Gánh nặng tâm lý ngoài sân khấu của thí sinh The Voice Kids

06-09-2013 11:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bỗng chốc trở thành "sao" trong một chương trình đang hot, các em đối mặt với không ít áp lực đến từ ánh đèn sân khấu, dư luận và sự cạnh tranh khắc nghiệt của truyền hình thực tế.

Bỗng chốc trở thành "sao" trong một chương trình đang hot, các em đối mặt với không ít áp lực đến từ ánh đèn sân khấu, dư luận và sự cạnh tranh khắc nghiệt của truyền hình thực tế.

Cách đây hơn một năm, câu chuyện Quỳnh Anh Got Talent "nói sáu thứ tiếng" đã trở thành một trong những scandal lớn của truyền hình thực tế. Bài học từ sự tổn thương tâm lý của Quỳnh Anh khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ kỹ trước khi cho con xuất hiện trên TV.

Giọng hát Việt nhí xuất hiện, mang theo kỳ vọng về một sân chơi phát hiện những tài năng âm nhạc nước nhà trong tương lai. Với các tiêu chí vừa hướng đến tính giải trí chuyên nghiệp, vừa chăm lo đời sống tinh thần cho các em, chương trình ban đầu tạo cảm giác yên tâm cho các bậc cha mẹ.

Gánh nặng tâm lý ngoài sân khấu của thí sinh The Voice Kids  1
 Phương Mỹ Chi vào top 3 của đội Hiền Thục.

Nhìn chung, chương trình đã thực hiện được một số cam kết: không scandal, phát hiện nhiều tài năng nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Hữu Đại... làm thỏa mãn khán giả với những màn trình diễn hay không thua kém các ca sĩ chuyên nghiệp. Rating của chương trình liên tục tăng, áp đảo hoàn toàn Giọng hát Việt. 

Thế nhưng, chuyện hậu trường không đẹp như ánh hào quang sân khấu mà các em đã và đang đứng mỗi tuần. Bước chân vào showbiz một cách vô thức, các em và cả gia đình đều không lường hết được những áp lực vô hình, không chỉ từ phần dự thi trên sân khấu hàng đêm. 

Vũ Song Vũ từng chia sẻ, có rất nhiều bình luận trên mạng xúc phạm em khi so sánh bài em hát với những bài cover tung ra trước đó. Điều đó khiến em bị tổn thương. Chưa hết, ngoại hình thay đổi quá nhanh cùng phong thái chững chạc của cậu bé khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng và cảm thấy khó chấp nhận. Cậu bé nhỏ nhắn hát My heart will go on từng khiến rất nhiều khán giả truyền hình bật khóc cách đây một năm giờ bị gọi là "ông cụ non". Điều này gợi nhớ trường hợp bé Xuân Mai bị quay lưng khi hát các ca khúc teen, chỉ vì hình ảnh "con cò bé bé" ngày nào đã thành "bất tử" trong lòng người hâm mộ.

Cuộc sống gia đình Thùy Mai ít nhiều đảo lộn bởi bên cạnh sự cảm thông, nhiều người cũng không đồng tình với cách bố em đem hết chuyện nhà lên facebook. Cao Khánh, chàng trai thích hát nhạc Cách mạng cũng bị chỉ trích vì được vào đến bán kết dù giọng ca được đánh giá là không quá xuất sắc. 

Gánh nặng tâm lý ngoài sân khấu của thí sinh The Voice Kids  2
 Sự hồn nhiên của các thí sinh nhí là điểm cộng thu hút nhất của chương trình. Đáng tiếc, càng vào sâu, những nụ cười này càng ít đi.

Khi các em thể hiện những ca khúc tiếng Anh hoặc tiếng Việt quá sức, khán giả không hài lòng. Nhưng nếu hát những bài thiếu nhi như Đi học, bản thân các em lại bị thiệt thòi vì không khoe được nội lực. Để đáp ứng yêu cầu của format, các em phải gồng mình "lột xác", cống hiến cho khán giả những giây phút thăng hoa trong khi tình trạng sức khỏe không ổn định. 

Ngay cả Phương Mỹ Chi, em nhỏ hiền lành với dòng nhạc dân ca mùi mẫn cũng bị "soi" kỹ khi trở thành "sao". Từng khiến khán giả rơi nước mắt vì ca khúc Quê em mùa nước lũ, thế nhưng khi đến vòng liveshow, sự an toàn và kiên định với thể loại dân ca khiến em nhận nhiều lời chê "nhàm chán quá, thiếu bứt phá"... Hình ảnh Mỹ Chi trong các event, show diễn với chiếc iPhone 5 mới cũng được cập nhật liên tục kèm theo những bình luận trái chiều. 

Vì quá yêu Mỹ Chi mà một loạt fan đã cùng nhau chỉ trích ban tổ chức "dìm hàng" em, khi một bản fancam của Lòng mẹ được tung lên mạng với chất lượng được cho là hơn hẳn bản truyền hình. Một lần nữa, khán giả lại vô tình đẩy các em vào cuộc chiến của những người lớn.

Dẫu ban tổ chức và huấn luyện viên luôn hướng đến tiêu chí vui chơi và học hỏi là chính, sự khắc nghiệt của truyền hình thực tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em.

Vòng Đối đầu luôn được xem là vòng căng thẳng và khó xử nhất, khi các cô cậu bé phải loại hai người bạn thân thiết của mình. Dù ra đi hay ở lại, em nào cũng khóc, cũng tiếc nuối, thậm chí day dứt khi vì mình mà hai người bạn phải ra đi.

Đến vòng liveshow, tâm lý thi cử vẫn thể hiện rõ trên gương mặt căng thẳng của các em. Nước mắt ngắn dài dù đã cố gắng kìm nén, cô bạn nhỏ Thùy Mai buồn rười rượi vì hát không tốt như mong đợi. Hồ Văn Phong cũng khiến huấn luyện viên và MC đều bối rối, người đoán em khóc quá nhiều vì sắp phải xa chương trình, người cho rằng đó là vì cảm xúc dâng trào. Càng tiến sâu, cơ hội đăng quang càng gần thì cảm giác phải dừng lại khiến nhiều em cảm thấy nuối tiếc, hụt hẫng. Cứ đến màn công bố kết quả, khán giả không khỏi thở dài khi nhìn các em nắm tay nhau mà run bần bật.

Một phụ huynh chia sẻ với PV: "Người lớn can thiệp quá nhiều đến tâm lý bình thường của các cháu. Con tôi bị rớt ở vòng Đối đầu, cháu đã rất buồn mà phải chờ ban tổ chức quay các bạn kia xong, khi nào máy quay lia vào gia đình tôi rồi mới được khóc. Nếu em nào đã khóc rồi thì được yêu cầu... khóc tiếp cho chân thực". Tương tự, cách quay và biên tập các video hậu trường "chuyện đời tự kể" cũng vô tình biến các thí sinh trở thành "diễn viên không chuyên" với những câu chuyện dễ lấy nước mắt khán giả. 

Gánh nặng tâm lý ngoài sân khấu của thí sinh The Voice Kids  3
 Cuộc thi nào cũng có người đi tiếp, người dừng lại. Nhưng những giọt nước mắt của các bé khiến khán giả không khỏi chạnh lòng vì sự khắc nghiệt của truyền hình thực tế.

Là sân chơi dành cho trẻ em nhưng với những gì đã diễn ra, có thể thấy quyền lợi của các em vẫn chưa được ưu tiên đúng nghĩa bởi nhiều lý do khách quan. Đơn giản, khung giờ 21h30-23h30 được xem là "giờ vàng" của VTV3, nhưng lại là thời gian đa số khán giả nhí đã lên giường ngủ. Để phát đủ trong thời lượng này, ngoài quảng cáo, chương trình còn vô số những tiết mục "bên lề" thử thách kiên nhẫn của khán giả. Đêm chung kết cũng diễn ra sau lễ khai giảng vì lịch phát sóng còn phụ thuộc vào các chương trình khác. 

Nhiều độc giả sau khi xem xong "nhật ký đưa con đi thi" của bố Thùy Mai đã thắc mắc: "Sao ban tổ chức thuê được bác sĩ tâm lý mà không tặng được một món quà lưu niệm cho các em bị loại sớm?". 

Sau đêm chung kết vào tối thứ bảy 7/9, ba thí sinh cuối cùng của Giọng hát Việt nhí sẽ trở về với cuộc sống bình thường. Dù "ngọc thô" đã được phát hiện, chuyện "mài ngọc" thế nào, đưa các em đi xa đến đâu vẫn là câu hỏi ngỏ. Trong khi đó, mối quan tâm nhất của các phụ huynh là làm sao để con em theo kịp bạn bè ở trường lớp sau hơn ba tháng được làm "sao".
 
Theo VnExpress

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn