Thế nhưng oái ăm thay, cũng tại Ô Chợ Dừa, trên con đường Xã Đàn ngay tại đầu Ô đang tồn tại di tích “Đàn Xã Tắc”.
Việc xử lý di tích mới được phát hiện từ ngày xây dựng con đường từ Khu tập thể Kim Liên đến Ô Chợ Dừa từ tháng 12/2006 thành đường Xã Đàn hôm nay cho đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để ngoài việc tạm lấp, có kết cấu bảo vệ phía trên. Nhớ lại ngày ấy, hôm 18/1/2007, UBND TP. Hà Nội có hội thảo khoa học về “Đàn Xã Tắc”, lãnh đạo thành phố cùng các nhà khoa học và quản lý đã nhất trí bảo tồn di tích này.
Sự cần thiết làm cầu vượt giải quyết bài toán giao thông và quyết tâm bảo tồn di tích tại Ô Chợ Dừa cùng với chuyện tiết kiệm không biến cây cầu sắp làm thành “cầu đắt nhất hành tinh” như đường Xã Đàn đã có “danh hiệu” tương tự đã khiến thành phố có phương án kiến trúc cầu vượt hạn chế giải phóng mặt bằng, nghĩa là cầu sẽ đi sát vào nhà dân. Tuy mố cầu nằm ngoài di tích nhưng mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Phương án này có vẻ “hợp lý” nhất thời lúc này nhưng nhìn xa một chút, trong tương lai sẽ lại là sự tốn kém rất nhiều khi chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Nếu tính xa, có thể điều chỉnh ngay từ khi chưa xây cầu?
Ô Chợ Dừa là một trong những cửa ngõ của Thủ đô, về mặt mỹ quan cũng như sinh hoạt của dân không thể có cây cầu “đi sát nhà dân” mãi được. Đến lúc nào đó cũng phải quy hoạch lại, hoặc là dỡ cầu hoặc là dỡ nhà dân sẽ tốn và kém biết chừng nào. Về phía di tích, “mặt cầu có một phần chạy qua di tích” thì cũng đến một lúc nào đó, hoặc là dỡ cầu để bảo tồn và khai thác di tích, hoặc là bảo tồn cầu và quên luôn di tích!
Cầu vượt là cần nhưng có thể điều chỉnh trong khi di tích “Đàn Xã Tắc” có từ thời nhà Lý thì không thể điều chỉnh. “Đàn Xã Tắc” còn mang ý nghĩa tâm linh khi là nơi vua dùng để tế trời, đất, sông núi cầu Quốc thái dân an. Di tích này đến một lúc nào đó có thể phục dựng thành “Đàn” để mọi người dân đến cúng lễ, các vị lãnh đạo tiếp thu truyền thống đến thắp hương tế trời đất như các vị vua xưa đã làm mong dân giàu nước mạnh.
Được biết, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu nối tiếp đường Xã Đàn hiện nay trong quy hoạch đường vành đai 1 cũng đang được các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vào quý 2 để có thể thông xe kỹ thuật trong năm nay. Vậy sao không thể mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng để cầu vượt bằng bê tông rộng 14m gồm 4 làn xe sắp làm sẽ có chỗ đứng ổn định mà di tích “Đàn Xã Tắc” cũng có thể khai thác được, trở thành điểm nhấn lịch sử ngay tại một trong những cửa ngõ Thủ đô. Cầu vượt đẹp, giải quyết giao thông tốt lại bên một di tích như khát khao của cả một dân tộc, trên dưới đồng lòng mong Quốc thái dân an, hòa bình và phát triển sẽ còn là nét đặc sắc của kinh tế-văn hóa- lịch sử kết hợp hài hòa, thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng. Chỉ cần cầu vượt không có phần nào chạy qua di tích, xa hơn một chút càng tốt và nhà dân cũng có khoảng cách tối thiểu với cầu, Ô Chợ Dừa sẽ thành quảng trường đẹp có “cầu” và “Đàn” di tích. Đường vành đai 1 đoạn đầu Ô có hai chiều bên “Đàn” rồi đi tiếp dưới cầu sẽ rất thuận tiện!
Còn như dự án hiện nay, không chỉ cầu “sát nhà dân” và “mặt cầu có một phần chạy qua di tích” mà còn hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông liên quan đến cầu trong diện tích quá chật hẹp thì di tích có được bảo tồn như quyết tâm từ năm 2007. Hoặc là lại một sự tốn kém khác lớn hơn khi nhận ra bất cập trong tương lai?
Và cũng không lo cây cầu mới, con đường mở tiếp sẽ “đắt nhất hành tinh” nếu như chuyện thất thoát, tham nhũng không xảy ra...