Hà Nội

Đừng "rước hoạ" cho con khi dùng bỉm giá rẻ, nhập nhằng xuất xứ

05-01-2022 16:19 | Thị trường
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lí muốn mua hàng "ngon, bổ, rẻ" của các mẹ trong thời dịch, nhiều mối hàng đã nhập về đủ chủng loại bỉm, nhiều nhãn hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chào bán với cái tên "bỉm nội địa Trung".

Dạo qua một số trang mạng xã hội và các các sàn điện tử, người tiêu dùng "hoa mắt" với nhan nhản các thương hiệu bỉm mới toanh được gắn mác "hàng nội địa Trung" như Supdry, Mijuku, Nanu, Hipgig, Mamabear, Bejoyle, Sumikko... Đánh trúng tâm lí của người tiêu dùng với giá thành cực rẻ, chỉ bằng nửa hoặc ⅓ so với bỉm chính hãng, cùng với những lời quảng cáo có cánh "Hàng nội địa cao cấp, mỏng, nhẹ, thấm hút tốt gấp 2-3 so với hàng chính hãng, chỉ phân phối tại thị trường nội địa với giá bán ưu đãi", người bán hàng đã nhanh chóng khiến các mẹ bỉm sữa "rút ví". 

Thêm vào đó, các đại lí và người bán còn biết "bắt thóp" tâm lí mẹ bỉm sữa thích "săn sale", "xả kho", "mua 2 giá sale mua 5 giá sỉ"… nên họ dễ dàng đặt mua bỉm online "nội địa Trung" cho con sử dụng mà không phải đắn đo, cân lên đặt xuống về giá cả.

Vẫn tiếp tục "chiêu bài" quảng cáo quen thuộc, người bán hàng những loại bỉm gắn mác "nội địa Trung" này đồng loạt làm hoa mắt, rối trí người tiêu dùng bằng những lời quảng cáo: "bỉm tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu, công nghệ của Mỹ, nguyên liệu Nhật".  

Bỉm "nội địa " nhưng không bán…ở nội địa

Khác hẳn với những chiếc bỉm hoàn toàn không có tem phụ trước đây khiến các mẹ bất an về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian gần đây hầu hết tã bỉm Trung Quốc đều được ghi tên nhà nhập khẩu trên bao bì sản phẩm khiến những chiếc bỉm này "uy tín" hơn hẳn. 

Trong khi đó, thử tìm kiếm tên những thương hiệu bỉm như Supdry, Mijuki, Nanu  trên các trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc bán hàng triệu loại sản phẩm như Taobao, Alibaba,... người tiêu dùng sẽ tìm mòn "con mắt" mà không thấy.

Đừng "rước hoạ" cho con khi dùng bỉm giá rẻ, nhập nhằng xuất xứ - Ảnh 1.

Tã trẻ em quảng cáo là hàng "nội địa" Trung nhưng thực chất là bỉm gia công giá rẻ tiệu thụ tại Việt Nam


Gần đây, Công an các tỉnh thành đã liên tục phát hiện, thu giữ số lượng lớn bỉm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể như ngày 1/7/2021, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) thu giữ hơn 7.000 sản phẩm bỉm không hóa đơn, chứng từ hợp pháp; trước đó Công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ gần 25.000 chiếc bỉm do nước ngoài sản xuất, không có nguồn gốc hợp pháp…

 Nhập nhằng ngôn ngữ nước ngoài đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc

Những chiếc bỉm được quảng cáo là "nội địa Trung" hàngxuất Mĩ, xuất Nhật, xuất Châu Âu với đủ thứ ngôn ngữ lẫn lộn trên bao bì từ tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Hàn. Tuy nhiên, chỉ cần dành vài phút để tìm kiếm thì người tiêu dùng đã phải "đặt dấu chấm hỏi" lớn cho những chiếc bỉm "cao cấp" này.

Chẳng hạn như tã trẻ em Mijuku được giới thiệu là hàng "xuất Nhật", "tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu thế giới" nhưng chỉ cần tìm hiểu sơ qua, người tiêu dùng đã thấy hoang mang khi có chỗ, nhãn hiệu bỉm này lại được ghi là "sản phẩm bỉm thuộc thương hiệu Việt, đóng gói tại Trung Quốc".

Đừng "rước hoạ" cho con khi dùng bỉm giá rẻ, nhập nhằng xuất xứ - Ảnh 2.

Những chiếc bỉm "tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu thế giới" đang trên đường nhập về Việt Nam tiêu thụ.

Cùng khai thác tâm lí chuộng đồ Nhật của các mẹ Việt, sản phẩm bỉm Nanu Baby quảng cáo trên mạng xã hội "chuyên xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam", "đạt hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng như Châu Âu, Bắc Mĩ, HACCP,...", nhưng giá thành lại rất "mềm", tuy nhiên khi tìm kiếm tên sản phẩm này trên trang web thương hiệu Quanzhou Hengyi Hygiene Products (in trên bao bì bỉm Nanu), không có kết quả nào hiển thị.

Tương tự, một nhãn hiệu bỉm "cao cấp" khác cũng được quảng cáo với các tiêu chí đánh trúng vào tâm lí các mẹ bỉm sữa ham "ngon, bổ, rẻ" là nhãn hiệu bỉm Hipgig được quảng cáo là thương hiệu của công ty Fujian Zhongrun Precision Industry Co. Ltd, song khi tìm kiếm tên sản phẩm trên trang web của công ty, không có bất kì kết quả nào hiển thị.

Hay nhãn hiệu bỉm Supdry được quảng cáo "dòng bỉm chất lượng Nhật, giá cả Việt Nam", được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, công nghệ Nhật. Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin về nhà sản xuất Quanzhou Tianjiao Lady & Baby's Hygiene Supdry Co., không có bất cứ kết quả nào hiển thị, chỉ có tên công ty Quanzhou Tianjiao Lady & Baby's Hygiene Supply Co., Ltd.

 Một nhãn hiệu bỉm khác được quảng cáo đình đám như sau: "Vượt qua các kiểm định khắc khe của FDA khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ; thị trường châu Âu: Đức, Pháp; lọt vào TOP 50 dòng bỉm bán chạy nhất trên Amazon cũng như được nhiều trang web uy tín..". Thử gõ "Mamabear" vào ô tìm kiếm của trang bán hàng nổi tiếng thế giới Amazon, kết quả tra cứu hiển thị ngay lập tức, cũng là bỉm Mamabear nhưng sản phẩm với bao bì, nhãn mác hoàn toàn khác với những bịch bỉm Mamabear đang bán tràn lan trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Và đáng nói là thông tin sản phẩm bỉm Mamabear này ghi rõ đây là thương hiệu của riêng Amazon, không hề có thông tin nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đừng "rước hoạ" cho con khi dùng bỉm giá rẻ, nhập nhằng xuất xứ - Ảnh 3.

Cùng tên nhưng sản phẩm bên trái mới là thương hiệu bỉm bán chạy nhất trên Amazon

Trẻ trả giá quá đắt vì bố mẹ ham mua bỉm rẻ

Giữa thị trường bỉm cực kì phong phú ở Việt Nam như hiện nay, không phải mẹ nào cũng chọn lựa được sản phẩm uy tín, chất lượng cho con mình sử dụng. Có thể vì giá thành rẻ trước mắt mà người tiêu dùng không lường được hết những hậu quả trẻ em phải gánh chịu khi sử dụng những sản phẩm bỉm kém chất lượng.

Chất lượng một chiếc bỉm được đánh giá dựa trên các tiêu chí như nguyên vật liệu sản xuất, khả năng, tốc độ hút nước, giới hạn vi trùng không gây bệnh, giới hạn nấm mốc… Theo các chuyên gia, những chiếc bỉm nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ thường sử dụng nguyên liệu giá rẻ, sản xuất gia công trên dây chuyền lạc hậu, không tuân thủ các tiêu chuẩn Quản lý chất lượng nghiêm ngăt. 

Để đưa ra thị trường những chiếc bỉm giá chỉ bằng ⅓, của bỉm chính hãng, các đơn vị sản xuất phải sử dụng nguyên liệu giá rẻ và thay đổi hàm lượng chất hóa học trong sản phẩm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới làn da non nớt của trẻ nhỏ. 

Sử dụng bỉm kém chất lượng, trẻ em có thể đối mặt 4 vấn đề rắc rối là: hăm tã, viêm da, nấm bộ phận sinh dục, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. 

Chuyên gia da liễu cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao từ tã bỉm giá rẻ bởi chất lượng thấm hút kém, quăn lại nhiều nếp sau một thời gian ngắn sử dụng gây khó chịu, mẩn ngứa, nhiễm trùng, thậm chí có thể gây ung thư nếu trên bề mặt của nó có chất tơ nhân tạo tạo độ hút thấm và chất dioxin (hoá chất này có trong chất tẩy trắng). Mặt khác, mức nhiễm nấm mốc ở các sản phẩm bỉm gia công gấp nhiều lần, mức nhiễm khuẩn cũng cao hơn lần so với sản phẩm chính hãng, chất lượng. Nếu dùng lâu, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn phần phụ...

 

 


Nguyễn Hoàng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn