"Sẽ làm cho đến khi nào người xem cảm thấy... chán thì thôi” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã từng nói như vậy khi dự án 500 tập phim “Những người độc thân vui vẻ” chuẩn bị lên sóng. Và giờ, câu nói ấy của anh đã trở thành sự thực khi phía VFC cho biết sẽ chấm dứt dự án phim sitcom dài tập này ở tập 171. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện để tìm hiểu về quyết định này…
- “Những người độc thân vui vẻ” đã đi được 1/3 quãng đường, vì vấp phải sự phản ứng trái chiều từ dư luận hay các nhà quảng cáo không mặn mà nữa mà VFC có ý định dừng lại?
- Đúng là chúng tôi sẽ ngừng sản xuất bộ phim này ở tập 171 thay vì tập 500 như dự kiến, song không phải là do chịu sức ép từ dư luận, cũng chẳng phải vì không “bán” được quảng cáo như nhiều người vẫn nghĩ. Phim đáp ứng được kế hoạch doanh thu nhưng VFC vẫn chủ động đề xuất lãnh đạo Đài dừng. Căn bản là phim không được như chúng tôi mong đợi.
![]() |
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải |
- Phim không được như nhà sản xuất mong đợi, mà vẫn “đắt sô” quảng cáo, anh có nghĩ chẳng qua vì nó được phát vào khung giờ "vàng" hay không?
- Đồng ý rằng việc phát trong giờ "vàng" là một trong những tiêu chí mà các nhà quảng cáo quan tâm, nhưng người ta cũng phải xem xét đến việc bộ phim ấy có người xem hay không, tỷ lệ người xem thế nào rồi mới dám đưa lên sóng chứ. Tôi tin bên cạnh một bộ phận người xem không thích thì vẫn có những người thích dòng phim này, nhất là những khán giả ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại hình thông tin.
- Vậy lý do chính phải chăng là ở khâu kịch bản?
- Nói thế thực ra cũng đúng. Khi bắt tay vào làm tiếp phần 2, VFC cũng muốn có sự chấn chỉnh, bổ sung thêm về mặt nội dung, điều tiết yếu tố để tăng tính hấp dẫn cho phim nên có đề nghị phía đối tác Trung Quốc gửi thêm kịch bản. Tuy nhiên sau khi đọc “lô” kịch bản mới này chúng tôi nhận thấy xu hướng khai thác vẫn là những câu chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt, dễ gây nhàm chán và không làm khán giả hào hứng nên quyết định dừng lại.
- Sao đến thời điểm này các anh mới nhận ra điều này?
- Khi phim phát sóng được một thời gian, cũng có ý kiến khen - chê trái chiều nhau, song chúng tôi cũng cần phải cân nhắc kỹ càng giữa việc thay đổi hay dừng lại để tránh việc “đẽo cày giữa đường”. Tuy vậy đến thời điểm này thì tôi nhận thấy việc thay đổi không mang lại hiệu quả bằng việc đổi hẳn sang cái mới. Làm phim sitcom cũng là cơ hội để các nhà biên kịch Việt Nam có dịp cọ xát, học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình. Qua bộ phim này, đội ngũ biên kịch Việt Nam đã có thể nhập cuộc, viết kịch bản độc lập chứ không còn phải mua bản quyền từ nước ngoài rồi Việt hóa nữa.
- Vậy theo anh, “Những người độc thân vui vẻ” không hấp dẫn, lỗi là ở khâu nào?
- Tôi nghĩ rằng phim không hấp dẫn, không có sức hút với số đông khán giả, lỗi đó không của riêng nhà biên kịch hay ai cả. Một biên kịch giỏi nhưng gặp phải một kịch bản nguyên gốc dở cũng không thể làm phim hay được. Cũng như thế, một kịch bản hay mà đạo diễn kém, hoặc một đạo diễn giỏi mà chọn nhầm diễn viên không có tài thì chất lượng phim chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
![]() |
“Những người độc thân vui vẻ” những tập đầu |
- Quyết định ngừng bộ phim, có phải là giải pháp cứu vãn tình thế cho thương hiệu của VFC?
- VFC không chỉ sản xuất bộ phim này. Ai làm phim cũng mong phim mình làm ra hấp dẫn, kết thúc đình đám nhưng không phải lúc nào điều mong muốn ấy cũng trở thành sự thật. Trên thực tế, những phim nhận được nhiều ý kiến phản hồi của khán giả tức là còn được khán giả quan tâm đến, chứ làm phim sợ nhất là không ai thèm nhắc đến. Khán giả vẫn có thói quen xem những bộ phim có cốt truyện mâu thuẫn, éo le, lắt léo, tình tiết khúc mắc, gay cấn trong khi “Những người độc thân vui vẻ” lại thuộc thể loại phim sitcom tình huống nên đương nhiên không thể đáp ứng được điều này.
- Anh có thể tiết lộ về kế hoạch làm phim tiếp theo của VFC?
- Hiện tại chúng tôi đang hướng vào một số phim về đề tài nông thôn Việt Nam những năm 60 - 70 trước đây. Ngoài ra VFC có dự định sẽ làm một bộ phim về Hà Nội để kịp ra mắt trong năm 2010 kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Phim nói về câu chuyện của một gia đình truyền thống Hà Nội xưa, trải qua bao thăng trầm biến cố về mặt thời gian, ly tán nhưng vẫn giữ đuợc cốt cách văn hóa tinh thần của người Hà Nội.
- Thế còn với phim sitcom thì sao, VFC có tiếp tục không?
- Trong tương lai chắc chắn VFC cũng không ngại việc bắt tay làm tiếp thể loại phim sitcom nhưng hiện nay thì chưa.