Gốc rễ, ngọn ngành của ngộ độc tập thể

20-08-2012 07:27 | Tin nóng y tế
google news

Qua khảo sát bữa ăn của công nhân (CN) tại một số khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cho thấy khẩu phần ăn của CN chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng đối với lao động nam (chỉ khoảng 90%).

(SKDS) - Qua khảo sát bữa ăn của công nhân (CN) tại một số khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cho thấy khẩu phần ăn của CN chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng đối với lao động nam (chỉ khoảng 90%). Trong khi đó, lao động nữ (ở các ngành nghề lao động nhẹ) chỉ mới đáp ứng được 77%. Thông tin trên được PGS.TS. Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra tại Hội thảo “Ngộ độc bếp ăn tập thể KCN - Thực trạng và giải pháp” do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Bình Dương tổ chức tại địa phương.

Nguy cơ ảnh hưởng giống nòi vì vẫn còn bữa cơm giá 7.000đ

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương cho biết, trong hai năm 2010 - 2011, cơ quan này khảo sát 50 doanh nghiệp và phát hiện có nơi suất ăn công nhân chỉ trị giá 7.000đ. Ông Đạt đánh giá, trong 7.000đ đó 30% dùng để chi phí cho nhân công nấu nướng, nhiên liệu, vận chuyển... Phần còn lại trong bữa ăn của công nhân chủ yếu là...cơm trắng.

 TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATVSTP phát biểu tại hội thảo.

Dựa trên kết quả khảo sát mới đây về chất lượng suất ăn của CN tại các KCN, KCX của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, PGS.TS. Lê Bạch Mai cho rằng, không chỉ thiếu năng lượng, khẩu phần ăn của CN còn rất mất cân đối, thiếu chất cho sự phát triển cơ bắp. Cụ thể, năng lượng sản sinh từ protein chỉ có 12%, 16% năng lượng từ lipit, còn lại 72% năng lượng là từ các chất bột đường. Năng lượng từ khẩu phần ăn không đủ nên CN phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể. Người CN sẽ gầy đi, các lớp cơ của họ sẽ bị bào mỏng từng ngày. Bà Mai cũng bày tỏ lo lắng về con cái của hàng triệu CN. Bà cho biết người mẹ thiếu dinh dưỡng rất dễ sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng, cân nặng khi mới sinh dưới 2,5 kg và dễ mắc các chứng như thiếu máu và nhiều hệ lụy khác...

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, giá của suất ăn cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng. Trong năm vừa rồi Cục đã kết hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành nghiên cứu các nhóm CN làm việc ở cấp độ vừa và cấp độ nhẹ để tìm khẩu phần ăn phù hợp. Kết quả cho thấy, dinh dưỡng ở các bếp ăn tập thể hiện nay dành cho CN là thiếu. Ở Bình Dương cũng tiến hành nghiên cứu trong hai năm gần đây, suất ăn ở nhiều cơ sở chưa đảm bảo. Giá thành của suất ăn thấp, chắc chắn nguyên liệu không đảm bảo vì người ta buộc phải mua các nguyên liệu rẻ và rất rẻ.

 7.000đ/suất ăn công nhân, làm sao đủ dinh dưỡng và an toàn? (ảnh minh họa)

Ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều

ở cơ sở cung cấp suất ăn sẵn

Thông tin tại hội thảo, TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, trong 5 năm gần đây, toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó có 229 người tử vong. Tính trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người mắc và 46 người chết/năm. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm từ 12% - 20,6% trên tổng số vụ. Ngộ độc tập thể trong các KCN, KCX xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ, chiếm tỷ lệ 66,7% tổng số vụ xảy ra trong cả nước. Cục ATVSTP cũng nhận định trong các vụ ngộ độc có tới 7/13 vụ (tỷ lệ 53,8%) do sử dụng thực phẩm thủy sản (chủ yếu là cá ngừ có chứa histamine). Trong 72 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các KCN, KCX, nguyên nhân do độc tố chiếm 19,4%, vi sinh vật chiếm 33,3%, hoá chất chiếm 11,1%, còn 36,1% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Theo TS. Nguyễn Hùng Long, các vụ ngộ độc xảy ra nhiều hơn ở các cơ sở sử dụng thực phẩm của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Các cơ sở chế biến suất ăn sẵn thường phải vận chuyển thức ăn trên một quãng đường dài, thời gian để thực phẩm từ khi chế biến đến khi ăn lâu; số lượng phục vụ vượt quá công suất cho phép (gấp 2 - 5 lần). Người chế biến, phục vụ suất ăn không có kiến thức về việc chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm an toàn.

Tại hội thảo, vấn đề khó khăn trong quản lý cũng được trao đổi nhiều. Đó là việc các cơ sở chỉ thuê địa điểm lúc ban đầu để có được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; sau khi có xong các giấy tờ thì cơ sở đó di dời tới nơi khác (địa điểm và cơ sở tạm bợ để nấu) do đó không đảm bảo. Trong khi đó số lượng các cơ sở quá nhiều, cơ quan quản lý không thể nắm bắt hết được những sự thay đổi đó.  

Trước những thực trạng đáng báo động của tình trạng thiếu chất dinh dưỡng trong bữa ăn của CN tại các KCN, ông Nguyễn Văn Đạt Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương kiến nghị, cơ quan chức năng cần ban hành quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu. Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Quang Trung cho rằng tới đây sẽ kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định suất ăn tối thiểu cho công nhân.

 

  Phạm Thu - Nguyễn Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn