Chiều nay- 6/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước.
Bệnh án điện tử giúp truy cập nhanh chóng và đầy đủ thông tin bệnh sử của bệnh nhân
Đại diện các cơ sở y tế, trong tham luận tại phiên họp về "Kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, giải quyết khó khăn vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số trong bệnh viện", PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, ngành y tế trong đó có Bệnh viện Bạch Mai xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo triển khai.
"Với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Y tế các Bộ, ngành và bạn bè quốc tế, đặc biệt nhờ sự đoàn kết nhất trí, đồng lòng của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, cán bộ viên chức bệnh viện đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, triển khai chuyển đổi số. Bạch Mai trở thành bệnh viện Hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh "toàn trình" không dùng giấy tờ từ ngày 15/11/2024"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Chia sẻ về lợi ích của bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng, có thể kể đến 4 lợi ích cụ thể như:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Từ thực tế khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, việc thực hiện bệnh án điện tử giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép bằng tay, chữ viết khó đọc, đồng thời cho phép truy cập nhanh chóng và đầy đủ thông tin bệnh sử của bệnh nhân. Điều này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị chính xác, kịp thời.
Cùng đó, tăng cường tính liên tục trong điều trị. "Bệnh án điện tử cho phép các cơ sở y tế dễ dàng chia sẻ thông tin bệnh nhân, giúp bác sĩ nắm bắt toàn diện quá trình điều trị của bệnh nhân, đặc biệt quan trọng đối với các bệnh mãn tính hoặc cần theo dõi dài hạn.
Đồng thời cá nhân hóa điều trị. Dữ liệu từ bệnh án điện tử giúp phân tích và đưa ra các phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, tối ưu hóa hiệu quả điều trị"- PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.
'Số hoá' phim chụp, giấy chỉ định xét nghiệm, giấy trả kết quả, hồ sơ bệnh án: Giúp tiết kiệm gần 80 tỷ mỗi năm
Thứ hai, tối ưu hóa quy trình chuyên môn khám chữa bệnh và tiết kiệm chi phí
Bệnh án điện tử giúp loại bỏ việc sử dụng và lưu trữ giấy tờ, tiết kiệm không gian và giảm chi phí in ấn, lưu trữ.
"Chỉ tính riêng việc không in phim chụp XQ, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ và không in các giấy chỉ định xét nghiệm, giấy trả kết quả, hồ sơ bệnh án điều trị,… mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng. Số tiền này tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cho hệ thống công nghệ, chuyển đổi số của bệnh viện"- PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin và nhấn mạnh thêm: Chuyển đổi số giúp tự động hóa nhiều quy trình, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và tăng hiệu quả làm việc của nhân viên y tế.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nhắc đến việc thực hiện bệnh án điện tử cho phép quản lý dữ liệu hiệu quả. Theo đó, bệnh án điện tử cho phép phân tích và quản lý dữ liệu y tế một cách hiệu quả, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách y tế. Đây cũng là cơ sở và tiền đề quan trọng của phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.
Thứ ba, nâng cao trải nghiệm người bệnh
Khi có nhu cầu đến thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh tiện lợi và dễ dàng đặt lịch khám trực tuyến, nhận kết quả xét nghiệm nhanh chóng, đồng thời có thể ngay lập tức truy cập thông tin bệnh án của mình.
"Có thể nói chuyển đổi số tạo ra các kênh giao tiếp trực tuyến giữa bệnh nhân và bác sĩ, giúp bệnh nhân dễ dàng trao đổi, tư vấn về sức khỏe"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Thứ tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ dữ liệu của bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu y học, giúp phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Cùng đó chuyển đổi số tạo điều kiện cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong y tế, mang lại những đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
"Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu đạt được một số thành công trong việc áp dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác khám, chữa bệnh; đặc biệt là Hệ thống Ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư phổi được phát triển từ đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ung thư phổi qua phân tích ảnh CT lồng ngực, ảnh nội soi phế quản ống mềm và ảnh mô bệnh học" do Bệnh viện Bạch Mai chủ trì, phối hợp cùng với các Bệnh viện, các trường đại học triển khai thực hiện thành công"- PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.
Cùng với những lợi ích và những kết quả bước đầu đó, theo PGS Cơ, việc triển khai bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế nói chung và Bạch Mai nói riêng cũng đối mặt với nhiều thách thức, như vấn đề thay đổi thói quen làm việc, tư duy ngại thay đổi, bảo mật an toàn thông tin, chi phí đầu tư, hành lang pháp lý mua sắm đấu thầu phần mềm, nhân lực công nghệ thông tin,…
"Do đó, bệnh viện sẽ nỗ lực cố gắng và phối hợp chặt chẽ với tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ triển khai quyết liệt, hiện thực hóa các chỉ đạo của chính phủ vào thực tiễn. Bạch Mai làm xong sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cho các cơ sở y tế khác triển khai thành công"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói và nhấn mạnh quyết tâm liên thông dữ liệu với các cơ sở y tế trong cả nước. Các cơ sở y tế sử dụng và tham khảo được kết quả khám bệnh, chụp chiếu ở tuyến dưới, không cần phải làm lại. Điều này sẽ tiết kiệm nguồn lực tài chính rất lớn cho người bệnh, cho ngân sách của bảo hiểm.
Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng Phân tích dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Xây dựng bệnh viện thông minh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sạch đẹp, an toàn là địa chỉ tin cận cho người dân đến khám chữa bệnh...