Đó là câu chuyện mà không ít gia đình vô sinh, hiếm muộn đã trải qua trên hành trình "tìm con" của mình.
Tên của con và hành trình của nghị lực

Bác sĩ CKI Hồ Trung Hiếu - Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đức Phúc cùng gia đình chị Phan Hồng Quế.
Ở độ tuổi U40, sau rất nhiều năm chạy vạy tìm thầy tìm thuốc "vái tứ phương", vợ chồng chị Phan Hồng Quế (Bắc Kạn) mới được vỡ òa hạnh phúc khi đón cậu con trai kháu khỉnh Đức Hiếu chào đời. Tên của em bé được ghép từ tên của "vườn ươm" Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc (bệnh viện Đức Phúc) và tên của bác sĩ điều trị Hồ Trung Hiếu (Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện), như một cách để ghi nhớ và tri ân nơi đã giúp mình chạm tới ước mơ.
Chị Quế trước đó đã trải qua một thời gian dài hiếm muộn, không thể có con tự nhiên do từng bị chửa ngoài tử cung và phải cắt đi hai bên vòi trứng. Khao khát có thêm tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ trong tổ ấm nhỏ của mình, anh chị cũng đã tìm đến điều trị ở nhiều nơi nhưng không thành công, cho tới khi có duyên biết đến bệnh viện Đức Phúc và được bác sĩ Hồ Trung Hiếu thăm khám trực tiếp. Với phác đồ điều trị rõ ràng và cá nhân hóa, được điều chỉnh liên tục theo tình hình sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ Hiếu đặt ra, lại được sự tham vấn, chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, anh chị yên tâm bước vào quá trình điều trị. May mắn, hai vợ chồng đã thành công ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên tại đây.
Ngày biết được có một sinh linh bé bỏng đã an toàn "neo đậu" trong cơ thể mình, chị Quế không khỏi xúc động, bật khóc khi được lắng nghe nhịp đập trái tim con. Không chỉ đồng hành cùng gia đình trong suốt thai kỳ chín tháng mười ngày sau đó, chính bác sĩ Hiếu cũng là người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ, đón bé Đức Hiếu chào đời vào một ngày tháng 4/2024.
Chị Quế tâm sự, giống như rất nhiều gia đình đã, đang phải đối diện với tình trạng vô sinh, hiếm muộn, có những thời điểm hai vợ chồng tưởng chừng đã phải từ bỏ ước mơ về một tổ ấm tròn đầy khi cứ hi vọng rồi lại thất vọng, bé Đức Hiếu ra đời thực sự là một "phép màu" mà chính những y bác sĩ của bệnh viện, cùng với công nghệ khoa học tiên tiến trong lĩnh vực đã mang đến với gia đình.

Gia đình chị Đào Thị Hường, anh Nguyễn Văn Quang và bé Nguyễn Quang Anh cùng bác sĩ Hồ Trung Hiếu.
Tương tự như gia đình chị Quế là trường hợp của vợ chồng chị Đào Thị Hường, anh Nguyễn Văn Quang (Cát Hải, Hải Phòng). Chị Hường mang gen Thalassemia di hợp tử và có tiền sử chuyển phôi nhiều lần thất bại đã tạo ra một bài toán nan giải đối với các y bác sĩ. Sau khi thăm khám cẩn thận, bác sĩ Hiếu đã phải hội chẩn với cố vấn cao cấp bệnh viện là PGS.TS Trần Đức Phấn – Chủ tịch Hội Y học Di Truyền Việt Nam để lên phác đồ điều trị phù hợp nhất, không chỉ đảm bảo đậu thai thành công mà còn loại bỏ những nguy cơ không mong muốn về mặt di truyền cho em bé sau này. Những nỗ lực, quyết tâm của gia đình và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện cuối cùng cũng được đền đáp sau một quá trình dài điều trị, ngày 10/4/2024, em bé "rồng vàng" Nguyễn Quang Anh chào đời trong niềm hạnh phúc của cả hai bên nội ngoại.
Theo bác sĩ Hồ Trung Hiếu, mỗi em bé chào đời không chỉ là "phép màu" đối với gia đình, mà còn là thành tựu, là niềm tự hào của các y bác sĩ. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề, đã từng chứng kiến không ít những hoàn cảnh đặc biệt. "Có những người từng đi rất nhiều nơi nhưng đều thất bại. Thậm chí có những trường hợp chọc trứng đến 6 lần hay chuyển phôi cả chục lần vẫn không thành công. Cũng có những trường hợp bệnh nhân đã lớn tuổi do mất đi con trong một vụ tai nạn nên tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản. Dù khó khăn đến đâu, nhưng còn dù chỉ là một tia hi vọng, các gia đình vẫn muốn kiên trì theo đuổi, đó cũng là lý do vì sao mà chúng tôi luôn phải nhắc nhở mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa mỗi ngày", bác sĩ Hiếu tâm sự.
Cá thể hóa điều trị – Nâng cao tỷ lệ thành công

Công nghệ nuôi cấy phôi – một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam ước tính có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Những con số kể trên đang trở thành thách thức lớn đối với ngành y tế và cả xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng tăng. Nguyên nhân gây ra vô sinh được chia làm 2 nhóm: vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Với vô sinh nguyên phát có thể là do người vợ mắc dị tật như: không có tử cung, không có buồng trứng… gây ra tình trạng không thể mang thai tự nhiên. Với vô sinh thứ phát, có thể gặp ở những trường hợp bệnh nhân đã từng có thai rồi sau đó không thể mang thai hoặc bị tắc vào buồng trứng, dính buồng tử cung, xuất huyết tử cung, u xơ tử cung, bệnh lý phụ khoa gây viêm nhiễm khiến quá trình mang thai gặp nhiều rủi ro hơn.
Theo bác sĩ Hồ Trung Hiếu: "Mọi người thường hay nói rằng bác sĩ "mát tay" nên điều trị thành công nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, để nâng cao tỷ lệ thành công cho các ca bệnh vô sinh hiếm muộn thì điều quan trọng là cần cá thể hóa bệnh nhân. Với mỗi bệnh nhân phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn sẽ khác nhau bao gồm cả phác đồ điều trị, vấn đề dùng thuốc, quá trình đáp ứng thuốc, các bệnh lý liên quan thậm chí cả vấn đề tâm lý. Khi cá thể hóa điều trị, các bác sĩ cần xác định nguyên nhân dẫn tới vô sinh cũng như những yếu tố kèm theo, mỗi người sẽ mang những câu chuyện khác nhau đòi hỏi bác sĩ phải đi sâu vào từng trường hợp".
Bên cạnh đó, một yếu tố quyết định tỷ lệ thành công cho các cặp vô sinh hiếm muộn chính là vấn đề tâm lý. "Có những trường hợp không đủ điều kiện về kinh tế, trở ngại về mặt địa lý nhưng cũng có những trường hợp mắc các bệnh lý gây ra vô sinh hiếm muộn nhưng đã bỏ qua "thời gian vàng" điều trị. Các bác sĩ cần thấu hiểu bệnh nhân và đồng hành suốt cả quá trình. Quan trọng hơn cả là mang đến cho người bệnh sự yên tâm và phối hợp nhịp nhàng trong quá trình điều trị" - bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về những tiến bộ vượt trội trong điều trị vô sinh hiếm muộn thời gian gần đây, bác sĩ Hiếu cho biết: "Nếu như trước đây các trường hợp vô sinh ở nam giới có liên quan đến tắc ống dẫn tinh, xuất tinh không có tinh trùng gặp khó khăn khi điều trị thì hiện tại với những thủ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn, chọc mào tinh, lấy tinh trùng non… để thụ tinh làm tăng tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân. Còn đối với phụ nữ, các tiến bộ kỹ thuật mới hiện nay có thể giúp trẻ hóa buồng trứng, can thiệp các bệnh lý liên quan đến buồng tử cung, u xơ tử cung… giúp người bệnh cải thiện được rất nhiều tình trạng bệnh".
Để hạn chế tình trạng vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Hiếu đưa ra khuyến cáo đối với các bạn trẻ khi bước vào độ tuổi sinh sản cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường. Bên cạnh đó, với những người chuẩn bị kết hôn nên thăm khám tiền hôn nhân để có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe. Ngoài ra, với những người từ 35 tuổi trở lên sau 6 tháng quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai nhưng không mang thai và những người dưới 35 tuổi sau khi quan hệ tình dục trên 1 năm không dùng biện pháp tránh thai nhưng không mang thai thì cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Với những trường hợp phụ nữ mắc các bệnh lý liên quan đến phụ khoa, có bất thường về kinh nguyệt (thưa kinh, rong kinh…) và nam giới bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm… cũng cần thăm khám và điều trị sớm để không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Hành trình hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không chỉ là việc áp dụng kỹ thuật y học tiên tiến mà còn đòi hỏi sự tận tâm và đồng hành của các bác sĩ. Với những tiến bộ trong điều trị và phương pháp cá thể hóa từng bệnh nhân, ngày càng có nhiều gia đình chạm tay đến ước mơ làm cha mẹ, biến những mong ước thành hiện thực.
PV