Giếng nước - nhà tắm - nhà vệ sinh là bộ ba trong tiêu chuẩn vệ sinh gia đình không chỉ được ngành y tế quan tâm mà còn có cả Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân coi là nhiệm vụ vận động, đôn đốc hội viên thực hiện. Nếu ngày trước có nhiều vùng quê dùng nước ao tắm giặt, rửa thực phẩm… thì ngày nay ở những vùng ấy hầu như nhà nào cũng dùng nước giếng. Tuy nhiên, quanh cái giếng cũng có nhiều điều còn đáng nói...
Nước giếng vẫn là phù hợp nhất với nông thôn?
Nước sạch có các tiêu chuẩn về hóa học như tỷ lệ chất hữu cơ toàn phần, nitrít (NO2) nitrát (NO3), kim loại nặng toàn phần, sắt, arsenic; về tiêu chuẩn vi sinh như chỉ số E.Coli. Nước máy bắt buộc phải đạt các tiêu chuẩn này nhưng không phải lúc nào cũng đạt do: nước đầu nguồn có lúc không tốt (lấy nước sông lúc bão lụt) hay do nước đi qua đường ống không chuẩn, không sạch. Nước giếng tuy sạch hơn nước ao hồ sông suối nhiều lần nhưng không hẳn đã đạt được, nếu giếng đảm bảo kỹ thuật thì mới gần đạt hoặc khi đạt được tiêu chuẩn nước sạch và phù hợp cho đại bộ phận nông thôn vẫn là nước giếng.
Giếng cần làm như thế nào để có nước tốt?
Chọn lựa loại giếng đào hay giếng khoan?
Làm giếng khoan không tốn kém hơn giếng đào, ít tốn diện tích, có thể đưa trực tiếp nước lên cao rồi xả xuống như nước máy, nên nơi làm dịch vụ cũng muốn phát và người tiêu dùng cũng thích? Tuy nhiên, không phải nước mạch ngầm ở giếng khoan sâu (30 - 150 - 200m) thì tốt hơn ở nước đào nông hơn (4 - 5m). Năm 2000 - 2003, nước ta đã kiểm tra 1 triệu giếng khoan, có nhiều giếng (tỷ lệ lên 26% - 46% tuỳ vùng) có nồng độ arsenic cao gấp 20 - 50 lần tiêu chuẩn của WHO, bao gồm không chỉ ở vùng trung du (khoan sâu) mà cả ở vùng thành phố, đồng bằng. Nếu vùng cư dân sống tập trung như ngoại thành, việc khoan giếng với mật độ dày đặc sẽ làm cho nền đất bị biến đổi, dễ gây lún, sập, nứt. Cho nên chỉ nên làm giếng khoan ở những vùng thật sự cần thiết (khi không thể có nguồn nước từ khe suối dẫn về để xử lý, khi không thể đào giếng để lấy nước mạch).Theo các tài liệu ở nước ta, khoan ở độ sâu 50 - 100m (đã có nước, đỡ tốn tiền) nhưng nước chứa nhiều arsenic; khoan ở độ sâu 30 - 150m hàm lượng asenic rất cao (3,2mg/lít), khoan ở độ sâu từ 150 - 200m thì hàm lượng arsenic thấp (0,005mg/lít). Độ sâu an toàn này có thể thay đổi theo vùng và trước khi làm giếng khoan cho vùng nào cần khảo sát kỹ. Những nơi nào có điều kiện thuận lợi làm giếng đào (như vùng đồng bằng) thì nên đào giếng, vì kinh phí đào giếng không cao quá so với một giếng khoan đủ tiêu chuẩn độ sâu, cũng có thể bơm nước giếng lên cao bằng một bơm riêng nếu muốn.
Giếng nước cần xây đảm bảo vệ sinh. |
Chọn nơi xây dựng:
Vị trí giếng phải ở xa nơi nhiễm bẩn (hố xí, chuồng trại chăn nuôi, ao chuôm) tốt nhất là ở góc sân. Ở nông thôn, thường đào ao nhỏ cạnh giếng trồng các loại rau thơm hay cây mùng để tiện tưới nước thải nhưng như thế lại không đảm bảo yêu cầu trên. Tốt nhất ao nên đào cách xa giếng và có đường dẫn nước thải ra.
Xây giếng: Đúc những ống cống hình trụ, đường kính cỡ 1m, chiều cao cỡ 1m (nếu đường kính lớn hơn thì chiều cao giảm đi cho tiện làm), có cốt thép, đổ bê-tông lên khuôn sắt (cát đổ bê- tông không lẫn vỏ hàu, hến, ốc vì nếu lẫn sẽ dễ bị thấm), rồi thả các ống cống hình trụ xuống chỗ đã đào sẵn. Trước đó vài ngày, nên trát xi-măng cả mặt trong và mặt ngoài ống cống hình trụ thật nhẵn. Điểm tiếp giáp giữa các ống cống phải chít xi-măng rất kỹ. Ở những vùng có nhiều mạch ngang, thường đào hố rộng hơn và cho cát vàng bao quanh lấy ống cống thật chặt. Nhờ thế, giếng vừa được bảo vệ, vừa không cho nước mạch mang thấm vào bên trong giếng. Làm đúng kỹ thuật, sẽ lấy được mạch nước ngầm (ở độ sâu khoảng 4 - 5m) trong và sáng.
Chọn độ sâu và mạch: Vùng đồng bằng, đất thường do bồi đắp lâu ngày mà thành. Khi đào thường thấy lớp đất đen hay cát pha đất bên trên, đào xuống sẽ gặp lớp cứng khác và đến khoảng 4 mét trở lên sẽ gặp lớp cát vàng và mạch. Nếu dừng ở đó lấy mạch nước này thì nước thường trong, ít có chất hữu cơ, đặc biệt ít khi nhiễm sắt. Nếu không lấy mạch này mà cố đào sâu qua khỏi lớp cát vàng thì thường gặp mạch nước chứa nhiều sắt thấy màu vàng hay để lâu sẽ có màu vàng. Trên một vùng có giếng không có chất sắt, có giếng lại có chất sắt là do khác nhau về độ sâu. Bởi vậy trên mỗi vùng cần khảo sát và chỉ đào ở độ sâu thích hợp. Nước giếng có chất sắt thường nấu nướng hay rửa ráy rất bất tiện nên phải xây bể xử lý sắt. Bể xử lý sắt cũng tốn kém không khác gì bể xử lý arsenic. Nếu nước giếng còn có tỷ lệ canxi cao thì việc xử lý sắt hay arsenic như vậy thường kém hiệu quả.
Làm nền giếng: Nền giếng cần có đường kính khoảng 2,5 - 3m kể từ tâm giếng (tùy theo địa hình), nện kỹ bằng sỏi cát và láng bên trên bằng xi-măng thật chắc chắn, tốt hơn nên đổ một lớp bê-tông dày; phải xây cao hơn mặt sân và vườn chung khoảng 30cm, có độ nghiêng cho nước tràn ra phía ngoài và phía ngoài có gờ chắn nước vây quanh, góp nước thải lại và có lối dẫn nước ra xa. Khi dùng, nếu thành bị nứt nẻ hay thủng vỡ phải sửa chữa ngay. Nền tốt sẽ không bao giờ cho nước thải thấm xuống bên dưới, thẩm thấu vào bên trong giếng.
Làm thành giếng, che giếng: Phải xây thành giếng cao khoảng 0,8-1m để bảo vệ (trẻ em khỏi bị rơi xuống giếng khi chơi đùa hay khi múc nước) mặt khác, để khi mưa lụt nước bẩn, chất bẩn khỏi tràn vào giếng. Giếng có đường kính khoảng 1m thì thường có ánh sáng chiếu vào mặt nước. Cần có loại mái che cho lá cây rơm rạ khỏi bay vào giếng, tốt nhất là làm bằng thép không rỉ, đan thưa (để ánh sáng chiếu vào được); một phần lớn mê cố định vào thành giếng và một phần nhỏ mê nối với phần cố định bằng bản lề có thể mở ra đậy lại được (khi lấy nước).
Công trình vệ sinh quanh giếng: Chỉ nên xây nhà tắm giặt, bể rửa gần giếng và những công trình này phần nền phải chắc chắn, có gờ giữ nước thải và có đường góp nước thải dẫn ra xa.
Hà Thủy Phước
(Bài viết có sự phối hợp của Cục Quản lý môi trường y tế).
|