Hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư
Phát biểu tạ Hội thảo phòng chống ung thư lần thứ 19 diễn ra trong 2 ngày 18-19/7 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện, tại Hà NộiThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, Việt Nam trong những năm gần đây bệnh ung thư đã tăng cấp độ rất nhanh.
Theo thống kê, năm 2000 số trường hợp mắc mới bệnh ung thư mới chỉ ở mức 68.000 người/năm. Trong chưa đầy hai thập kỷ, đến năm 2018 - số trường hợp mắc mới bệnh ung thư một năm đã lên tới hơn 165.000 người, gấp hơn 2 lần. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ vượt mức 200.000 ca mắc mới ung thư mỗi năm.
Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện K
“So với các nước khác, Việt Nam chưa phải là nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất, nhưng điều chúng ta cần suy ngẫm, đó là số người tử vong do bệnh ung thư ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới,” Thứ trưởng Tiến chỉ rõ.
Đồng thời Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, những số liệu trên cho thấy, cần có những quan tâm đúng mức nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư như: nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết thêm, báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế cho thấy, năm 2018 tại Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Ung thư đang thực sự là một gánh nặng lớn cho xã hội.
“Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và nhìn chung tương tự gần như thế giới. Chúng ta vừa "bước vào khu vực dịch tễ" từ mắc thấp sang mắc trung bình. Tính chung, chúng ta đứng thứ 99/183 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát”- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Chính vì vậy, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư là hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung.
Ung thư tăng nhanh ở Việt Nam vì sao?
Theo Giám đốc Bệnh viện K, có nhiều lý do giải thích bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng, trước hết nhờ thành tựu y học và chất lượng sống gia tăng nên tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên. Hiện tại tính trung bình cả hai giới, tuổi thọ của người Việt lên đe4én trên 73,3 tuổi “mà sống càng lâu thì phơi nhiễm càng dài và tỷ lệ mắc bệnh càng tăng”.
Sử dụng huốc lá, rượu và dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ung thư
Thứ hai, chúng ta đang đang đứng trước quá nhiều nguy cơ gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chỉ riêng hút thuốc lá đã chiếm đến trên 30% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư; tiếp đến vấn đề dinh dưỡng không an toàn chiếm đến trên 30% nguyên nhân,
Thứ ba là nguyên nhân khác như ô nhiễm môi trường và thứ tư là nhiễm khuẩn ví dụ như các yếu tố gây viêm gan virus, ung thư cổ tử cung
Yếu tố di truyền cũng chỉ chiếm khoảng 10% trong số các ca bệnh ung thư.
Tiếp đến là do chúng ta tuyên truyền tốt hơn, nhiều hơn, nên người dân nhận thức được tốt hơn việc đi khám, tầm soát bệnh
Và yếu tố nữa là nhờ các thiết bị hiện đại chúng ta đã chẩn đoán, phát hiện được tốt hơn bệnh ung thư và nhìn ra nhiều “vấn đề” hơn
Để không trở thành người mắc bệnh ung thư, chúng ta cần phải hạn chế và tránh các yếu tố gây nguy cơ ung thư bao gồm bỏ hút thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tiêm một số vắc xin phòng chống bệnh ung thư như vắc xin viêm gan B, vắc xin ung thư cổ tử cung.
Đặc biệt đối với một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có người mắc thì người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh.
“Hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao”
GS.TS Trần Văn Thuấn
Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Bệnh viện K đã lên tới 75% tương đương với Singapore
GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay mặc dù bệnh ung thư tại Việt Nam gia tăng,nhưng có thể nói tất cả những tiến bộ trong phòng và điều trị ung thư trên thế giới hiện đều có tại Việt Nam bao gồm phòng bệnh, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là việc đưa vào ứng dụng các công nghệ-kỹ thuật cao trong điều trị.
Bệnh viện K cũng đã áp dụng triển khai rất nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Bệnh viện K đã có 9 hệ thống xạ trị gia tốc đơn và đa mức năng lượng cùng hệ thống xạ phẫu Gama knife hiện đại nhất trên thế giới, đặc biệt là hệ thống gia tốc VERSA HD, cho phép triển khai được các kỹ thuật mới tiên tiến như xạ trị định vị thân (SBRT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT), giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tối đa tới sức khỏe người bệnh.
Bên cạnh việc ứng dụng phẫu thuật nội soi đã trở thành thường quy, BV đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phẫu thuật Robort Davici từ Hoa Kỳ với kinh phí trên 80 tỷ đồng, hệ thống này cho phép phẫu thuật tới các “vùng sâu, vùng xa” mà bình thường bàn tay của các phẫu thuật viên khó với tới được, ít làm tổn thương vùng xung quanh và người bệnh nhanh phục hồi sau mổ.
Bệnh viện K đã ký kết hợp tác với Viện Ung thư châu Âu.
“Bệnh viện K đã ký kết với Viện Ung thư châu Âu để Viện chuyển giao, đào tạo về phẫu thuật bằng robot trong điều trị, phòng chống bệnh ung thư. Hiện tại robot đã về bệnh viện.
Đây là phương pháp mới với bệnh viện và đang được các bác sỹ gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trong tháng Bảy, tháng Tám sẽ đưa vào hoạt động”- Giám đốc Bệnh viện K thông tin.
Đồng thời, các thuốc mới nhất, tân tiến nhất bao gồm cả hóa chất, kháng thể đơn dòng, kháng sinh mạch đều được Bộ Y tế cho nhập kịp thời để chữa trị cho người bệnh Việt Nam. Các trang thiết bị chẩn đoán, đặc biệt là Giải phẫu bệnh-tế bào, sinh học phân tử, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh…với sự kết nối đồng bộ qua mạng cũng thường xuyên được Bệnh viện K cập nhật trang bị như hệ thống nhuộm miễn dịch huỳnh quang, kính hiển vi 10 đầu đọc, PET CT…
Hiện tại BV đã được Chính phủ và Bộ Y tế đồng ý về chủ trương để sắp tới xây dựng và lắp đặt hệ thống xạ trị Proton-Ion nặng, là hệ thống xạ trị tối tân mà ngay các nước Đông Nam Á chưa có. Việc trang bị các thiết bị hiện đại cùng với phát hiện sớm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư như tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Bệnh viện K đã lên tới 75% tương đương với Singapore.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao về sự phát triển của Bệnh viện K, Viện Ung thư Quốc gia vì đã có nhiều cải tiến kỹ thuật và đang trong quá trình ứng dụng công nghệ điện tử để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ung thư như sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, xây dựng hệ thống y tế trực tuyến Telemedicine nhằm hỗ trợ trực tuyến các bệnh viện vệ tinh, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data), sử dụng robot trong phẫu thuật và xạ trị ung thư.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới, bệnh viện K sẽ áp dụng thành công các công nghệ trên và góp phần nhân rộng các thành công này tại các bệnh viện, nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị ung thư,” Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hội thảo phòng chống ung thư diễn ra trong hai ngày (18,19/7) là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các tiến bộ, đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư. Đó là các lĩnh vực như: Dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; Các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư; Chi phí và hiệu quả trong phòng chống bệnh ung thư…
Ban tổ chức cũng nhận được hơn 250 bài đăng ký báo cáo, đăng ký tham dự của hơn 1.000 các bác sỹ, điều dưỡng, nghiên cứu viên chuyên ngành ung thư.