Đằng sau câu chuyện về hòn đá "trừ tà ma, thuỷ quái" này là những câu chuyện thôi thúc óc tò mò, khám phá…
Xuất hiện sau trận "đại hồng thuỷ"
Để hiểu rõ thực hư câu chuyện kỳ bí hòn đá biết "khử tà ma", chúng tôi đã tìm về tận đình làng An Thành, nơi hòn đá án ngữ hàng trăm năm nay để mục sở thị làm rõ những câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh xung quanh nó. Hòn đá "thần" đảm đương "sứ mệnh" trấn nước, giữ làng này nằm dưới khu rừng cây xà cừ to cao, cổ thụ được thế hệ lập làng và con cháu khai hoang trồng lên. Tiến lại gần, trước mắt chúng tôi là một hòn đá nằm sừng sững ngay mép đường liên thôn của làng, hướng ra sông Bồ. Xung quanh hòn đá này, dân làng, con cháu trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ đóng góp để xây dựng rất khang trang. Các đồ thờ cúng, nhang khói trên lư hương được sắp xếp, lau chùi một cách rất thành kính, đúng theo phong tục thờ cúng của người dân Huế.
Theo truyền khẩu của người dân bản địa, ngày xưa xung quanh làng An Thành đều là sông suối, như một hòn đảo bị cô lập. Đối diện với hòn đá "kỳ quái" này trước đây là một con hoái (còn gọi là con sông nhỏ được người dân đào và đắp lấy nước dùng để sinh hoạt, tưới tiêu hoa màu và ruộng vườn - PV). Đồng thời, ngày xưa vào những năm mưa lụt "có một không hai" ở kinh thành Huế, nước luôn ngập sâu và chảy xiết vào làng khiến dân chúng chết một cách tức tưởi cuốn theo dòng nước xoáy chảy ra biển, khiến cuộc sống của người dân làng An Thành hồi đó hết sức cơ cực.
Sau khi qua "đại hồng thuỷ" ấy, các bô lão trong làng mới tổ chức cúng tế lễ để họp làng bàn nhau, rồi đi đến quyết định lập lên một hòn đá thay bức bình phong nhằm "trấn phong thuỷ", với mục đích không cho nước cuốn mạnh vào làng.
Giải mã lời đồn oan hồn
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Ninh, Trưởng thôn lâu năm nhất làng An Thành cho biết: "Đình làng An Thành được thành lập hơn 400 năm, do Ngài Nguyễn Quý Công khai canh lập làng. Lúc đó, làng An Thành thuộc Tổng An Thành (nay là xã Quảng Thành - PV). Căn cứ vào một số tài liệu để lại, nhiều người nhẩm tính hòn "đá thần" này cũng được khoảng 300 tuổi. Và cũng chính nơi đây từng là đồn chỉ huy Đại đội 921 của lính Pháp. Tuy nhiên, do thời gian chiến tranh, phủ Ngài khai canh Nguyễn Quý Công bị tàn phá nặng nề. Mãi đến nay, chính quyền đã vận động dân làng, con cháu gần xa đóng góp xây dựng lại chánh điện để thờ phụng, hương khói cho Ngài một cách trang nghiêm. Trong tâm thức của nhiều người con của làng, hòn đá "thần" này đã gắn liền với ý nghĩa lịch sử của An Thành".
Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá thiêng này có hình dáng chữ nhật, được dựng đứng với chiều cao khoảng 80cm, chiều rộng 60cm và màu đá pha với ít màu rong rêu của thời gian khiến nó biến thành màu xanh đen. Xung quanh hòn đá, con cháu trong làng xây dựng, lát gạch rất khang trang. Từ bao đời nay, hòn đá "thiêng" nằm dưới tán cây xà cừ cổ thụ rậm rạp ấy đã gắn với ký ức của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Một cao niên của làng cho chúng tôi biết thêm, cùng với những điều truyền khẩu từ đời này qua đời khác, vào năm 1960, tại làng An Thành có một cô gái rất xinh đẹp đang trên đường đi gánh nước ở sông Bồ, gần hòn đá này thì bất ngờ bị bom Mỹ ném trúng và ngã qụy chết tại chỗ. Nhiều người dân nơi đây cho rằng, oan hồn ấy có thể là của cô gái vắn số kia (?!)
Một chuyện lạ khác cũng được người dân rỉ tai nhau qua nhiều thế hệ, đó là việc hòn đá vô tri vô giác ấy biết "đi" (?!). Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống trong làng kể cho chúng tôi, hòn đá này đã nhiều lần bị dời đi nơi khác, nhưng không hiểu sao vài ngày sau lại thấy nó nằm ngay ngắn ở vị trí cũ. Thậm chí, có thời gian, một số người đã âm thầm đem nó xuống đặt gần mép bờ sông, nhưng ngày hôm sau, hòn đá lại dịch chuyển về chỗ cũ - nơi mà các bô lão đã đặt án ngữ tại đây. Chưa dừng lại đó, người dân còn truyền tai nhau rằng, hòn đá đã từng bị khiêng trộm đi, nhưng chỉ vài ngày sau, nó đã trở lại vị trí cũ như ban đầu. Trước những sự việc lạ liên tiếp xảy ra như thế, dân tình ở đây hết sức xôn xao và hoang mang. Rồi không ai bảo ai, dân làng An Thành và các làng lân cận tấp nập kéo nhau về khấn vái nguyện cầu "thần đá" phù hộ cho mình có sức khoẻ, gặp nhiều điều lành. Cũng kể từ đó, con cháu trong làng không ai dám bẻ một cành cây hay lá nhỏ ở xung quanh hòn đá. Cứ thế, cả hòn đá "lạ" và cây cổ thủ tỏa bóng bên cạnh tồn tại trong một không gian tâm linh của người làng An Thành.
Và thông tin quý giá
Trước những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí đó, để rộng đường dư luận, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông Hoa cho biết: "Hòn đá thiêng đặt bên góc đình làng An Thành là một hòn đá rất bình thường như bao hòn đá khác ở các làng quê của Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, viên đá này đã có từ lâu đời, nó gắn liền với ngôi đình cho đến tận bây giờ và không có chuyện di chuyển chỗ này sang chỗ khác, hay những chuyện chết chóc trùng hợp như nhiều người đồn thổi. Bởi vì, theo phong tục tập quán người dân cố đô Huế, bất cứ đình làng nào sau khi xây dựng xong, các bô lão cũng muốn phong thuỷ tốt cho làng nên đã cất công săn lùng tìm kiếm một hòn đá thật to, rồi khắc lên ba chữ THạCH - CảM - ĐườNG bằng tiếng Hán, đặt trang trọng cạnh bên ngôi đình, nhằm trấn yểm cho làng và cầu mong mưa thuận gió hoà, mọi sự bình an ban phúc cho dân chúng".
Cũng theo ông Hoa cho biết thêm, tại Thừa Thiên- Huế đình, đền, miếu đều được các bô lão lập viên đá để thờ tự nhằm mục đích "trấn áp" tà ma, quỷ quái. Theo đó, người Việt Nam chúng ta rất kiêng cự hòn đá to và có hình thù lạ... Cũng qua câu chuyện đồn thổi, thêu dệt này, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng: Hòn đá được cho là "linh thiêng" ở đình làng An Thành là một hòn đá rất bình thường và không có chuyện chết chóc, biết di chuyển, biến mất như người dân vẫn truyền tai nhau. Đặc biệt, hòn đá này không có trong tư liệu nhà Nguyễn. Đã là viên đá linh thiêng thì phải được vua ban sắc phong cho lập miếu thờ tự và có người trông coi để lo việc cúng tế hàng năm, nhưng không có tư liệu nào liên quan đến hòn đá ấy đề cập đến vấn đề này.
Thực tế, dù có hay không những câu chuyện mang màu sắc huyền bí trên thì theo tháng năm, hòn đá cũng đã trở thành một biểu tượng cho đời sống tâm linh của nhiều thế hệ người dân An Thành.
Ám ảnh những đêm trăng và tiếng ru à ơi
Trong vai khách du lịch về thăm các làng quê vùng đất cố đô Huế, chúng tôi được nhiều người trong làng An Thành và các làng kế bên kể cho nghe câu chuyện về một oan hồn. Đồn rằng, thỉnh thoảng cứ vào ban đêm chập choạng tối, họ lại thấy sự xuất hiện của một người con gái mặc bộ áo dài trắng muốt bế trên tay một hài nhi lúc ẩn, lúc hiện và thường bập bềnh tới lui trên sông Bồ, đoạn đi qua gần viên đá "thần" này. Vào những đêm trăng, một số người còn nghe tiếng trẻ em khóc, hay tiếng ru "à ơi" vọng về từ trong lòng sông tĩnh mịch, khiến người dân sống trong làng đều hoang mang lo sợ, không một ai dám đi qua đây khi trời bắt đầu nhá nhem tối.