Viêm mũi dị ứng là chứng bệnh phổ biến, rất hay tái phát, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh luôn nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, người bệnh có thể bị viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm xoang…
Theo Đông y, nguyên nhân là do phế khí và vệ khí hư không khống chế được phong hàn xâm nhập vào gây bệnh. Phương pháp chữa là bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn... Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y giúp làm giảm triệu chứng bệnh:
Thuốc nhỏ mũi: dùng cho bệnh nhẹ, lá cây hoa cứt lợn tươi 4g, tỏi 2 nhánh, 2 thứ giã nhỏ vắt lấy nước nhỏ vào mũi ngày 3-4 lần. Trong đó, cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát; vào 2 kinh thủ thái âm phế và thủ quyết âm tâm bào. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, tiêu thũng, trục ứ chủ trị viêm mũi xoang; Tỏi có allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Nước ép tỏi ức chế nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương. Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có tác dụng thông khiếu, giải phong, sát khuẩn, giải độc.
Nước ép hoa cứt lợn dùng nhỏ mũi chữa viêm mũi dị ứng.
Thuốc uống:
Bài 1: hoài sơn 16g, rễ vú bò (sao vàng) 20g, cam thảo 6g, nhục quế 8g, bạch chỉ 12g, tân di 12g, ké đầu ngựa 16g, tang bạch bì 10g, gừng 3 lát. Tất cả các vị trên cho vào sắc cùng 3 bát nước đến khi còn 1 bát. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 bát. Trong đó, bạch chỉ có vị cay hơi đắng, tính tân ôn, vào các kinh phế. Thường được dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang...; tân di có vị cay, tính ấm, quy vào kinh phế và vị. Có công năng tán phong nhiệt ở thượng tiêu, làm thông khiếu. Chủ trị các chứng như nhức đầu do phong, trị nghẹt mũi; ké đầu ngựa có tính ôn, vị ngọt, vào kinh phế có tính năng khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, giảm đau, chủ trị bệnh mũi xoang,… Ngoài ra, sử dụng cam thảo để bổ trung ích khí, hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc; nhục quế bổ hỏa, hồi dương, ấm thận, tỳ, tán hàn hoạt huyết, hóa khí,…
Bài 2: hoàng kỳ 16g, phòng phong 6g, bạch truật 8g, bạch thược 12g, gừng 2g, nhục quế 8g, đại táo 6g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Nếu bệnh mới chớm, chảy nước mũi nhiều thì gia thêm các vị tế tân 8g, ma hoàng 8g. Nếu bệnh nhân ăn kém, ngắn hơi gia thêm vị đẳng sâm 12g, hoài sơn 12g.
Lương y Trần Huy Thuấn