Hà Nội

...Đừng ngần ngại, hãy lên đường theo Bác chỉ sáng soi…

23-11-2019 05:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau chuyến về nguồn “Hành trình theo chân Bác” vào những ngày cuối tháng 9 năm 2019, BS. Nguyễn Trí Phú, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, đã dâng trào cảm xúc, “...Các bạn ơi, đừng bao giờ ngần ngại, hãy lên đường theo Bác chỉ sáng soi..."- Đừng vì cá nhân, đừng vì lợi lộc - Hãy biết cho đi vì Tổ quốc Lạc Hồng - Đất nước này nâng bước ta đi.”- Đừng vì cá nhân, đừng vì lợi lộc - Hãy biết cho đi vì Tổ quốc Lạc Hồng - Đất nước này nâng bước ta đi.”

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (1969 - 2019), Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế đã tổ chức chuyến về nguồn, thăm lại các di tích lịch sử, ôn lại những ngày làm việc miệt mài của Bác Hồ vì đất nước.

Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế đã đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến về nguồn kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hành trình theo chân Bác

Đoàn đã đi thăm chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), khu di tích lịch sử của Cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc 13/8/1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Ðại hội quốc dân đã họp tại đây ngày 16/8/1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và quân giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân.

Cũng trong chuyến đi, đoàn đã đến thăm khu di tích hang Pắc Bó nằm ở Trường Hà, tỉnh Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52km và cách thác Bản Giốc không xa. Vào năm 1941, Bác Hồ đã từ Trung Quốc vượt qua biên giới Việt - Trung trở về nước, Bác làm việc tại hang Pắc Bó để tránh bị phát hiện. Hàng ngày, Bác sống và làm việc trong hang, đặt tên cho con suối trước hang là suối Lê Nin, ngọn núi chứa hang là núi Các Mác.

Điểm đến cuối cùng của đoàn là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (thủ đô Hà Nội), nơi đặt thi hài của Bác Hồ, để người dân cả nước, đặc biệt là những người con miền Nam và khách quốc tế có thể tới viếng thăm vị cha già kính yêu. Nơi đây không chỉ là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà toàn bộ cảnh quan trong khu vực Lăng Bác chính là nơi hội tụ những tinh hoa về kiến trúc và không gian văn hóa của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đoàn đến Km 0 ở điểm đến Cao Bằng trên đường Hồ Chí Minh

Theo đồng chí Lê Tấn Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một văn kiện lý luận quan trọng của Đảng, di sản văn hóa thiêng liêng của dân tộc, thể hiện tinh thần, đạo đức cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”…

Di chúc của Người để lại là những trăn trở, tâm nguyện cho dân, cho nước để mọi người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; trong đó, việc quan tâm đến con người - không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn tạo điều kiện để con người vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

Không thể thiếu được chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đối với ngành y tế, chăm lo cho nhân dân không thể thiếu được việc chăm sóc sức khỏe người dân. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước và ngành y tế đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định  liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bao gồm Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng chính phủ Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ: Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới…; Quyết định số 6326/QĐ-BYT ngày 24/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Bảng kiểm tra Y tế dự phòng; 12 điều Y đức của Bộ Y tế ban hành; các thông tư  của Bộ Y tế hướng dẫn về công tác điều dưỡng và chăm sóc người bệnh trong bệnh viện…

Đồng chí Lê Tấn Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế, ghi lại những cảm tưởng khi đến dâng hương tại khu di tích Chiến khu Tân Trào

Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế có các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về y tế gồm 4 bệnh viện, 6 viện dịch tể, y tế dự phòng, trung tâm và 12 công ty dược làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch, sản xuất cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế… phục vụ cho khu vực phía Nam.

“Thực hiện di chúc của Bác, nhiều thế hệ cán bộ y tế đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ và gần đây là tình trạng quá tải bệnh nhân dồn về bệnh viện tuyến trên gây ra áp lực rất lớn trong công tác khám và điều trị… Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, các cơ quan y tế đã tích cực đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại và triển khai kỹ thuật ứng dụng mới trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị”, Đồng chí Lê Tấn Phong nhận xét.

Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc, “Lương y như từ mẫu”, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách - thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Phục vụ người bệnh tốt hơn

Để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, khối bệnh viện đã xây dựng, nâng cấp, mở rộng các khu thăm, khám, điều trị với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ được thường xuyên tập huấn nâng cao chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật cao như robot trong khám và điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh án, liên thông trong khám và điều trị… hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn.

Nhiều giải pháp hạn chế quá tải trong bệnh viện như: dịch vụ đăng ký khám và điều trị qua điện thoại giúp cho bệnh viện chủ động điều phối y bác sĩ thăm khám; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để phục vụ người bệnh tốt hơn; tổ chức triển khai thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, nhóm làm việc, mô hình “Báo động đỏ” phối hợp các bệnh viện chuyên khoa sâu trong cấp cứu, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành y tế Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc trong y học, nhiều thành tựu y khoa được ứng dụng rộng rãi trong điều trị đạt hiệu quả cao; đội ngũ y, bác sĩ luôn được tạo điều kiện tập huấn chuyên môn tại các quốc gia có nền y tế tiên tiến; ngày càng trưởng thành, có khả năng chuyên môn ngang tầm khu vực và các nước phát triển. Công tác ghép tạng đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Khối các Viện y tế dự phòng luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát, điều tra dịch tễ học các bệnh dịch có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Các viện cũng đã quan tâm hỗ trợ địa phương trong công tác truyền thông sức khỏe đến các hộ gia đình, trường học nhằm giúp cho người dân có những nhận thức đúng đắn và thay đổi hành vi, hợp tác tốt hơn với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.

Các công ty sản xuất dược có nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị kỹ thuật hiện đại tạo sản phẩm đa dạng, chất lượng… với phương châm “chất lượng là nhân cách của doanh nghiệp”, cải tiến, nâng cao chất lượng thuốc ngày càng tốt hơn, có khả năng cạnh tranh cùng thuốc ngoại nhập nhưng giá cả hợp lý, giúp cho bệnh nhân nghèo có khả năng điều trị bệnh tốt hơn.

Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế dâng hương tại khu di tích Chiến khu Tân Trào

Qua thực hiện di chúc của Người, mỗi bác sĩ, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được lời căn dặn của Người; luôn nhắc nhở nhau có thái độ giúp đỡ tận tình, ân cần nhiều hơn với bệnh nhân và gia đình, để cùng chia sẻ những khó khăn nhằm hướng tới sự hài lòng, sự phục vụ tốt nhất.

Ngoài ra, trong những năm qua các đơn vị trong khối cơ sở Bộ Y tế được học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa như: khối trường học, viện nghiên cứu với nhiều chủ đề “Blouse trắng làm theo lời Bác”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tiếp sức cùng bạn đến trường”, “Nghìn giọt máu yêu thương”,” Sinh viên 5 tốt”, “5 xung kích 4 đồng hành” …

BV Chợ Rẫy với khẩu hiệu bệnh viện “Chất lượng - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình” tổ chức nhiều dịp tuyên truyền ý thức chấp hành giao thông, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, tác hại thuốc lá, hiến máu cứu người … cùng phong trào “Ngày chủ nhật chia sẻ yêu thương” cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân khó khăn, nghèo; vận động phát miễn phí trên 4.500 suất ăn mỗi ngày tại bệnh viện…

Một số đơn vị doanh nghiệp dược đăng ký thực hiện di chúc Bác với chủ đề “Nỗ lực cống hiến - Sáng tạo thành công”…; tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình xây cầu, đường nông thôn; khám điều trị, phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo và trẻ em vùng sâu khó khăn…

Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế luôn làm theo di chúc của Bác vì “mỗi Đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liên chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” để phấn đấu xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.


An Quý
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn