Ngay ở nhà, trẻ cũng có thể bị "lạc" nếu cha mẹ không dõi theo kỹ lưỡng, nhất là trong những ngôi nhà ẩn chứa nhiều nguy cơ: cửa, cửa sổ, cầu thang không có song sắt; nhà không rào chắn, trẻ thoải mái chạy ra đường; bếp không được cách ly; ổ điện dưới thấp; gạch trơn trợt; nhà tắm luôn trữ nước trong xô, lu khiến trẻ có thể chết ngạt... Đến nhà người khác chơi, đi đám tiệc, cha mẹ cũng dễ "đánh rơi" trẻ vì mải trò chuyện, chủ quan, lơ là việc trông giữ.
Phòng tránh trẻ lạc là một trong những bài học kỹ năng khởi đầu, nên được phụ huynh sớm lưu tâm. Từ độ tuổi mầm non, trẻ đã hiếu động, thích chạy nhảy, thích khám phá thế giới xung quanh, thoáng cái đã lẩn mất. Cha mẹ đừng quên cách phòng ngừa thụ động: dán thông tin của cha mẹ (số điện thoại, địa chỉ...) lên áo của trẻ mỗi khi ra ngoài. Trẻ từ bốn-năm tuổi, cha mẹ bắt đầu cho học số điện thoại. Ở nhiều nước phát triển, trẻ được đeo vòng tay định vị khi ra ngoài để có thêm một mối dây liên kết với cha mẹ.
"Ôn bài định kỳ": Khi dạy con nhớ số điện thoại, địa chỉ và cách thức phòng tránh đi lạc, cha mẹ nên thường xuyên "khảo bài" để kiểm tra trí nhớ của con, đồng thời tạo cho con ý thức thường trực và hình thành phản xạ tự nhiên từ những điều được học. Đặt tình huống giả, khi con mê chơi, mất hút, cha mẹ nấp vào góc khuất để quan sát cách con giải quyết, xem trẻ có lúng túng, sợ hãi không, có nhờ trợ giúp không... từ đó trao đổi, trang bị thêm cho con. Hay, đặt ra những thử thách vừa tầm với độ khôn lớn, kiến thức, kỹ năng và sự tự tin ở trẻ.
Có thể cho con tự chơi, đặt thời gian cụ thể để các thành viên cùng tập trung tại một địa điểm. Với trẻ cấp I-II, nên tập sử dụng bản đồ, la bàn, vẽ và đọc sơ đồ. Cha mẹ cùng con thử chủ động... đi lạc để dạy con những chiêu thức định vị, nhớ đường, đặt dấu hiệu để nhận biết những con đường mình mới qua. Đừng vì sợ bị lạc mà nhốt trẻ, khiến trẻ bị thui chột kỹ năng sống, "lợi bất cập hại".
Dạy trẻ đừng cố kiếm tìm khi bị lạc: Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức, cha mẹ nên dạy trẻ hễ không thấy cha mẹ thì phải đứng tại chỗ, tuyệt đối không nên đi loanh quanh hay cố chạy tìm, nhất là khi du lịch ở rừng hay những nơi hoang dã. Khuyến khích trong hành trang của trẻ luôn có bao ni lông/áo mưa để cách nhiệt, tránh trẻ bị chết rét, có chai nước uống, còi báo động...
Kỹ năng kết nối: Khi phát hiện lạc nhau, việc đầu tiên cha mẹ/trẻ phải làm là gọi tên thật to. Nhiều cha mẹ ngại gọi to, cứ âm thầm dáo dác tìm sẽ mất thời gian vàng khi mình và con vẫn chưa cách quá xa. Âm thanh có tốc độ lan nhanh, tỏa rộng nên rất có ưu thế cho việc kết nối. Gọi lớn còn tạo sự chú ý cho người khác để họ tìm giúp. Lẽ khác, lỡ con đã nằm trong tầm ngắm của những kẻ "đục nước béo cò" thì chúng cũng không dám động thủ khi biết cha mẹ trẻ đang ở quanh đây. Nhanh chóng tìm sự hỗ trợ của người khác, nhất là của ban quản lý công viên, khu du lịch, siêu thị... nơi đến.
Hãy dạy con liên hệ những người mặc đồng phục để có độ tin cậy cao hơn và có phương tiện, cách thức hỗ trợ hữu hiệu (đơn giản nhất là gọi nhờ điện thoại). Cha mẹ cũng có thể miêu tả, cung cấp thông tin của con mình cho bảo vệ, nhờ họ phóng loa hoặc phối hợp, canh chặn các cửa để khu biệt không gian, dễ tìm được trẻ hơn.
Hỗ trợ tinh thần, mau chóng lấy lại thăng bằng: Trẻ bị thất lạc, dù may mắn tìm lại được và không gặp hiểm nguy nào thì ít nhiều cũng sang chấn tâm lý: stress, lo âu, khủng hoảng, ám ảnh. Cha mẹ suýt để lạc con cũng hoảng hốt, hoang mang cần có người bên cạnh trấn an, hỗ trợ phương án tìm kiếm.
Vì cũng bị sang chấn tâm lý, nên khi tìm gặp lại trẻ, cha mẹ dễ chuyển nỗi âu lo, sợ hãi, bức bối thành cơn giận dữ, sẵn sàng trút lên con những lời mắng, những cái tát ngay khi con cần được nâng đỡ tinh thần nhất. Hãy ôm lấy con, thể hiện nỗi mừng vui, hạnh phúc, khen con với những xử trí khôn khéo trong nỗ lực tìm gặp cha mẹ và cùng rút kinh nghiệm, dặn dò nhau những điều còn thiếu sót.
Thạc sĩ TRẦN TUẤN HUY
(Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống - kỹ năng sống YMCA)