Góc khuất của những tiếng cười

17-09-2013 13:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người trong cuộc cho rằng đó là một cuộc dạo chơi, người thưởng ngoạn coi như một hình thức giải trí, thế nên tranh biếm họa chưa bao giờ bước ra "khuôn khổ" đó, ngay cả việc được gọi là một môn nghệ thuật hay một hình thức hội họa cũng gây ra những tranh cãi nho nhỏ.

Người trong cuộc cho rằng đó là một cuộc dạo chơi, người thưởng ngoạn coi như một hình thức giải trí, thế nên tranh biếm họa chưa bao giờ bước ra "khuôn khổ" đó, ngay cả việc được gọi là một môn nghệ thuật hay một hình thức hội họa cũng gây ra những tranh cãi nho nhỏ.

Ít có dịp triển lãm bởi lâu nay biếm họa không "nặng" về yếu tố nghệ thuật, cũng không gò ép vào bất cứ quy chuẩn nào, thậm chí người vẽ biếm họa cũng không được gọi là họa sĩ chính thống. Nếu như những dòng tranh được gọi là đẳng cấp như sơn mài, sơn dầu... có thể "nói" được nhiều ngôn ngữ, tùy thuộc vào độ cảm của người thưởng ngoạn thì tranh biếm họa lại là hình thức "đi thẳng vào vấn đề", thường là cười nhạo, đả kích hay lên án một đối tượng, sự việc nào đó trong xã hội dưới góc nhìn hóm hỉnh.

Vẽ tranh biếm họa nhanh hơn những hình thức hội họa khác nên việc người ta xem nhẹ nó cũng đúng. Nhìn bề ngoài thì có thể thấy cả tác giả và tác phẩm lúc nào cũng "vui vẻ" nhưng thực tế, sau tiếng cười mỉa mai lại là những góc khuất khó diễn tả. Ngay cả người làm nghề cũng phải cười chua chát với con đường họ theo đuổi. Trong giới vẽ tranh biếm họa, cái tên không thể không nhắc tới chính là Nguyễn Hải Chí, thường được gọi là họa sĩ Chóe. Nhiều năm vẽ biếm họa nhưng khi nói về công việc của mình, anh lại tỏ ra "lãng đãng": "Tôi vẫn xem công việc hàng ngày của tôi là bọt biển. Nhưng chính bọt biển lại cho tôi biết được thủy triều, sức gió, sức bão và độ mặn của biển sâu".

Góc khuất của những tiếng cười 1
 Tác phẩm biếm họa của họa sĩ trẻ Thành Phong được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Cũng vì bị xem nhẹ nên tranh biếm họa không có nhiều cơ hội được giới chuyên môn thẩm định, sợ rằng những đứa con tinh thần của mình bị lãng quên nên một số họa sĩ đã tự tìm đến công chúng bằng cách tung "sản phẩm" lên mạng. Nỗ lực của họ ngay lập tức được đáp đền xứng đáng, đó là sự hưởng ứng của đông đảo cư dân mạng, trong đó phải kể đến tranh biếm họa của họa sĩ Thành Phong. Trong thời gian ngắn được chia sẻ trên các mạng xã hội cũng như các website, những bức tranh biếm họa của anh đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Cũng vì hâm mộ tranh của anh nên sau đó, nhóm tình nguyện viên 350 thuộc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng đã thực hiện buổi triển lãm tranh biếm họa về văn hóa giao thông được vẽ bởi họa sĩ trẻ Thành Phong tại các ngã tư lớn của Thủ đô Hà Nội. Sự kiện này tuy không hút giới truyền thông nhưng lại tác động sâu sắc đến những người trẻ.

Cũng nhờ đó mà tranh biếm họa có chút tiếng nói hơn, về sau này, người trong giới đã nghĩ tới việc "mời" tranh biếm họa vào triển lãm. Năm 2013, cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực Hà Nội bỗng nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi những đề tài thời sự như tham nhũng, hối lộ, tranh chấp lợi ích nhóm, ô nhiễm môi trường. Phần lớn những bức tranh này được sáng tác theo phong cách biếm họa. Ở đó, người xem được gặp lại những ngòi bút quen thuộc trong lĩnh vực này như Lý Trực Dũng, Đặng Nhân, Văn Quỳnh, Trần Quyết Thắng, Chu Đức Tiến, Trịnh Lập...

Họa sĩ Lý Trực Dũng cho biết, sau nhiều năm gián đoạn, từ năm 2011, Hội Mỹ thuật VN đã chú ý hơn tới thể loại tranh biếm họa và tổ chức triển lãm thường niên 2 năm/lần.

Dẫu sao, nhắc đến tranh biếm họa, người trong cuộc vẫn cảm nhận rất rõ góc khuất của chính mình. Đôi khi người thưởng ngoạn "đánh đồng" tranh biếm họa với tranh cổ động. Nhiều ý kiến còn cho rằng, tranh biếm họa làm sao sánh với hội họa hàn lâm - một thế giới nghệ thuật trừu tượng, đa ngôn ngữ chứ. Xem ra, nỗ lực đưa tranh biếm họa vào triển lãm để nhấn mạnh giá trị nghệ thuật cũng như tầm quan trọng của dòng tranh này chưa thực sự hiệu quả vì chưa thay đổi được định kiến của số đông người thưởng ngoạn.

Nhật Mai


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn