Gameshow Việt - Nỗi lo còn đó

13-04-2010 11:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong bối cảnh cả nước đang khuyến cáo "người Việt dùng hàng Việt" thì dường như trên sóng truyền hình, các gameshow Việt vẫn phải chịu sự "cạnh tranh" quyết liệt của các gameshow ngoại.

Năm 2010 là năm thứ 10 liên tiếp gameshow Đường lên đỉnh Olympia (ĐLĐO) phát sóng trên VTV3. Đây là một kỷ lục mới của làng gameshow Việt. Nhưng còn đó không ít những khoảng trống đáng lo cho gameshow Việt.

Xác lập kỷ lục mới

Hiện nay, khái niệm gameshow ngoại và gameshow nội chỉ cách nhau một đường biên lờ mờ, chưa được định hình, gọi tên rõ ràng. Hơn thế, với nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình thì một gameshow mua bản quyền nước ngoài nhưng kịch bản chi tiết do những người sản xuất chương trình truyền hình của Việt Nam viết, ê-kíp sản xuất từ biên tập, quay phim, kỹ thuật đến người chơi đều là người Việt thì cũng có thể gọi là gameshow Việt... Tuy vậy, xét cho tận cùng cũng có thể chia thành 2 loại: gameshow thuần Việt và gameshow mua bản quyền kịch bản từ nước ngoài.

Đồ rê mí - Một trong những gameshow thuần Việt hiếm hoi còn phát sóng.

Nhìn lại dòng chảy gameshow nói chung, gameshow Việt đã có không ít chương trình gây được ấn tượng với khán giả màn ảnh nhỏ như SV 96, Bảy sắc cầu vồng, Ở nhà chủ nhật, Rung chuông vàng... Thành công của những gameshow này một phần vì các chương trình này được trình làng trong bối cảnh gameshow vẫn là món ăn mới của khán giả truyền hình và chưa bị bội thực gameshow như hiện nay. Khán giả Việt dường như đón xem những gameshow này hào hứng hơn bởi những phần chơi gần gũi với phong tục, tập quán của người Việt. Những MC của nhà đài tham gia gameshow này cũng chính là những người tâm huyết và được nhìn nhận là có thương hiệu như MC Lại Văn Sâm với SV 96, MC Bùi Thu Thủy với Ở nhà chủ nhật, MC Tạ Bích Loan với Bảy sắc cầu vồng...

Thế nhưng, gameshow Việt đang dần lui bóng, rơi rụng dần theo năm tháng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các gameshow ngoại được mua bản quyền sản xuất, phát sóng tràn lan trên các kênh đài truyền hình như hiện nay. Trước thực trạng ấy, gameshow ĐLĐO xác lập kỷ lục mới về  tuổi thọ lớn nhất của một gameshow Việt thực sự là một tín hiệu vui. Bởi gameshow được nhiều khán giả yêu thích là Ở nhà chủ nhật cũng chỉ tồn tại được lâu nhất là 9 năm rồi "đóng cửa". Trong khi đó, năm 2010 là năm thứ 10 liên tiếp VTV3 tổ chức thực hiện sản xuất và phát sóng gameshow ĐLĐO. Công bằng mà nói, đã có những thời điểm gameshow ĐLĐO tỏ ra đuối sức, xuống dốc so với đỉnh cao cũng như thời điểm gameshow này mới trình làng trên sóng VTV3. Bên cạnh đó, không ít lần gameshow này phải thay MC, đổi form... cũng đã khiến cho lượng người xem tụt giảm đáng kể.

Nỗi lo còn đó

Vượt qua tuổi thọ của Ở nhà chủ nhật để xác lập "kỷ lục mới" nhưng cho đến tận năm thứ 10, ĐLĐO vẫn còn tồn tại những lỗi nhỏ đáng tiếc. Đơn cử như trận chung kết của năm thứ 9, gameshow ĐLĐO có những 5 đối thủ, trội hơn những năm khác 1 đối thủ chỉ vì lỗi kỹ thuật... Đấy là chưa nói trên "bức tranh" gameshow truyền hình, gameshow ngoại vẫn át gameshow nội.  Chỉ tính riêng VTV và HTV mỗi tuần có khoảng 40 gameshow phát sóng, thế nhưng gameshow nội chỉ tính được trên đầu ngón tay. Chẳng hạn trên VTV3 hiện có gần 20 gameshow phát sóng nhưng chỉ có 4 gameshow thuần Việt là Vui khoẻ có ích, Chắp cánh thương hiệu, Đồ rê mí và ĐLĐO.

Đường lên đỉnh Olympia có tuổi thọ lớn nhất của một gameshow Việt thực sự.    Ảnh: TL

Có một thực tế là đa số gameshow "hot" đều được phát sóng trong khoảng thời gian từ 20h đến 21h - vẫn thường được xem là "khung giờ vàng" như Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng, Trò chơi âm nhạc, Đấu trường 100... Trong khi đó, dường như không có gameshow thuần Việt nào kể trên có thể chen chân phát sóng vào "khung giờ vàng". Đấy là chưa nói, dù nỗ lực đeo đẳng suốt 10 năm qua nhưng cho đến giờ gameshow ĐLĐO vẫn chưa định hình được form thật vững chắc, vừa đảm bảo tính hấp dẫn khán giả lại vừa tạo sự dễ dàng, nhanh chóng trong khâu sản xuất. Như một lẽ đương nhiên đáng buồn, hiện chưa có gameshow thuần Việt nào được các nhà sản xuất nước ngoài quan tâm, tỏ ý muốn mua bản quyền sản xuất, phát sóng. Nghĩa là cánh cửa xuất ngoại của gameshow Việt vẫn chưa hé lộ, dù kỷ lục về tuổi thọ của một gameshow thuần Việt còn sẽ được xác lập những đỉnh cao mới.

Trong bối cảnh cả nước đang khuyến cáo "người Việt dùng hàng Việt" thì dường như trên sóng truyền hình, các gameshow Việt vẫn phải chịu sự "cạnh tranh" quyết liệt của các gameshow ngoại mà gần như chưa có chính sách ưu đãi nào dành riêng cho gameshow Việt của các nhà đài. Khán giả cũng đón xem những gameshow trên truyền hình một cách vô tư mà hầu như không nhiều người có thể biết đâu là gameshow Việt, đâu là gameshow ngoại. Nên chăng, trong clip quảng cáo ngắn ngủi giới thiệu gameshow ĐLĐO cũng như gameshow Việt nói chung, nhà đài nên thông thoáng thêm một câu đơn giản - "Đây là gameshow thuần Việt". Ít nhiều, câu nói đơn giản ấy sẽ thu hút khán giả đến vơi gameshow Việt nhiều hơn.

Anh Bảo


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn