Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 9/6, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 148,6 USD/thùng đối với xăng RON92; 154,2 USD/thùng đối với xăng RON95. Trong khi đó, giá dầu diesel có nhiều thời điểm còn vượt 170 USD/thùng.
Do đó, bắt đầu từ 15h chiều nay, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay.
Theo đó, trong đợt điều chỉnh này, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít.
Sau điều chỉnh giá xăng dầu trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 31.115 đồng/lít
- Xăng RON 95 không cao hơn 32.378 đồng/lít.
- Dầu diesel không cao hơn 29.024 đồng/lít.
- Dầu hỏa không cao hơn 27.836 đồng/lít
- Dầu mazut không cao hơn 20.351 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít.
Lý giải về việc giá xăng dầu liên tiếp phá kỷ lục trong thời gian qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chiều nay (13/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do giá trên thế giới tăng rất cao tính từ đầu năm tại thị trường Singapore. Đây là thị trường được lấy chuẩn xác định về giá cả đến ngày hôm nay tỷ giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới.
"Vậy là tăng từ 41,36% đến 84,35%; còn nếu chúng ta tính cùng kỳ năm ngoái thì biến động tăng 60,62% đến 123,36%. Được như vậy là do chúng ta sử dụng một cách hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu so với đầu năm giá xăng dầu nên chỉ tăng 24,42% đến 62,44%. Rõ ràng chúng ta vẫn phải điều hành theo giá của thế giới là xu hướng tăng nhưng mức tăng này giảm hơn so với giá tăng của thế giới", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải.
Cùng với đó, Bộ Công Thương thông tin thêm, hiện thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua tiếp tục có biến động mạnh. Nhu cầu xăng dầu được kỳ vọng tăng thêm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước trên thế giới tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh Châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Liên bang Nga; tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC+ gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Liên bang Nga.
Xem thêm video được quan tâm:
Quân nhân tử vong trên hồ: Công an vào cuộc làm rõ nguyên nhân | SKĐS