Đuối nước ở trẻ em, nỗi ám ảnh mỗi khi hè về

07-04-2023 14:41 | Xã hội

SKĐS - "Lại có học sinh chết đuối" là cụm từ được người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh ám ảnh nhất trong những ngày vừa qua. Thực trạng này đang là nỗi ám ảnh và lo lắng với những bậc phụ huynh khi mùa hè đang cận kề.

"Lại có học sinh chết đuối"

Mới đây nhất, vụ đuối nước thương tâm khiến hai em N.N.K.L. và T.B.Tr., (cùng SN 2012, trú tại thôn Trung Ngọc, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tử vong.

Theo đó, chiều tối ngày 5/4, một nhóm học sinh gồm 5 em rủ nhau đi tắm tại khu vực hồ chứa nước Vực Trống nằm trên địa bàn thôn Tân Bình, (xã Gia Hanh).

Trong lúc tắm, 2 em N.N.K.L. và T.B.Tr. bị đuối nước. Phát hiện sự việc nhóm bạn đi cùng đã hô hoán và gọi người tới ứng cứu. Tuy nhiên, khi người dân và lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vớt nạn nhân lên thì cả 2 em đều đã tử vong.

Cùng ngày, tại xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) người dân phát hiện 2 thi thể trôi dạt trên vùng biển. Hai nạn nhân được xác định em T.H.T.U. và em N.T.N.Q. (học sinh Trường THCS xã Nghi Quang (Nghi Lộc).

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nữ sinh mất tích khi tắm cùng nhóm bạn tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác nhận có 7 cháu bé là học sinh lớp 6 trường THCS Nghi Quang rủ nhau ra bãi biển chơi thì không may có 3 cháu bị đuối nước. Chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng trục vớt được thi thể 2 cháu U. và Q.

Quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện, gần khu vực hai nữ sinh tử vong, có 6 đôi dép để trên bờ. Nghi ngờ nạn nhân bị đuối nước có thể nhiều hơn, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tổ chức tìm kiếm, đồng thời nhanh chóng xác minh chủ nhân các đôi dép trên.

Nạn nhân thứ 3 được xác định là em H.T.T.T. (lớp 6B, Trường THCS Nghi Quang). Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp tìm kiếm cháu bé mất tích.

Trước đó không lâu, một vụ đuối nước tại biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cướp đi sinh mạng 3 em học sinh lớp 7 (Trường THCS Quang Trung). Theo đó, khoảng 13h ngày (25/3), một nhóm khoảng 10 học sinh lớp rủ nhau xuống biển Thạch Hải để tắm biển.

Trong quá trình tắm, nhóm học sinh sẩy chân xuống vùng nước sâu khiến 3 em đuối nước, mất tích.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng cùng người dân nỗ lực tìm kiếm thi thể các em học sinh.

Đến 14h cùng ngày, thi thể nữ sinh T.T.T.T. đã được tìm thấy. Khoảng 8h ngày 26/3, lực lượng chức năng và người dân tiếp tục phát hiện thêm thi thể nam sinh P.Q.T., tại biển Quỳnh Viên, cách vị trí gặp nạn khoảng 6km. Chiều ngày 27/3, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy thi thể nữ sinh N.N.T.

Những vụ trẻ em chết đuối cứ liên tiếp xảy ra cho dù đã có rất nhiều cảnh báo từ phía chính quyền, ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông. Nguyên nhân không chỉ là do trẻ luôn hiếu động, thích khám phá (nhưng lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm dưới nước) mà phần lớn do cha mẹ trẻ chưa quan tâm đầy đủ nên không bảo vệ được con em khỏi những tai nạn luôn rình rập.

Cả xã hội cần vào cuộc

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 4.

Thông điệp 3K - 3T phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Nghệ An, Hà Tĩnh là địa phương có số lượng ao, hồ khá lớn, mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh thường hay rủ nhau đi tắm, nô đùa sông suối. Vì vậy, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo thống kê, tại 2 địa phương này hàng năm đều có các trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, thậm chí có nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua, các trường hợp trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền phòng chống đuối nước. Song song với đó là những buổi thực hành được sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 5.

Một buổi tuyên truyền phòng chống đuối nước tại nhà trường ở Nghệ An.

Cô Hoàng Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thuận (xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh toàn trường. Đồng thời, cũng hướng dẫn các em học sinh thực hành tỉ mỉ.

Được trang bị những kỹ năng này mà vừa qua, 2 học sinh của trường đã cứu được một em nhỏ đuối nước trên địa bàn. Hai em đã tiến hành hô hấp nhân tạo, đẩy nước trong người em bé ra. Sau đó, nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.

Cô Thanh cho biết thêm, nhà trường sẽ tuyên dương hành động dũng cảm của hai em trước toàn trường và sẽ có thêm nhiều buổi học hướng dẫn phòng chống đuối nước.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 6.

Hà Tĩnh tổ chức nhiều chuyên đề phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Tại Hà Tĩnh, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị giáo dục trên địa bàn triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh năm 2023. Đây là hoạt động của ngành trong việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh và công văn của Sở LĐ-TB&XH về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn.

Trên tinh thần chỉ đạo của ngành giáo dục, các trường học tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh trên các kênh thông tin, qua các buổi chào cờ, phần mềm trực tuyến, xây dựng các cuộc thi, clip ngắn, tài liệu, tờ rơi, pano, áp phích… Từ đó, hình thành thói quen, kỹ năng chủ động phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, các tổ chức đoàn thể, gia đình trong quản lý học sinh, con em khi ở nhà vào ngày nghỉ, thời gian nghỉ hè năm 2023.

Để kịp thời, chủ động ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước gây ra, các cấp bộ Đoàn - Đội trên địa bàn Hà Tĩnh đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Đuối nước ở trẻ em, nỗi ảnh mỗi khi hè về - Ảnh 7.

Công trình "Điểm phao cứu sinh" ở Hà Tĩnh.

Ông Đặng Quốc Vũ - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước ở trẻ em, các cấp bộ Đoàn - Đội đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em trước mùa hè nắng nóng.

Vào những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa, các liên đội đã tổ chức trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội và phòng, chống đuối nước cho đội viên, học sinh; định kỳ 2-3/lần mỗi tuần tuyên truyền qua phát thanh măng non, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống đuối nước vào các hội thi, giờ học chính khóa; thường xuyên liên hệ, nhắc nhở, quán triệt phụ huynh về các biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại nhà; thiết kế, trang trí báo tường, tờ rơi, áp phích tuyên truyền…

"Hiện nay các tổ chức Đoàn trên địa bàn cũng tiếp tục triển khai, ra mắt các điểm phao cứu sinh, loa phát thanh tuyên truyền phòng chống đuối nước tại các điểm có nguy cơ cao, dễ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, đã và đang mang lại nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay", ông Vũ cho hay.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em. Trong đó, việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước.

Đuối nước ở trẻ không ngừng gia tăng, bác sĩ chỉ cách cấp cứu tại chỗ tránh hậu quả thương tâmĐuối nước ở trẻ không ngừng gia tăng, bác sĩ chỉ cách cấp cứu tại chỗ tránh hậu quả thương tâm

SKĐS – Ngày 10/10, Bệnh viện Nhi Trung ương lên tiếng cảnh báo tai nạn đuối nước ngay sau khi bệnh viện tiếp nhận thêm 3 trường hợp đuối nước ở tình trạng nguy kịch chỉ trong 1 tuần. Trước đó, chỉ trong ngày 3/9, đơn vị này đã tiếp nhận nhận 6 trẻ nhập viện do đuối nước ở độ tuổi từ 3-12 tuổi.

Nguyễn Sơn - Vũ Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn