Từ ngàn xưa, các trường phái võ lâm từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều xuất hiện những vị danh y với những phương thuốc bí truyền để chữa trị cho môn phái của mình. Ngày nay, y học hiện đại cũng đã phát triển và không ngừng tìm ra những phương thuốc nhằm chống chọi với các tác nhân gây bệnh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sống và nâng cao tuổi thọ.
Sinh - lão - bệnh - tử, căn nguyên của lẽ vô thường
Dẫu biết rằng quy luật của tạo hóa được gói gọn trong bốn chữ sinh - lão - bệnh - tử. Quy luật này đâu chỉ dành cho con người, mà còn cho cây cỏ vạn vật trong vũ trụ. Cũng vì vòng luân hồi tạo nghiệp này mà Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng, lụa là châu báu để tìm con đường giải thoát cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Đối với con người, trong vòng luân hồi của mình thì sự chết chóc luôn là nỗi khiếp sợ rình rập và ngự trị trong tiềm thức. Mặc dù chết là điều mà con người sợ nhất nhưng nó lại chỉ là một giai đoạn chóng vánh nhất của bốn thời kỳ trong vòng luân hồi sinh - lão - bệnh - tử.
Trái lại với chữ tử, chữ bệnh lại luôn luôn ngự trị và đồng hành trong cuộc đời mỗi con người. Ngay từ khi mới sinh ra đã có mầm mống của bệnh, rồi bệnh đồng hành cùng con người qua hết giai đoạn lão hóa, già nua và chỉ đến khi chết đi mới hết bệnh mà thôi. Xem ra, bốn chữ sinh - lão - bệnh - tử thì chỉ có bệnh làm nên nghiệp con người. Trong đó, sinh, lão và tử là ba quy trình tất yếu mà chúng ta không thể tránh được nhưng bệnh thì không phải là tất yếu vì bệnh có thể chữa khỏi và có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, tránh được bệnh trong xâu chuỗi bốn hiện tượng sinh - lão - bệnh - tử là điều khó và là tham vọng không của riêng ai.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tạo ra thuốc trường sinh bất lão.
Vậy bệnh do đâu mà có?
Theo y học cổ truyền, bệnh là do lão hóa mà ra. Lão hóa là hiện tượng thoái hóa rất tự nhiên của mọi sinh vật. Sinh vật được cấu trúc bởi vô số tế bào, những tế bào này được thay thế, được tái cấu trúc, nhờ vào dinh dưỡng, từ khi bắt đầu sự hiện hữu của chúng và trong quá trình thay thế lại xuất hiện dần dần hiện tượng lão hóa, nghĩa là mất dần tính nhạy bén, nhạy cảm, thích nghi với môi trường sống. Đó là sự bi thảm mà đã là người khó ai tránh được và điều tất yếu phải đến là cái “chết’’.
Y học hiện đại cho rằng lão hóa là do sự suy thoái chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học dựa trên kết quả của các nghiên cứu y sinh học gần đây đã đưa ra các cách giải thích khác cho sự lão hóa.
Thuyết về thần kinh nội tiết cho rằng testosteron kích thích tổng hợp protein cơ, giảm giáng hóa và cải thiện tình trạng tái sử dụng các acid amin để duy trì sự cân bằng khối cơ ở người trẻ. Đây là một nội tiết tố chính trong hệ trục “vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục” trong cơ thể, được coi là người nhạc trưởng chỉ huy toàn bộ dàn nhạc giao hưởng sinh học. Chúng có một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sinh học của cơ thể là duy trì sự thăng bằng hoạt động của các cơ quan và chi phối quá trình lão hóa. Tương tự testosteron ở nam giới, ở nữ giới người nhạc trưởng này chính là estrogen. Nồng độ các hormon này bắt đầu tăng lên khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì và đạt đỉnh điểm khi chúng ta ở giai đoạn trưởng thành. Sau đó chúng sẽ giảm dần theo sự gia tăng của tuổi tác, với tốc độ suy giảm khoảng 0,8 - 1,6% mỗi năm. Người ta thấy rằng, sự suy giảm hay thiếu hụt các loại hormon này làm cho sự già nua đến với chúng ta sớm hơn và ngược lại sự già nua lão hóa lại là nguyên nhân làm cho tốc độ suy giảm các hormon này nhiều hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do sự suy giảm đáp ứng của tinh hoàn hay buồng trứng đối với các kích thích từ vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
Sự suy giảm các hormon này làm suy giảm chức năng nhận thức, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn rối loạn chuyển hóa, làm suy giảm đáng kể đời sống hoạt động tình dục và cuối cùng là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm trầm trọng.
Người ta cũng nhận thấy sự liên quan giữa các phản ứng dây chuyền của gốc tự do với quá trình lão hóa và già nua. Các gốc tự do được sinh ra từ các phản ứng ôxy hóa khử có ôxy, từ tế bào thực bào hoạt động trong phản ứng viêm, hay từ sự tiếp xúc với bức xạ ion hóa, tia tử ngoại, các chất xenobiotic...Những gốc tự do này gây thoái hóa protein, peroxy hóa lipid dẫn đến phá hủy màng lipid tế bào, tấn công vào DNA, hay hoạt hóa một số enzym... Các tổn thương này tích lũy dần, cuối cùng dẫn đến sự chết tế bào.
“Trường sinh bất lão” sự thật hay huyền thoại?
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khôi phục sự cân bằng nội tiết có thể làm chậm quá trình lão hóa, trả lại cho cơ thể trạng thái sung mãn, trẻ trung, kéo dài tuổi thanh xuân. Dựa trên những hiểu biết này mà ngày nay người ta coi việc bổ sung testosteron như một bài thuốc “cải lão hoàn đồng” giúp nam giới tìm lại tuổi xuân. Hầu hết các quý ông có cảm giác được trở lại cảm giác sung mãn của thời trai trẻ sau khi đưa được testosteron trở về nồng độ sinh lý bình thường.
Ngoài ra, các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y khoa Havard, Mỹ vừa thành công trong phát minh ra một loại enzym có tên gọi là telomerase. Loại enzym này đã chuyển hóa những chú chuột già nua, yếu ớt thành những chú chuột mạnh khỏe như thời trai trẻ sau khi tiêm vào cơ thể 1 tháng. Enzym này có tác dụng sửa chữa những tế bào bị hư hại và đảo ngược các dấu hiệu của lão hóa bằng cách tạo ra các neuron thần kinh mới trong bộ não của các con chuột. Nghiên cứu này có thể giúp họ vạch ra những chiến lược cải thiện tiềm năng tái tạo của các cơ quan nội tạng khi con người già đi và như vậy, giúp gia tăng chất lượng cuộc sống của người già.
ThS.BS. Nguyễn Hoài Bắc