Quả thật, hiếm có một KTS nào dành cả đời chuyên tâm với công việc bảo tồn di tích và di sản văn hóa như GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính. Gần 50 năm qua, người KTS này đã ghi dấu trí tuệ của mình ở nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước. Cũng vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”.
Sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam, với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích điển hình ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Ở bề sâu, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.
Như lời ông bộc bạch: “Tôi gắn bó nhiều hơn cả vẫn là với Hà Nội, gắn bó cả trong công việc chuyên môn lẫn trong suy nghĩ. Song cũng nghiêm túc mà nói, những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội ở khía cạnh trực quan có lẽ chưa nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ. Dẫu sao, tôi cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để lo toan cho những di tích của Hà Nội, được bao nhiêu tôi cũng lấy làm toại nguyện”.
Khiêm tốn là thế, song nếu làm một phép liệt kê tương đối, thì dễ thấy cả một thành tựu đáng nể của ông: Là người đóng vai trò chủ trì công trình tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Đây đều là những di tích tiêu biểu, định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
Đình Tây Đằng (một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, ngót 500 năm tuổi, nằm ở huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội, mà KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu, ở thời điểm ông còn rất trẻ (vào cuối những năm 1970). Đây cũng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ.
Một loạt các giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng. Đó là: Hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống “chắp - vá - nối” để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữa lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc…
“Nhờ quan điểm và các thủ pháp kỹ thuật này mà lần đầu tiên một kiến trúc gỗ được cứu vãn và trùng tu trên cơ sở vận dụng các đòi hỏi của bộ môn trùng tu khoa học, kết hợp với kỹ thuật bảo trì dân gian” - GS Kính khẳng định - “Đến nay, có thể nói, việc trùng tu đình Tây Đằng cuối những năm 70 ở Hà Nội và ở Việt Nam đã hình thành những quan điểm và những bài bản trùng tu của các di tích kiến trúc gỗ. Có chuyên gia quốc tế gọi đó là “trường phái Việt Nam”.
Với việc bảo tồn và trùng tu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đóng góp quan trọng của KTS Hoàng Đạo Kính phải kể tới việc tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ.
Những năm 1990, có nhiều phương án được đưa ra để bảo quản các tấm bia vô giá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khỏi những tác động của môi trường, thời tiết; như là phương án tạo mái che hiện đại nbằng cấu kiện hợp kim và các tấm kính hoặc phương án dùng hóa chất để bảo quản mặt bia. Đây đều là các phương án được phản biện chưa phù hợp, cũng như chưa có kiểm nghiệm trong thực tế.
Thế rồi, “chúng tôi đưa ra phương án: tạo các mái che, tương tự nhà bia trong kiến trúc cổ truyền, vừa không tương phản và vừa không mạo hiểm, lại dễ thực hiện. Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân thứ 3, chúng tôi chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, KTS Kính nhớ lại.
Và rồi, Nhà che bia Tiến sĩ đã thực sự trở thành một bổ sung quan trọng, tương thích với diện mạo lịch sử nhiều thế kỷ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mà không phải ai cũng biết công trình này mới có tuổi đời hơn 30 năm.
Còn đối với Nhà hát Lớn Hà Nội, với vai trò chủ trì dự án trùng tu công trình này, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt ra vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của ông, đó là: Trong bảo tồn di tích quan trọng nhất là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.
“Chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này. Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một công trình tỏa sáng phục vụ tốt những nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong”.
Kể ra như vậy để thấy, hầu hết những công trình trùng tu di tích của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính đã gửi trọn tâm huyết cả đời như một minh chứng điển hình và xác đáng để trở thành những hình mẫu về phương pháp tiếp cận, quan điểm khoa học đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Để rồi, những đóng góp của KTS Hoàng Đạo Kính trong các công trình trùng tu như đình Tây Đằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Nhà hát Lớn Hà Nội,… và nhiều di tích, di sản khác trong cả nước đã trở thành những bước đi có tính chất khai mở, vạch lối để ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam có thể vận dụng vào các trường hợp tương tự một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ở tầm nhìn rộng hơn, dài lâu hơn, KTS Hoàng Đạo Kính đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Hà Nội hôm nay với nhiều vấn đề đặt ra về quản lý đô thị và xây dựng tầm vóc, vị thế của Thủ đô. Theo GS Kính, Hà Nội không còn quá lo về việc giữ gìn những công trình di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Bởi công việc này đã được quan tâm ở một mức độ nhất định và đã có những kết quả khả thi.
“Cái lo nhất hiện nay, trước tiên là làm sao để giữ Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới. Hà Nội phải đặc sắc để cạnh tranh. Ở đây, vấn đề đặt ra đó là Hà Nội còn đặc sắc không? Hơn nữa, tính đặc sắc đó, phẩm chất đặc sắc đó còn hiện diện một cách thuyết phục không?” - ông đặt vấn đề - “Nhưng quan trọng hơn, đối với Hà Nội còn phải là thành phố tinh hoa. Hà Nội phải nhận ra những giá trị tinh hoa mà thành phố đang sở hữu để kế thừa, tiếp nối. Những giá trị tinh hoa đó phải được vun đắp, thu kéo, bồi tụ, quện hóa, cô đọng và lan tỏa. Hà Nội phải là Thủ đô của đất tinh hoa, mà trước tiên là tinh hoa văn hóa”.
Ở tuổi ngoài 80, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn đau đáu với Hà Nội như thế. Mạch nguồn của tình yêu Hà Nội trong ông có lẽ được xuất phát phần nhiều từ truyền thống gia đình. Trên tủ sách của gia đình, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn còn giữ lại nhiều trước tác thân phụ ông - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy - trong đó nổi bật phải kể đến những tác phẩm đặc biệt có giá trị về Hà Nội của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy như: Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội thanh lịch …
Có lẽ cũng nhờ những trước tác này mà KTS Hoàng Đạo Kính có điều kiện đào sâu tường tận về văn hóa và con người Hà Nội. Để rồi, ý thức về trách nhiệm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội đến với ông một cách rất đỗi tự nhiên từ nền tảng truyền thống gia đình.
Chia sẻ về người cha của mình- nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, ông kể: “Sinh thời, cụ rất ngại ngùng khi được mệnh danh là “Nhà Hà Nội học”. Cụ chỉ nhận mình là người kể chuyện về Hà Nội. Thật vậy, qua 4 cuốn sách và vài chục bài viết của cụ về Hà Nội, ta có cảm giác như đang nghe chuyện của một người lúc thì sống ở thời vua Lê chúa Trịnh, lúc thì ở thời Pháp xâm chiếm Hà Thành. Cụ kể chuyện về cuộc sống dài lâu và rất Hà Thành của phố Hàng Gai, về những người Hà Nội nổi danh và những người bị lãng quên, về cách ăn, cách mặc đến tận chiếc lọng và đôi hài. Là một trong những ông đồ còn sót lại của các thế hệ các cụ đồ đất Thăng Long - Hà Nội, thiếu 5 năm đủ thế kỷ, cụ sống ung dung và thanh thản, giữ lấy bộ nhớ kỳ lạ trong một thế kỷ sục sôi”.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội; học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Mátxcơva (Liên bang Nga- cũ).
Ông chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội... Chủ trì thiết kế chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, hệ thống chùa ở Sa Pa, đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông...
Ông tham gia đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Viện Khảo cổ học, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Sách đã xuất bản của ông có thể kể đến: Kiến trúc các nước Đông Dương, tiếng Nga, Mátxcơva, năm 1988; Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, năm 2002; Ngõ phố người đời, Nxb. Văn học, năm 2008; Văn hóa kiến trúc, Nxb. Tri thức, năm 2012. Ngoài làm công việc chuyên môn ông còn vẽ tranh. Ông đã có triển lãm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Ba Lan.