Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng: Liều "vaccine" tiếp sức doanh nghiệp trong bối cảnh mới

31-10-2021 21:39 | Doanh nghiệp

SKĐS - Gói hỗ trợ lần này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm "liều thuốc giảm đau", liều "vaccine" để tiếp sức trong bối cảnh mới.

Đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bộ đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ một số gói về kích thích kinh tế, hỗ trợ lãi suất với khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Trên cương vị là "tư lệnh" ngành Tài chính, nắm giữ "tay hòm chìa khóa" trong thời điểm hết sức khó khăn khi "cửa chi" ngân sách ngày càng phình đại, còn "cửa thu" hẹp dần, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ cuối tháng 4 đến tháng 10/2021, giữa bối cảnh dịch bệnh nhưng trong điều hành, Bộ Tài chính luôn đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng: Liều "vaccine" tiếp sức doanh nghiệp trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Gói 20 nghìn tỷ đồng là động thái cần thiết trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cần thêm những trợ lực để phục hồi sản xuất.

Theo đó, để tiếp tục có những trợ lực cần thiết cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sản xuất, Bộ đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.

Thông tin cụ thể về một số gói hỗ trợ đang được thảo luận, thiết kế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách tài khoá, gói kích cầu như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, xem xét gói từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định, một số công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, có thể phát hành công trái, trái phiếu.

Ngoài những giải pháp nêu trên, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng thu trên nền tảng số; chống chuyển giá, trốn thuế. Ngoài ra, thắt chặt chi tiêu cũng là giải pháp quan trọng thời gian tới, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị...

Về quy mô của các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết chưa có con số cụ thể vì đang tham mưu, đưa ra nhiều phương án để cấp có thẩm quyền xem xét.

Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng: Liều "vaccine" tiếp sức doanh nghiệp trong bối cảnh mới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi bên hành lang Quốc hội



Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội.

Theo ông Cường, các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay và điều kiện thực hiện phải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng.

Gói hỗ trợ cần hợp lý, sát thực tế

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, ngày  27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92 hướng dẫn chi tiết việc miễn, giảm thuế cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 406 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị định số 92 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III, quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Bộ Tài chính cho biết, các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2021 khoảng gần 20 ngàn tỉ đồng. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, địa phương thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN, triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10 cho thấy, trong 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường...

Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, gói hỗ trợ lần này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm "liều thuốc giảm đau", liều "vaccine" để tiếp sức trong bối cảnh mới.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.



Tuấn Nguyễn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn