Dược lâm sàng triển khai chậm, vì sao?

26-01-2010 08:27 | Thời sự
google news

Phong trào "dùng thuốc hợp lý, an toàn" của nước ta có ta có từ thập niên 70 nhưng nội dung chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc chấp hành các qui chế, chế độ, chứ chưa thật mang tính chuyên môn đầy đủ như dược lâm sàng theo quan niệm hiện nay.

Dược lâm sàng đã được áp dụng ở các nước trên thế giới từ những năm 1960 nhưng ở nước ta mãi đến những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ trước mới được áp dụng. Tuy vậy, đến nay việc triển khai trong hệ thống cơ sở y tế vẫn còn khá chậm.

Một số khái niệm cần thống nhất

Dược lâm sàng (Clinical Pharmacy) là hoạt động dược tập trung trên người bệnh nhằm đảm bảo dùng thuốc an toàn - hợp lý (cũng là hiệu quả). Muốn làm điều này, dược sĩ lâm sàng (DSLS) phải dùng các kiến thức cơ bản chung về chuyên môn dược và  nhiều chuyên khoa (như dược lý, dược trị liệu, độc chất học...) và các kỹ năng giao tiếp với nhân viên y tế (với bác sĩ, điều dưỡng...), với người bệnh.

Theo đó, có thể hình dung dược lâm sàng gồm các việc: Giúp bác sĩ trong việc quyết định kê đơn - Kiểm soát các chống chỉ định, tương tác, liều lượng, nhịp tốc độ dùng thuốc - Giám sát các tác dụng không mong của thuốc (ADR), báo cáo về Trung tâm ADR - Tham gia vào Hội đồng biên soạn các phác đồ điều trị - Phổ biến các thông tin thuốc (thuốc mới, công dụng mới, tác dụng phụ mới, cách dùng mới..) và các ý kiến thống nhất tại hội thảo hay ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế (về các vấn đề này)- Giúp bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích- nguy cơ, hiệu quả - giá thành khi quyết định liệu trình. Tư vấn cho người bệnh về dùng thuốc (khi xuất viện) - Tham gia với thầy thuốc lập kế hoạch dùng thuốc điều trị cho người bệnh - Tham gia lập kế hoạch dùng thuốc điều trị cho đơn vị.

Dược lâm sàng đã có ở một số nước trên thế giới từ thập niên 1960, riêng các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Singapore) có muộn hơn nhưng cũng từ  năm 1990. Phong trào "dùng thuốc hợp lý, an toàn" của nước ta có ta có từ thập niên 70 nhưng nội dung chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc chấp hành các qui chế, chế độ, chứ chưa thật mang tính chuyên môn đầy đủ như dược lâm sàng theo quan niệm hiện nay. Cho nên dược lâm sàng có thể tính từ khi có các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế vào cuối những năm 1990 (tập trung ở các nơi  thí điểm thực hiện Chính sách Quốc gia thuốc).

Lễ tốt nghiệp dược sĩ đại học hệ chính quy khóa 33 và hệ chuyên tu khóa 28.

Vì sao việc triển khai công việc này chậm?

Có thể nêu lên dù chưa thật đầy đủ một số nguyên nhân:

Chưa nắm thật đầy đủ nội dung: Từ đó, chưa thống nhất chức năng nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, đào tạo nhân lực, định ra được các bước triển khai phù hợp. Chẳng hạn: Riêng về mặt tổ chức, mỗi nơi làm mỗi cách theo "cách hiểu của mình". Trong các trường đại học: Đại học Y Thái Nguyên  từ năm 2007 đã có bộ môn Dược lâm sàng nhưng chỉ có 4 nhân viên, chức năng nhiệm vụ chỉ nêu tổng quát là "giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học về dùng thuốc, tham gia công tác dược lâm sàng tại bệnh viện thực hành".  Đại học Y Dược TP.HCM  từ năm 1999 đã có "phân môn" Dược lâm sàng nhưng đến tháng 8/2008 vẫn nằm trong bộ môn ghép "Dược lý - Lâm sàng". Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức, một thành viên tham gia giảng dạy, thì nhà trường thấy sự cần thiết của việc giảng dạy chuyên khoa dược lâm sàng nhưng việc tách riêng thành một bộ môn còn thiếu nhiều điều kiện. Trong các bệnh viện cũng vậy: Nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh không có khoa,  phân khoa, thậm chí chưa có người chuyên trách. Chẳng hạn Bệnh viện tỉnh Quảng Trị, có 350 giường, chỉ có một dược sĩ đại học vừa làm Trưởng khoa Dược vừa làm Dược lâm sàng. Ngay tại các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện khá lớn ở TP. Hồ Chí Minh  có những nơi cũng chưa có khoa Dược lâm sàng như ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có  phân công một số ít dược sĩ làm dược lâm sàng chứ chưa tổ chức thành khoa.

Nội dung đào tạo và kiến thức: ở các nước tiên tiến  có một đội ngũ chuyên khoa gọi là Dược sĩ lâm sàng (DSLS), có chương trình đào tạo bài bản. Nếu ở ta chưa làm được như thế thì chí ít  cũng lấy dược sĩ đại học (theo tiêu chuẩn nào đó) đào tạo bổ sung thêm kiến thức chưa học hay chưa học kỹ trong đại học để thành chuyên khoa DSLS (như các DSCK I - DSCKII thuộc các chuyên khoa khác). Một chi tiết nhỏ: Ngoài những kiến thức kỹ năng (kể ra ở trên) DSLS cần có một cái nền cơ bản về kiến thức y khoa mới hiểu được thuốc, cách dùng thuốc, đặc biệt là các phương pháp trị liệu mới. Điều này phải được nhà trường đào tạo, phải tự rèn luyện. Nếu không như thế, sẽ dẫn đến cảnh  y dược không hiểu nhau, khó hợp tác.  Hiện nay ta lấy DSĐH (có tập huấn hay không có tập huấn thêm) làm Dược lâm sàng, chứ chưa có đội ngũ DSLS. Sự không thống nhất quan niệm, nội dung, phương pháp làm việc của đội ngũ không chuyên này là khó tránh khỏi.   

 DS. Hà Thủy Phước

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn