Đường còn xa lắm!

11-10-2013 15:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

"Ðiện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập" là slogan của Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) 18 tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 11 - 15/10/2013. Liệu có thể có được điều này khi nhìn vào danh mục 23 phim truyện điện ảnh dự thi?

"Ðiện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập" là slogan của Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) 18 tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 11 - 15/10/2013. Liệu có thể có được điều này khi nhìn vào danh mục 23 phim truyện điện ảnh dự thi?

Con số 23 phim này có thật sự đáp ứng tiêu chí "dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập" của LHPVN 18 hay không khi điểm danh thì thấy phim được (bị) liệt vào "thảm họa" khá nhiều? Nó chiếm tỉ lệ gần một nửa 10/23: Đam mê, Hello cô Ba, Hit: Hoàng tử và Lọ lem, Mùa hè lạnh, Ranh giới trắng đen, Săn đàn ông, Yêu anh! Em dám không? Hiệp sĩ guốc vông, Giấc mộng giàu sang, Cát nóng... Trong danh mục phim tham dự có 3 phim chưa chiếu cho công chúng là: Sau ánh hào quang, Khùng, Và anh sẽ trở lại. Truyền thông cũng gần như không có thông tin gì về 3 phim này. Còn lại là các phim: Scandal - Bí mật thảm đỏ, Dành cho tháng 6, Đường đua, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật, Lạc lối, Nhà có 5 nàng tiên, Lấy chồng người ta, Cưới ngay kẻo lỡ và phim được chiếu mở đầu LHPVN 18 Những người viết huyền thoại.

Đường còn xa lắm! 1
 Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.

Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam

Đây cũng là tên một hội thảo khoa học vừa được tổ chức ở Hà Nội ngày 30/8/2013... Bởi theo sự lo ngại của giới làm điện ảnh Việt Nam, nguy cơ phai nhạt và mất đi bản sắc dân tộc trong điện ảnh Việt đang tới hồi báo động. Trong hội thảo, nhiều ý kiến về vấn đề này như GS. Hoàng Chương - đại diện của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam bức xúc: "Kịch bản văn học cho phim viết về cuộc sống con người Việt Nam nhưng lại phảng phất như chuyện xảy ra ở một nước nào đó ở phương Đông, phương Tây. Còn hình thức thể hiện cũng theo hành vi, lối sống của người nước ngoài thì làm sao có thể gọi là có tính dân tộc". Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì thẳng thắn hơn: "Xu hướng thương mại đang thịnh hành trong điện ảnh Việt Nam hiện nay đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim ảnh Việt Nam vốn có một thời. Nếu đem lồng tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Hoa vào các phim đang thịnh hành, ta không còn nhận ra phim Việt nữa".

Và rất đáng buồn là những gì trong hội thảo phản ánh về phim Việt, mang ra để "cân, đong" tính dân tộc trong số 23 phim tham dự LHPVN 18 thì quả đúng là như thế, bởi "tính dân tộc" trong các phim gần như mờ nhạt, thậm chí xa lạ đến hài hước như Lửa Phật. Còn nếu như nói có "tính dân tộc" trong các phim hài "nhảm" hay phim được liệt vào "thảm họa" thì chỉ là một sự khiên cưỡng nói cho có. Làm sao mà một Hello cô Ba có thể có "tính dân tộc" khi nó "mượn" một hình ảnh cô đào nổi tiếng của Hollywood làm font cho nhân vật chính. Hay Săn đàn ông, Yêu anh! Em dám không? Hiệp sĩ guốc vông, Giấc mộng giàu sang chỉ có thể nói "tính dân tộc" là vì câu chuyện xảy ra ở làng quê Việt, ở Việt Nam, nhưng hồn cốt của phim thì "lạc lối" như câu chuyện ở đâu đó, không phải ở Việt Nam với văn hóa, đạo đức xa lạ. Mà ngay cả với phim không thuộc hàng "thảm họa" thì "tính dân tộc" cũng mờ nhạt. Một Lạc lối hoàn toàn "lạc" bởi cách sống và hành vi của các nhân vật trong đó như không còn thuộc về người Việt Nam. Ai có thể chấp nhận một cô đồng nát vào nhà mua giấy cũ rồi chuyện qua chuyện lại thì ngay lập tức được ông chủ nhà trí thức mang lên giường? Nó tây còn hơn tây. Hay như nói Thiên mệnh anh hùng là phim dã sử nhưng nó chỉ "mượn" màu danh nhân lịch sử, sự kiện lịch sử để làm cái cớ cho một câu chuyện kiểu võ hiệp kỳ tình, đánh võ như múa, kỹ xảo đẹp mắt...

"Tính dân tộc" hay "đậm đà bản sắc dân tộc" là mục tiêu của điện ảnh Việt Nam nhưng xem ra để phấn đấu đạt được tiêu chí này có lẽ cũng là bài toán khó, như nhà biên kịch Đoàn Tuấn phát biểu: "Có rất nhiều biểu hiện khác trong phim của chúng ta mà ta hiểu nhưng bạn xem thì bạn không hiểu".

Tính nhân văn trong phim điện ảnh Việt

Trong danh mục phim tham dự LHPVN 18 không thiếu phim có tính bạo lực, điển hình nhất là Đường đua, một phim mà con người giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn và cả số phận của bản thân chỉ bằng bạo lực, dẫn đến kết cục là sự bế tắc ở ngay chính bản thân mình, không hiểu tính nhân văn ở đâu? Ngay như trong một phim về thế giới showbiz Việt Scandal - Bí mật thảm đỏ, những "sao" mặt hoa da phấn xinh đẹp, người của công chúng nhưng hành xử với đồng nghiệp như lưu manh, sẵn sàng phang guốc nhọn vào mặt nhau. Hay phim Lấy chồng người ta tưởng chừng chỉ là chuyện "xào xáo" trong quan hệ vợ chồng, nhưng thực chất là một phim bạo hành gia đình dã man. Một phim nghĩ rằng có thể lấy giáo lý Phật giáo để đưa con người về cuộc sống lương thiện thì cũng lại là một phim mà giải quyết cuối cùng cũng bằng vũ lực, bằng giết chóc, tàn sát như Lửa Phật. Ngay như phim ứng viên nặng ký cho Bông Sen vàng là Những người viết huyền thoại thì người xem cũng phải thắc mắc, sao để cho quá nhiều cái chết lặp đi lặp lại, cho dù là chiến tranh, cho dù bom đạn khốc liệt, nhưng có cần không cứ phải chết nhiều như thế mới là phim chiến tranh?

Tính nhân văn trong phim Việt cũng lấp lửng, chơi vơi, không rõ rệt lằn ranh để có thể thấy được thông điệp chân - thiện - mỹ trong cuộc sống...

Sáng tạo và hội nhập - Có hay không trong phim Việt?

"Hội nhập" đã là một tiêu chí hơn 10 năm nay của điện ảnh Việt Nam, nhưng có lẽ gọi là "hội nhập" thực sự thì phim Việt chưa đạt được đến tiêu chí này, kể cả các phim do đạo diễn Việt kiều làm hay hợp tác với nước ngoài. Cần hiểu chữ "hội nhập" không phải có "yếu tố ngoại" là hội nhập, mà là nội dung của phim với những vấn đề phản ánh mang những thông điệp có tính toàn cầu hay không, những vấn đề mà quốc gia nào cũng quan tâm.

Nhìn vào số phim tham dự LHPVN 18 thấy rõ những vấn đề chỉ là của cá nhân mình, nho nhỏ trong "nhà" mình, vụn vặt đời thường, hay "xinh xinh" như một cảm xúc lãng mạn, không có một phim nào đề cập vấn đề lớn hơn, vấn đề mọi người cùng quan tâm. Vì thế, tiêu chí "hội nhập" xem ra ở LHPVN 18 không có phim nào đáp ứng.

Còn sáng tạo, cũng không thể hiểu đơn giản sáng tạo là áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong các khâu xử lý hình ảnh, kỹ xảo, hậu kỳ... mà sáng tạo ở các thủ pháp làm phim, xây dựng câu chuyện phim, cách "kể" câu chuyện phim sao cho mới mẻ, hấp dẫn chứ không phải "câu khách" bằng các trò mua vui hài hước, tung quyền cước hay mang cảnh sex, tạo những chi tiết giật gân... Hầu như các đạo diễn đều rơi vào motip làm phim cũ, "kể" một câu chuyện phim đã không mới mà cách "kể" cũng như công thức mặc định. Ngay cả với bộ phim "sáng giá" nhất trong LHPVN 18 là Những người viết huyền thoại cũng không thoát ra khỏi công thức về một phim chiến tranh: bom rơi, đạn nổ, chủ nghĩa anh hùng tập thể, gương hy sinh dũng cảm, những tếu táo quen thuộc của lính...

Không biết có nên lạc quan khi nhìn thấy số phim điện ảnh tham dự LHPVN 18 dù số lượng nhiều hơn mấy LHPVN trước, dù Nhà nước - tư nhân đã không còn phân chia ranh giới, đã hoàn toàn bình đẳng. Vì chiếu theo tiêu chí của LHPVN 18 đề ra: "Hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, mới mẻ, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả" thì thấy đường còn xa lắm.

Minh Châu


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn