'Ép' học sinh không nên thi vào lớp 10 là hành động 'phi giáo dục', tàn nhẫn với học sinh

27-04-2023 11:11 | Thời sự
google news

SKĐS - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, việc giáo viên "ép" học sinh không thi vào lớp 10 các trường THPT công lập vô tình đã tạo cho các em tâm lý thất bại ngay từ đầu, làm học sinh nhụt chí.

Hà Nội kiểm tra việc 'ép' học sinh không thi vào lớp 10Hà Nội kiểm tra việc "ép" học sinh không thi vào lớp 10

SKĐS - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sau khi có dư luận về việc này.

Mấy ngày qua, một số phụ huynh ở Hà Nội bức xúc đã phản ánh việc giáo viên "ép" học sinh không được thi vào lớp 10 gây bức xúc trong dư luận.

Sau khi có thông tin về vấn đề này, ngay lập tức Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT của tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn, yêu cầu: rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có); quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chuyện này đã tồn tại nhiều năm và dường như năm nào cũng tái diễn khiến các em rơi vào hoàn cảnh này bị ảnh hưởng đến tâm lý, bị tổn thương đến sức khỏe tâm thần.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, hiện tượng giáo viên vận động, tư vấn học sinh không được thi vào lớp 10 trường THPT công lập là việc làm không đúng với chủ trương của Nhà nước. "Việc này là hoàn toàn sai, làm mất quyền lợi của học sinh. Theo tôi, đây là biểu hiện của bệnh thành tích và là hành động "phi giáo dục", là tàn nhẫn với học sinh".

Việc "ép" học sinh không nên thi vào lớp 10 gây ảnh hưởng đến tâm lý thế nào? - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, thực tế, học sinh đã được trường tuyển, đạt đầu vào. Sau 4 năm đào tạo, trường lại đẩy các em "ra rìa" trách nhiệm là sai hoàn toàn. Đối với các em học yếu kém, thầy cô cần tạo điều kiện giúp đỡ các em. Việc thi hay không là quyền của các em và phụ huynh, không phải quyền của các thầy cô.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc giáo viên "ép" học sinh không được thi vào lớp 10 công lập có thể gây ảnh hưởng tâm lý tới các em học sinh. Thay vì khích lệ, động viên học sinh thi vào lớp 10 làm mục tiêu phấn đấu xem năng lực của mình đến đâu để cố gắng thì việc làm này của thầy cô đã vô tình tạo cho các em tâm lý thất bại ngay từ đầu, làm học sinh nhụt chí.

Với những học sinh không có ý thức học thì việc này lại càng làm cho các em có tâm lý dễ buông xuôi, thiếu tự tin, thiếu mục tiêu sống, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của học sinh".

Chia sẻ với báo chí, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, nền tảng giáo dục phổ thông là rất cần thiết. Giáo viên chủ nhiệm hiện nay không đủ năng lực tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Việc ép buộc học sinh theo ý giáo viên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Không lo cho tương lai học sinh sau này thì cô hay nhà trường đừng nên áp đặt cho các em".

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, bây giờ phải quy hoạch lại giáo dục thủ đô, đặc biệt là các thành phố lớn thế nào để nâng cao tỉ lệ học sinh học công lập. Người dân đóng góp công sức tại sao bắt họ phải thế nọ thế kia không được như ý muốn. "Tôi đã từng chia sẻ, một chính quyền tốt thì phải đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Đằng này lại để người dân bức xúc chuyện con em thi lớp 10 hết năm này đến năm khác.

Việc đánh giá thành tích giáo viên, nhà trường qua kỳ thi vào lớp 10 cũng không có tính nhân văn, có tầm nhìn xa. Cần phải để tất cả học sinh được thi vào lớp 10. Tất cả hành vi mang tính ép buộc phải bị cấm vì tạo bức xúc cho giáo dục thủ đô".

"Trách nhiệm này thuộc về UBND Thành phố, không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Nhìn thấy nhu cầu học như vậy phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Phải cấp thêm đất mở trường, tại sao doanh nghiệp xin đất thì dễ mà trường lại khó khăn như vậy? Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học.

Sở GD&ĐT cũng phải chịu trách nhiệm khi không đủ khả năng tham mưu cho UBND quy hoạch phát triển giáo dục trung học. Sở chỉ đặt ra chỉ tiêu mà không tính được tương lai người học, nhu cầu lao động trong tương lai. Bao nhiêu học sinh nhà nghèo có thể học được trường tư hay giáo dục nghề nghiệp? Các em có nhu cầu trường công thì nên tạo điều kiện cho các em theo học. Còn trường hợp do hoàn cảnh gia đình, năng lực, thể trạng sức khỏe không thể học, không muốn học thì mới cho các em theo học nghề. Nếu tư vấn cho chính con em của các vị như vậy thì các vị có chịu không?".

Yêu cầu hiệu trưởng, trưởng phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm

Ngày 26/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT của tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn, yêu cầu: rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có); quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền HS không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên.



Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn