Cụ thể, mới đây, Facebook Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc đã đăng như sau: "Không ai phủ nhận những: Vợ nhặt, Rừng xà nu, Người lái đò Sông Đà, Chí Phèo, Đất nước đứng lên, Đất nước, Bên kia sông Đuống... là những tác phẩm văn học có giá trị vượt thời đại nhưng bây giờ nhiều tác phẩm đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại, tầm tư duy và tầm nhận thức của học sinh ngày nay.
Âm nhạc, văn học hay giáo dục nói chung đang rất cần một sự thay đổi mạnh mẽ, phù hợp nhịp thở thời đại, gần gũi với mong muốn của các con, các em. Hãy để các con được phát huy tối đa những suy nghĩ, tư tưởng và điểm mạnh của mình. Từ đó sáng tạo hơn, kết nối được với thế giới, hội nhập với tốc độ phát triển của nhân loại. Hãy cởi mở hơn để đón nhận những tư duy tân tiến nhất. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều phụ huynh đó ạ".
Ngay lập tức một người dùng mạng có nickname Độ Đỗ phản biện: "Mọi góc của một tác phẩm lớn đều có giá trị lớn như chính tác phẩm đó. Như thế nào là lỗi thời, không phù hợp với thời đại, tầm tư duy, rồi thì tầm nhận thức nhỉ? Nghe kiểu đao to búa lớn quá. Đơn giản đây là đề văn, yêu cầu các em phân tích một đoạn trong tác phẩm lớn theo cách hiểu của các em, có gì để la ầm lên, để chỉ trích đâu nhỉ. Thế theo bạn, đề ra thế nào là phù hợp? Bản thân một đề văn chưa đến mức làm bạn phải tiêu cực đến vậy, cho nên người có vấn đề là dòng trạng thái kia chứ không phải đề văn ấy. Trân trọng nhé cô giáo".
Một tài khoản khác ít gay gắt hơn: "Chị tôn trọng quan điểm của mỗi người, của em Ngọc. Riêng chị thì có suy nghĩ hơi khác chút. 1. Đây chỉ là khuôn khổ của một đề thi. Không có nghĩa là làm xong nó chúng ta phải sống như vậy. Chỉ là các em học sinh nói ra góc nhìn về tác phẩm mà thôi. 2. Công nghệ đã quá hiện đại trong việc tiếp cận với thế giới. Các em có quyền theo đuổi ước mơ của mình bằng cách riêng. Không ai và không có tác phẩm nào có thể ngăn cản được. 3. Một đất nước có phát triển, hòa nhập đến đâu cũng cần giữ giá trị văn hoá, văn học của nó. Nếu không chúng ta sẽ không còn nhận ra chúng ta sinh ra từ đâu nữa. 4. Bất kỳ lĩnh vực nào, cái xưa cũ cũng có giá trị riêng của nó. Như âm nhạc, dù có bao tác phẩm, tác giả, thể loại mới ra đời thì cũng ko thể bài trừ ca trù, cải lương...được".
Đây không phải là lần đầu Mỹ Ngọc có những phát ngôn gây tranh cãi. Cô giáo này này đã từng nhận rất nhiều chỉ trích khi cho rằng những người học thanh nhạc bài bản là "quá cứng nhắc, cố chấp cho nên không có được màu sắc sắc riêng, dẫn đến sản phẩm của họ bị lỗi thời không theo kịp thị trường".
Được biết, Mỹ Ngọc là giảng viên thanh nhạc và là người dạy cho nhiều giọng ca trẻ nổi tiếng như: Tóc Tiên, AMEE, Erik, Hoàng Duyên... Hiện tại, ngoài những phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội, giảng viên này đang cố gắng đào tạo những lứa ca sĩ trẻ có giọng mang màu sắc riêng.