Không có dáng vẻ bề ngoài "râu hùm, hàm én, mày ngài" như mọi người vẫn tưởng tượng về một vị tướng, ông hiền lành, gần gũi pha lẫn nét khắc khổ của người đã qua nhiều gian nan vất vả, nhưng vẫn toát lên vẻ oai nghiêm, bản lĩnh của người lính, sự điềm đạm và chắc chắn như chính cái "nghiệp" mà ông đang khoác trên người, cái nghề mà ông đã cả đời phấn đấu, dựng xây. Ông là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Xin được gọi ông là "viên gạch đầu tiên" của ngành bỏng Việt Nam.
Tôi gặp ông lần đầu tiên cách đây gần chục năm, khi đó ông mới được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc. Ông có tâm sự rằng: "Chú lo lắm, không biết có chèo chống được con thuyền chòng chành này không". Bẵng một thời gian, do bận việc gia đình, tôi không gặp được ông thường xuyên. Một ngày, ông gọi điện thông báo Viện bỏng Lê Hữu Trác được đón nhận Huân chương Quân công hạng 3 vào tháng 12 này, tôi vội đến Viện với tâm trạng háo hức. Tiếp tôi tại phòng làm việc, vẫn khuôn mặt hiền hiền cởi mở, tác phong thân tình, chân chất kiểu nông dân rất thân thiện và gần gũi, Thiếu tướng GS.TS. Lê Năm bắt đầu kể về công việc của mình, về những chiến công của đồng nghiệp, về những vất vả mà ông và các đồng chí của ông đã trải qua.
Tuổi thơ và biển mặn
Quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh, sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn. Thời thơ ấu của Lê Năm, vùng ven biển miền Trung dường như nắng nóng hơn, nhiều gió Lào hơn, mùa đông rét hơn và bão cũng dữ dội hơn thì phải. Bởi thế cảm nhận của ông về tuổi thơ là những ngày tháng cơ cực nhiều hơn những niềm vui, những ngày đói nhiều hơn những bữa no. Mặc dù là con út, khi học cấp hai ông đã bắt đầu cuộc sống tự lập, vừa để đỡ đần gia đình, vừa để có tiền ăn học. Và cũng chính trong những ngày gian khó đó ông và những người anh em trong gia đình đã thấm sâu lời dạy của người cha: Chỉ có lao động, học hành cùng với lòng thương, tình đoàn kết mới giúp người ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Lời răn dạy của người cha - người Đảng viên năm 30 như một động lực siêu sức mạnh giúp ông vượt qua gió Lào và biển mặn, vượt qua những năm tháng tuổi thơ gian khổ.
|
Nghiệp chọn người
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, từng chứng kiến cảnh bệnh tật nghiệt ngã cướp đi sinh mạng của bà con chòm xóm, người thanh niên Lê Năm đã nung nấu ước mơ trở thành bác sĩ, được làm nghề "cứu nhân, độ thế" từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế mà suýt nữa ông đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng, hay một "ông đàm phán song phương" khéo léo cũng nên. Năm 1970, ngay trong kỳ thi đại học đầu tiên, "cầm lòng" với việc hồ sơ đăng ký vào trường Y bị gạt, ông đã có 2 năm làm sinh viên trường Thương nghiệp (Đại học Thương Mại ngày nay). Thời gian sau đó chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, ông lên đường nhập ngũ. Và, quân đội đã giúp ước mơ năm xưa của ông thành sự thật. Ông trở thành sinh viên Trường Đại học Quân Y (Học viện Quân Y ngày nay) khoá 1973. Dù không muốn nhưng vẫn phải tin, rằng cái số của ông là phải gắn với nghề "bốc thuốc chữa bệnh", với nghiệp xoa dịu nỗi đau, làm những vết thương liền sẹo - đúng nguyên nghĩa với chuyên ngành bỏng của ông hiện nay.
Lênh đênh tìm đường cứu nhân
"Ngày tốt nghiệp bác sĩ, tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó cả đời với chuyên ngành bỏng. Thế mà mọi thứ cứ như là cơ duyên..." - ông tâm sự. Năm 1979, nhận tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ quân y, ông được quân đội điều động về công tác tại một Bệnh viện Quân khu 4. Coi việc được phục vụ đồng chí, đồng đội, đồng bào ngay tại quê hương mình là một đặc ân, vì thế ông chẳng nề hà việc nhỏ hay lớn, chỉ cần việc đó cứu được mạng sống, mang lại niềm vui cho người bệnh. Sau ba năm gắn bó với bệnh viện tuyến cơ sở ông trở lại Học viện Quân Y học làm luận án tiến sĩ. Và đây chính là bước ngoặt của cuộc đời, là lúc số phận gắn sự nghiệp khoa học của ông với chuyên ngành bỏng.
Vào thời điểm đó, so sánh với các chuyên ngành khác của hệ thống y học nước ta, chuyên ngành bỏng vẫn ở một vị trí khiêm tốn. Khoa Bỏng - Viện Quân Y 103 vừa hoàn thành sứ mệnh chính trị trọng đại - phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc. Chuyên ngành bỏng cần phải tiếp tục được phát triển trong thời bình phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. GS Lê Thế Trung-người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng chuyên khoa bỏng, đã nhận định như vậy. Và cũng chính GS đã truyền cho ông ngọn lửa đam mê, hướng cho ông đi theo chuyên ngành bỏng.
Đến với chuyên ngành bỏng lúc đó ông như người lính chấp hành mệnh lệnh cùng với sự trăn trở, niềm đau đáu khi nhìn thấy những tai nạn thương tâm hơn là hiểu biết tường tận về chuyên ngành. Với bản tính sẵn sàng đối mặt với khó khăn, luôn mong mong muốn được học hỏi, ông lại ngày đêm lao vào công việc. May thay, ông luôn được các thầy dìu dắt, đặc biệt là được cử đi thực tập sinh ở Liên Xô (cũ) năm 1987. Đây chính là lúc ông tập trung nghiên cứu, tích luỹ một cách có hệ thống kiến thức chuyên ngành. Nhờ có những nỗ lực đặc biệt. Lê Năm đã được các GS. Liên Xô cho phép làm và bảo vệ luận án tiến sĩ ngay trong thời gian làm thực tập sinh. Trở về nước năm 1990, ông cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục lăn lộn, phát triển chuyên ngành. Có thể nói không quá rằng, trong gần 10 năm, từ một khoa bỏng nhỏ bé của Học viện Quân y lột xác thành Viện Bỏng quốc gia với cơ ngơi hoành tráng, đội ngũ y bác sĩ giỏi vào bậc nhất Việt Nam như ngày nay là nhờ sự chỉ huy tài tình của vị tướng Lê Năm. Năm 2000, GS. Lê Năm được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Bỏng quốc gia. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ cũng là ngày ông bắt đầu với những trăn trở lo âu. Làm thế nào để đưa "con thuyền" Viện Bỏng tiếp tục vươn xa. Những bài thuốc điều trị bỏng truyền thống mới chỉ cần nhưng chưa đủ đưa "con thuyền" Viện Bỏng đi ra biển lớn. Ông cũng tâm sự rất chân tình: "Bản thân tôi lúc đó cũng không thể hình dung ra được trong bỏng cần phải làm gì, phát triển như thế nào, mặt nào ta được và chưa được". Với bản chất ham học hỏi, cầu thị, dám nghĩ dám làm, ông thành lập các đoàn đi tham quan tại các bệnh viện trong nước với phương châm, cứ nơi nào làm tốt thì trực tiếp tới học. Thế rồi: "Tôi đã mừng rơi nước mắt sau khi được tham dự hội thảo bỏng quốc tế tại Pháp năm 2001 và từ đây, tôi đã tìm thấy chân trời của ngành bỏng Việt Nam"- Thiếu tướng tự hào kể lại.
Truyền thống phải được kết hợp cùng hiện đại, kỹ thuật cao và chỉ khi nào làm được kỹ thuật cao Viện Bỏng quốc gia mới có thể có tiếng nói với bạn bè quốc tế. Ông khát khao càng sớm càng tốt phải mang được kỹ thuật cao về cho Viện Bỏng. Và rồi đúng như "gái có công, chồng chẳng phụ" nhờ sự mở rộng quan hệ, học hỏi từ trong nước đến quốc tế, ông và cộng sự đã tìm thấy hướng đi, nhìn thấy chân trời mới cho Viện Bỏng. Bắt đầu từ năm 2001 hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai tại bệnh viện như kỹ thuật siêu lọc máu, kỹ thuật oxy cao áp, kỹ thuật ghép da mắt lưới với độ giãn lớn, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ, kỹ thuật giãn vạt da, kỹ thuật vi phẫu thuật... Kết quả đến như một điều kỳ diệu, nhiều bệnh nhân bỏng sâu, diện rộng đã được cứu sống - điều này trước đây gần như là không thể, nhiều bệnh nhân có diện tích bỏng sâu đến 78% và diện tích bỏng nông đến 90% đã được chữa khỏi hoàn toàn, tỷ lệ tử vong đã giảm từ 5-6% trước đây xuống chỉ còn 1-1,5%. Bệnh nhân bỏng trong cả nước tìm đến Viện Bỏng như một địa chỉ tin cậy. Bạn bè quốc tế biết đến Viện Bỏng như một cánh chim đầu đàn của ngành bỏng Việt Nam. Thành công đó, chiến thắng đó có công lao không nhỏ của ông, một cánh chim đầu đàn luôn có niềm đam mê cháy bỏng. Sự tìm tòi, sáng tạo và nghiêm túc trong khoa học của ông được đồng nghiệp, bạn bè gọi ông là “tình báo y tế” từ khi nào nay đã trở nên quen thuộc.
Vĩ thanh
Với vô vàn thành tích như mơ, nhưng GS.TS. Lê Năm chưa lúc nào hết những băn khoăn. Bệnh nhân đến với ông đa phần đều rất nghèo, bệnh lại nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời, tử vong là không thể tránh khỏi. Bằng tấm lòng nhân ái của con người sinh ra trong nghèo khó, lớn lên trong tình yêu thương, rồi phải tận mắt chứng kiến những đồng đội, những em bé, những bệnh nhân nặng chết trong đớn đau... với ông không bài toán nào không có lời giải. Những đêm thức trắng cùng nhân viên bên những bệnh nhân nặng, những tháng ngày dài miệt mài trong phòng thí nghiệm, những chuyến đi nhọc nhằn thu lượm kinh nghiệm và kiến thức từ đồng nghiệp... đã đem lại cho ông những giọt nước mắt hạnh phúc khi được tiễn những bệnh nhân tưởng như vô phương cứu chữa về với gia đình, về với cuộc sống của một con người đúng nghĩa.
Nói đến thành công của mình, ông chia sẻ: ông chỉ làm theo chữ tâm và đúng tầm của mình. Bên cạnh đó ông còn có cả một tập thể đoàn kết, cống hiến tất cả cho ngành bỏng. “Ông trời còn cho tôi một hậu phương vững chắc, nhân hậu, đảm đang hết lòng vì gia đình - đó là cô giáo mầm non Phạm Thị Trọng - người vợ yêu dấu”.
Cũng như mọi tâm hồn Việt, GS.TS. Lê Năm luôn hướng về cội nguồn, mọi thành công luôn có tổ tiên phù hộ. Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, ông cùng với cán bộ công nhân viên Viện Bỏng đã xây dựng được khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Xuân Trung - Xuân Giang - Hương Sơn - Hà Tĩnh thành một điểm sáng văn hóa lịch sử dân tộc. Sự ra đời của khu du lịch sinh thái này đã thỏa ước nguyện của vị tướng - ông mong muốn thế hệ trẻ sẽ luôn nhằm hướng tương lai tiến bước nhưng cũng biết nhìn lại phía sau để tôn kính tổ tiên, biết ơn người đi trước.
"Con thuyền" Viện Bỏng chắc chắn dám thách thức những con sóng lớn nhất để tiến xa hơn nữa khi có người chèo lái đầy quyết tâm, luôn vượt khó và giàu lòng nhân ái như ông.
Bùi Hà