Hà Nội

Em ơi! Hà Nội - phố: Từ thi phẩm đến nhạc phẩm

31-10-2010 14:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phú Quang đã để lại một dấu ấn thật sự đậm nét trong đời sống văn chương cũng như âm nhạc của Thủ đô trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội vừa mới diễn ra.

Trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phú Quang đã để lại một dấu ấn thật sự đậm nét trong đời sống văn chương cũng như âm nhạc của Thủ đô trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội vừa mới diễn ra.

Từ một thi phẩm để đời...

Trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ được sáng tác trong vòng 10 ngày của tháng Chạp năm 1972. Hà Nội gầm rung đến tận ngõ phố, ngôi nhà và cả trong tâm trí của mọi người, bởi khi ấy tất cả quân và dân thủ đô đang phải gồng mình lên chiến đấu chống lại bom đạn B 52 của không lực Hoa Kỳ.

Nhà thơ Phan Vũ, sinh năm 1926, ở quê mẹ Hải Phòng, nhưng quê cha của ông ở Đà Nẵng. Mới 13 tuổi cậu bé Phan Vũ đã một mình tự "bay" vào Nam kiếm ăn sinh sống. Cách mạng tháng Tám thành công, ông hòa mình vào đội quân kháng chiến chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, ông định cư trong một căn xép nhỏ ở số nhà 52, phố Hàng Bún, Hà Nội. Ông là lớp người cùng thời với Quang Dũng, Phùng Quán, Lê Đạt,... và là nhà văn thế hệ đầu tiên, khi Hội Nhà văn Việt Nam mới thành lập, năm 1957. Giao du với các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và nghe nhạc của bà Thái Thị Liên là sở thích của ông. Nhà thơ Phan Vũ có khá nhiều thành tựu về sân khấu và điện ảnh, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ như: vở kịch "Lửa cháy lên rồi" (giải thưởng Văn học năm 1955), "Thanh gươm và Bà mẹ", kịch bản phim "Dòng sông âm vang”,... Ông từng là đạo diễn các phim: "Người không mang họ", "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại" (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu). Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tại TP. HCM, khi tuổi đã ngoài 70, cụ Phan Vũ lại "bay" sang miền hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh trong nước và quốc tế,...

Với "Em ơi! Hà Nội phố", nhà thơ Phan Vũ đã hiển nhiên trở thành một công dân Hà Nội "xịn" và "xịn" hơn rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở chốn kinh kỳ này, mặc dù gốc gác, quê quán cũng như thời gian sống và làm việc ở Hà Nội của ông chưa phải là tấm thẻ để có khả thanh toán sòng phẳng món nợ của ông với Hà Nội, mà nhiều người cho rằng chỉ có "Em ơi! Hà Nội phố" mới có thể làm được điều đó. Trường ca được viết về chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", một cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có trong lịch sử Hà Nội, diễn ra cách đây tròn 38 năm. Cuộc chiến đã trở thành quá vãng, nhưng những gì còn lại trong "Em ơi! Hà Nội phố" của Phan Vũ là vĩnh hằng và luôn còn tươi rói như mới hôm qua: Kỷ niệm/ Một con đường/ Một ngôi nhà/ Khuôn mặt ai/ Dừng trong khung cửa/ Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ/ Không tên người/ Không tên phố/ Người gửi không tên/ Ta còn em chút vang động lặng im/ Âm âm tiếng gọi/ Trong lòng phố...

Thơ viết về một cuộc chiến tranh tàn khốc đến thế, mà không có đạn bom, không có máu lửa, cũng không có chiến công và những người chiến thắng là một việc rất khó. Nhưng còn khó hơn gấp vạn lần là làm sao mà chiến tranh vẫn cứ luôn hiện hữu đâu đó trong từng con chữ, hình ảnh, giọng điệu,... làm ám ảnh tâm trí bao người. Có lẽ chỉ những nhà thơ có tâm và có tài như Phan Vũ mới làm được: Một tháng chạp/ Con đường ngẩn ngơ/ Dãy phố không người ở/ Những khu trắng nằm trong toạ độ/ Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ/ Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa/ Tất cả thí thân cho một mất một còn/ Lời thề ra đi của những người bỏ phố/ "Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!"/ Một tháng chạp/ Phường phố rền vang còi hụ/ Cái chết đến tự phương nào?/ Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?/ Giọng Hà Nội thật ngọt ngào/ Cô gái loan truyền tin bão lửa/ "Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!"/ Một tháng Chạp/ Cây bàng mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Nóc phố mồ côi mùa đông.../ Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố.... Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường!/ Một mình giữa bóng chiều sa/ Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

...Đến một nhạc phẩm được nhiều người yêu thích

Nhạc sĩ Phú Quang có nhiều ca khúc được công chúng mến mộ. Nhưng ông tỏ ra là người tinh nhạy khi năm 1985 đã "âm nhạc hóa" trường ca "Em ơi! Hà Nội phố", mặc dù lúc này thi phẩm của nhà thơ Phan Vũ mới chỉ được "xuất bản"... bằng miệng. Mãi sau đấy 23 năm (2008), khi ông tròn 82 tuổi, lần đầu tiên Phan Vũ mới đem nó xuất bản trong tập: "Phan Vũ- Thơ". Còn trước đây theo ông, mỗi lần đọc xong một bài thơ nào đó hay một đoạn của trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" ông đều "hóa" đi cho người vợ rất đỗi yêu quí của ông cùng "thưởng thức". Bà là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Phi Nga, người đóng vai nữ chính trong bộ phim truyện nhựa đen trắng đầu tiên của nước ta: "Chung một dòng sông".

Đã là người Hà Nội không một ai ít nhất một lần đã được nghe và nhẩm lại vài câu trong ca khúc "Em ơi! Hà Nội phố" của Phú Quang. Nhạc sĩ không chuyển thể toàn bộ trường ca hay một chương, đoạn nào đó sang ca khúc của mình, cũng không đổi tên nhạc phẩm mà vẫn giữ nguyên tên trường ca. Điều ấy chứng tỏ rằng, hoặc là nhạc sĩ Phú Quang rất trân trọng con người và thi phẩm của nhà thơ Phan Vũ, hoặc là nhạc sĩ thấy thi sĩ làm như vậy là quá hoàn hảo, mình không thể làm hơn, mà chỉ có thể "bớt" đi bằng cách tỉa gọt lấy những ý, hình tượng, ngôn ngữ,... nào phù hợp nhất với cảm xúc và tư duy âm nhạc của mình. Nếu một ai đó không hiểu rõ, chỉ nghe ca khúc hay đọc thơ không thôi thì sẽ thắc mắc là thơ có trước hay nhạc có trước và tại sao lại có một ca khúc và một bài thơ trùng tên nhau.

Xin thưa, đấy là cái "quái" của nhạc sĩ Phú Quang. Tìm được một bài thơ hay, thậm chí là bất hủ về Hà Nội của một bậc tài danh thơ như Phan Vũ, lại có những tâm sự, xúc cảm hợp với mình để chuyển thành ca khúc, thì để nguyên tên tác phẩm và tỉa gọt lấy những gì những gì mình thích và cần cho nhạc phẩm của mình là một diệu kế. Đấy không chỉ là một lời thầm cảm ơn, phục tài bậc đàn anh, mà là một ứng xử rất văn hóa vốn có của người Hà thành.

Nếu đem đối chiếu lời của nhạc phẩm và nguyên tác thi phẩm, sẽ nhận thấy tất cả chất lãng mạn, bồng bềnh, mà vẫn kín đáo, nhẹ nhàng của cốt cách người Hà Nội trong nguyên tác thi phẩm của Phan Vũ đã được nhạc sĩ Phú Quang "rút ruột" hết sang nhạc phẩm của mình. Nhất là khi ta nghe ca khác "Em ơi! Hà Nội phố" do cố NSND Lê Dung thể hiện thì mới ngấm hết được cái chất Hà Nội ở phía ấy. Sau này cũng có nhiều người thể hiện, nhưng nghe rất "phô", làm giảm đi rất nhiều giá trị thẩm mỹ của nhạc phẩm, cũng như những gì mà Phan Vũ gửi gắm trong thi phẩm của mình.

Nhưng công bằng mà nói, những gì rất Phan Vũ trong thi tứ, thì Phú Quang lại không thể nào thể hiện được trong nhạc phẩm của mình. Có thể do đặc điểm của hai loại hình nghệ thuật khác nhau, nên dù người nhạc sĩ có yêu thích và muốn đến đâu cũng không thể nào làm được. Cái mơ màng, bảng lảng cùng sự cô đơn của con người trong thời buổi chiến tranh loạn lạc ấy, mà người nghệ sĩ là đỉnh cao trong thi phẩm của Phan Vũ đã được nhạc sĩ Phú Quang thể hiện rất thành công, thậm chí còn có phần nâng lên về khía cạnh thẩm mỹ, do có sự hỗ trợ của âm thanh. Những gì gồ ghề, sần sùi, chất liệu thô ráp từ đời sống thực của Hà Nội tháng Chạp cách đây 38 năm thì âm nhạc đành chịu botay.com. Một nửa tình cảm của Phan Vũ về số phận con người đã được Phú Quang tung lên không gian mùa đông bao la mà u uất của Hà Nội, để rồi lắng đọng trong tâm trí bao người. Còn một nửa Phan Vũ suy tư, mạnh bạo, gai góc và quyết liệt trong sự bươn chải cuộc sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật thì hiện vẫn còn lại trong thi phẩm "Em ơi! Hà Nội phố" của ông. Hy vọng rằng cặp bài trùng Phan Vũ - Phú Quang sẽ đem đến cho công chúng của mình những đỉnh cao nghệ thuật mới để Hà Nội này, cuộc sống này càng đáng yêu và đáng trân trọng hơn gấp bội lần.

Thanh Thanh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn