lên đại học. Nào ngờ bên Đông Âu xảy ra "cách mạng nhung"! Chính quyền mới không cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam nữa!...

Được GS. Nguyễn Văn Đạo giới thiệu, GS. Paul Germain, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Pháp liền đề nghị chính phủ nước này đặc cách cấp học bổng cho Châu vào Đại học Paris 6.

Đối với một sinh viên Pháp hay Việt Nam được vào Đại học Paris 6 là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng Châu thì không! Anh luôn vươn tới đỉnh cao. Hai năm sau, anh thi vào hệ sau đại học của École Normale Supérieure, đại học danh tiếng nhất nước Pháp, nơi từng đào tạo nhiều nhà bác học Pháp lừng danh, và cũng là nơi mà một số người Việt Nam ưu tú thế hệ trước như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân... đã từng theo học. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, rồi luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi.

Đầu năm 2004, khi chưa đầy 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở Paris (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư.

Công trình toán học gây tiếng vang lớn

Tháng 4/2004, Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon công bố dưới dạng tiền ấn phẩm và đưa lên mạng Internet công trình toán học dày 100 trang viết bằng tiếng Pháp nhan đề: Le lemme fondamental pour les groupes unitaires (Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita). Công trình lập tức gây tiếng vang rộng khắp.

Những kết quả nghiên cứu của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon có liên quan như thế nào đến Chương trình Langlands? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy quay về với quá trình chứng minh Định lý lớn Fermat. Định lý này được Pierre de Fermat, nhà toán học Pháp kiệt xuất, nêu lên vào thế kỷ 17, nhưng... không để lại chứng minh! Và, vì thế, nó đã trở thành một thách đố làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại trong hơn ba thế kỷ!

Giữa thế kỷ 20, hai nhà toán học Nhật Bản Yukata Taniyama và Goro Shimura đưa ra phỏng đoán thiên tài rằng mỗi phương trình eliptic đều có liên hệ với một dạng modular. Và, như vậy, hai thế giới eliptic và modular vốn tách biệt nhau, sẽ có thể thống nhất.

Trong những năm 1960, R. Langlands và những người cộng tác tại Đại học Princeton (Mỹ) đưa ra một loạt giả thuyết về những mối liên hệ giữa nhiều ngành toán học vốn rất khác nhau, và kêu gọi giới toán học quốc tế hợp tác chứng minh những giả thuyết cấu thành Chương trình Langlands. Nếu những giả thuyết mang màu sắc tư biện ấy, vào một ngày đẹp trời nào đó, được chứng minh, thì sẽ mang lại những kết quả vô cùng to lớn. Khi ấy, bất cứ một bài toán chưa giải được trong một lĩnh vực nào đều có thể biến đổi thành một bài toán tương tự trong một lĩnh vực khác, và các nhà toán học có thể huy động cả một kho to lớn những kỹ thuật mới để giải.

Mùa thu năm 1984, Gerhard Frey đi tới một kết luận đầy kịch tính, rằng nếu chứng minh được Giả thuyết Taniyama - Shimura, thì cũng có nghĩa là chứng minh được Định lý lớn Fermat, bởi vì định lý này chỉ là một hệ quả của giả thuyết trên.

Andrew Wiles, một nhà toán học người Anh làm việc tại Mỹ, đã lặng lẽ tự giam mình bảy năm liền trên một gian gác xép, cam lòng chịu cảnh "lưu đày cô đơn" để bí mật tìm kiếm lời giải cho bài toán "xuyên thế kỷ"!  Và ông đã thành công vang dội khi chứng minh được Định lý cuối cùng của Fermat, chấm dứt 358 năm căng thẳng trong giới toán học quốc tế.

 GS. Ngô Bảo Châu (thứ 2, từ trái) với các bạn đồng nghiệp quốc tế.
Tuy nhiên, một kết quả mà những người "ngoại đạo" ít chú ý tới, nhưng lại có ý nghĩa to lớn hơn nhiều, đó là chứng minh Giả thuyết Taniyama - Shimura.  Giả thuyết Taniyama - Shimura được chứng minh có nghĩa hòn đá tảng của Chương trình Langlands quả thật là vững chắc. Chương trình này mặc nhiên trở thành bản thiết kế cho tương lai của toán học. Một loạt giả thuyết toán học của Chương trình này liên kết nhiều đối tượng có vẻ rất khác nhau trong các lĩnh vực toán học như lý thuyết số, hình học đại số, lý thuyết các dạng tự đẳng cấu... ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà toán học hàng đầu, và dần dần trở thành dòng chủ lưu của toán học đương đại.

Năm 1987, Langlands và cộng sự phỏng đoán về một tương tự tương ứng cho trường hàm trên trường phức, về sau, được gọi là tương ứng Langlands hình học. Để chứng minh được sự tồn tại của tương ứng đó, phải giải quyết một bài toán lớn mà lúc đầu Langlands chưa thấy hết mức độ phức tạp của nó, nên mới gọi là Bổ đề cơ bản, một "bổ đề" khó chứng minh đến mức mà hơn 20 năm qua nhiều nhà toán học hàng đầu - kể cả cá nhân Langlands - đã ra sức lao vào giải quyết nhưng đều... thất bại!

Gạt bỏ vật cản trên dòng chảy toán học thế giới

Do đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thành công Bổ đề cơ bản của Jacquet, Ngô Bảo Châu mạnh dạn bắt tay nghiên cứu Bổ đề cơ bản của Langlands. Sau hai năm, anh thực hiện được một bước đột phá vào mùa hè 2003, khi trở về Hà Nội thăm cha mẹ. Những tháng tiếp theo, kết hợp với một số kết quả mà G. Laumon đã đạt được trước đó, hai tác giả hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita (the fundamental lemma for unitarian groups).

 Công trình của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon gạt bỏ một vật chướng ngại lì lợm trên dòng chủ lưu của toán học đương đại, lập tức gây được sự chú ý của giới toán học quốc tế.  Chính A. Wiles, "nhà toán học lừng danh nhất thế kỷ 20", tự mình đứng ra tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận Giải thưởng Nghiên cứu của Viện Toán học Clay dành cho công trình toán học xuất sắc nhất thế giới năm 2004. Cũng không phải dễ dàng khi người Mỹ mời anh sang Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton làm việc với mức lương 200.000USD/năm.

Những vinh quang quốc tế sáng chói

Những ngày giữa tháng 10/2004, Ngô Bảo Châu dự Hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Cùng với nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, GS. Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS. Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet. Đó là công trình 100 trang về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện Chương trình Langlands.       

 Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu Clay năm 2004 diễn ra giản dị mà trọng thể trong phiên họp hằng năm của Viện Toán học Clay, tại giảng đường Đại học Harvard (Mỹ) ngày 5/11/2004. Cho tới hôm ấy, chỉ mới có 12 nhà toán học trên thế giới được tặng giải thưởng này.

Là một người "hiến thân" cho toán học, nhưng Ngô Bảo Châu không phải là một cỗ rô-bốt chỉ biết tính toán suốt ngày đêm. Anh yêu những vũ khúc polonaise, mazurka mang âm hưởng đồng quê êm dịu của Chopin hay những khúc rhapsony (cuồng tưởng) đầy bão dông sấm sét của Liszt; biết say thơ Hàn Mặc Tử siêu thoát hay thơ Quang Dũng hào hoa; mải mê đọc ngấu nghiến mấy cuốn tiểu thuyết mới in như Phế đô, Quỷ thành của nhà văn Trung Quốc đương đại Giả Bình Ao.

Năm 2005, Nhà nước ta đã đặc cách công nhận chức danh Giáo sư kiêm chức cho Tiến sĩ khoa học Ngô Bảo Châu. Anh trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam, 33 tuổi.

Sau đó, Ngô Bảo Châu còn được tặng Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) ở CHLB Đức. Đây là giải thưởng toán học ba năm mới tặng một lần cho một hoặc hai nhà toán học dưới 36 tuổi có công trình đặc biệt xuất sắc ở châu Âu. Giải thưởng Oberwolfach năm 2007 dành cho một mình Ngô Bảo Châu, do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số (algebra and number theory). Công trình mới của nhà toán học mang quốc tịch Việt Nam làm việc tại Pháp nhằm giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản theo phỏng đoán của Langlands và Shelstad (the conjecture of Langlands and Shelstad). Với những chứng minh xác đáng, Ngô Bảo Châu được thừa nhận là chuyên gia dẫn đầu ở nơi gặp gỡ giữa hình học đại số và lý thuyết các dạng tự đẳng cấu. Nếu năm 2004, cùng G. Laumon, Ngô Bảo Châu mới giải quyết Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita; giờ đây, anh đưa ra lời giải cho các trường hợp khái quát hơn. Đọc diễn văn ca ngợi (laudatory speech) tại buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức vào đầu năm 2008, GS. Rapoport coi công trình mới của Ngô Bảo Châu  là "một thành tựu sáng chói" (a brilliant achievement). Sau đó, GS. Ngô Bảo Châu còn nhận được Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

 Viện Nghiên cứu  cấp cao Princeton mời anh sang Mỹ làm việc và rồi, từ đầu tháng 9/2010, anh chuyển đến giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Chicago với mức lương 300.000USD/năm...

Được các đồng nghiệp "khó tính" cảm phục

Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: "Đầu năm 2004, Ngô Bảo Châu và GS. G. Laumon đã làm nên "một quả bom tấn" khi công bố kết quả đột phá về Bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn Bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn." 

Còn GS. Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse (Université de Toulouse), Pháp, thì nhận xét: "Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Nam đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS. Ngô Bảo Châu". 

Hàm Châu


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn