Ý tưởng của những người làm dự án game show "Hà Nội 36 phố phường" là thông qua cuộc chơi này, với việc tìm hiểu truyền thống lịch sử Hà Nội xưa và nay, mong sẽ là một phương án giáo dục thiết thực về Hà Nội cho cả cộng đồng.
1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện văn hóa, lịch sử lớn, không chỉ là một đại lễ riêng của Hà Nội mà còn có vị trí quan trọng đối với cả dân tộc trong thời kỳ phát triển, hội nhập. Từ năm 2007, một nhóm nghệ sĩ điện ảnh đã tâm huyết với sự kiện này và xây dựng dự án làm một game show truyền hình về Hà Nội. Trong số 10 dự án gửi về Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, game show Hà Nội 36 phố phường là một trong bốn dự án được duyệt để thực hiện.
|
Về thực chất, Hà Nội 36 phố phường là một trò chơi trên truyền hình, trong khi hầu hết các game show trên truyền hình hiện nay đều nhập format của nước ngoài thì nét khác biệt của Hà Nội 36 phố phường là một game show thuần Việt, thậm chí thuần Hà Nội. Tính đại chúng của nó là một chương trình thuần Việt nhưng lại tiếp cận được với thông tin hiện đại nên đối tượng người chơi bao gồm tất cả người dân quan tâm đến Hà Nội, thậm chí cả người nước ngoài. Điều hấp dẫn của game show chính là ở chỗ nó không phải là cuộc thi kiến thức về Hà Nội mà là game show truyền hình thực tế với ngôn ngữ hình ảnh và những tình huống thú vị xảy ra trên đường phố, tại các địa danh của Hà Nội đưa đến cho các đội thi và khán giả truyền hình những hình ảnh mới lạ, những tình cảm sâu sắc, những hoài niệm đẹp của vùng đất kinh kỳ hào hùng, thanh lịch. Nghĩa là ngoài một số sự kiện lịch sử đã được ghi trong sử sách, chương trình mở rộng ra cả việc tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của người Hà Nội xưa và nay. Vì là chương trình truyền hình thực tế nên người chơi không được tập luyện mà phải tự tìm hiểu để có những kiến thức nhất định về Hà Nội. Người chơi phải giải mã các câu đố và lên đường tìm kiếm câu trả lời. Trong hành trình, họ trải qua rất nhiều thử thách và buộc họ phải ứng xử theo phong cách của người Hà Nội thanh lịch và trí tuệ. Chẳng hạn trong một số kịch bản, người chơi đi tìm thanh gươm của Lê Lợi, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn hoặc có chương trình hướng đến ngày Toàn quốc kháng chiến..., họ sẽ được gặp các nhân vật từng tham gia sự kiện này. Ngoài kiến thức về lịch sử, văn hóa của Hà Nội, người chơi cũng phải trải qua những phần tương đối khó như trình bày các tác phẩm nghệ thuật của chính mình, đề xuất ý tưởng giải quyết những bài toán khó của Hà Nội hiện nay như giao thông, quy hoạch đô thị, ô nhiễm môi trường... Đó chính là thực tế khi thành phố đã đô thị hóa, bên cạnh những sự kiện lịch sử thì có cả những lộn xộn của thành phố. Vì thế khác với các trò chơi khác chỉ thực hiện trong trường quay và trả lời kiến thức từ ngân hàng câu hỏi, Hà Nội 36 phố phường sẽ đưa khán giả đến từng ngóc ngách của thủ đô ngàn năm văn hiến, máy quay sẽ ghi lại hành trình của những người chơi. Theo chân người chơi, người xem có dịp hiểu thêm về Hà Nội, từ những con đường đến các công trình kỷ niệm, các nét sinh hoạt của người dân... Trong hành trình đó, những hình ảnh minh họa đẹp và thuyết minh về các địa danh Hà Nội, về văn hóa ẩm thực, về các làng nghề... lần lượt được giới thiệu.
Sẽ có 48 cuộc thi được phát sóng trên kênh VTV3 và VTV4 của Đài THVN bắt đầu từ tháng 10/2009 và kết thúc vào dịp đại lễ 10/10/2010. Trường quay được thiết kế đặc trưng Hà Nội với bóng dáng 36 phố phường nối nhau trên màn hình. Đặc biệt trên phố còn có các cảnh sinh hoạt của người dân như người bán cốm, bán hoa tươi, người đạp xích lô... do các diễn viên đảm nhiệm. Đây có thể coi là một sân chơi lành mạnh cho người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ trong quá trình thành phố Hà Nội tiến tới 1000 năm tuổi. Đồng thời game show này cũng là một hình thức quảng bá hữu hiệu hình ảnh Hà Nội với truyền thống lịch sử tới bạn bè quốc tế, góp phần tăng vị thế cho Thủ đô.
Phạm Linh Chi