Trọn một tuần vừa qua, toàn bộ thế giới tài chính bị rung động bởi những diễn biến đến từ Dubai. Đài BBC đã gọi đó là một vụ "Lehman Brother" của các nước Ảrập và thậm chí, có người còn lo xa hơn khi cho rằng người Dubai sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" gây ra những phản ứng dây chuyền tai hại trên thế giới.
Dubai là một thành phố đồng thời cũng là một tiểu quốc cấu thành nên Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nhìn ra vịnh Péc xích, mặc dù không phải là "trái tim" của liên bang Arab, cũng không phải là tiểu quốc đông dân nhất đồng thời lại là tiểu quốc duy nhất không có dầu hỏa, có thể nói, gần nửa thế kỷ vừa qua, Dubai đã trở thành "điều thần kỳ Arab". Nằm ở một vị trí địa lý thuận lợi với một thương cảng lớn bậc nhất thế giới, trong khi các quốc gia Arab khác làm giầu nhờ "vàng đen" thì Dubai lại phất lên nhờ địa ốc và tài chính. Chỉ trong vài thập niên, Dubai đã trở thành một thứ Las Vegas của Trung Đông. Những công trình kỳ vĩ phục vụ nhu cầu hưởng thụ của con người được xây lên trên biển và sa mạc, trên sự cằn cỗi của thiên nhiên: hòn đảo nhân tạo hình cây cọ, phức hợp khách sạn siêu sang trên biển Burj-Al-Arab, tòa cao ốc cao nhất thế giới Burj Dubai và khu đảo nhân tạo The World. Tất cả được dựng lên từ tiền vay từ các quỹ đầu tư với sự đảm bảo của nhà nước. Và gần như tất cả đều được điều phối bởi Dubai World, một thứ "siêu doanh nghiệp nhà nước". Công thức làm nên thành công: thu hút tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào các "siêu dự án"; phát triển khu vực dịch vụ, địa ốc và du lịch cùng với một triết lý "tăng trưởng là trên hết". Và đến lượt mình, Dubai cũng trở thành một nhà đầu tư lớn, có "phần hùn" ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực, từ tập đoàn sản xuất đồ điện tử và giải trí Sony cho đến tập đoàn hàng không vũ trụ của châu Âu EADS. Dubai trở thành thiên đường mua sắm và giải trí, thành nơi tụ hội của giới nhiều tiền lắm của toàn thế giới. Dubai cũng là nơi thu hút lao động nước ngoài (trong đó có Việt Nam) đến làm việc trong các siêu dự án về bất động sản của mình.
Dubai đã trở thành Las Vegas của Trung Đông. |
Vậy mà cách đây đúng một tuần, hôm thứ tư tuần trước, người khổng lồ Dubai World đã phải tuyên bố đang gặp phải những khó khăn trong việc trả nợ và và đề nghị "dãn nợ" thêm nửa năm. Theo ước tính, tổng số nợ nước ngoài của tiểu quốc này lên tới 80 tỷ đô-la Mỹ, trong đó, riêng nợ của Dubai World đã lên tới khoảng 59 tỷ đô-la Mỹ. Cần nhớ rằng dân số Dubai hiện chỉ ở mức khoảng một triệu người và tổng sản phẩm quốc nội của tiểu quốc này là 50 tỷ USD.
Tất nhiên, giới thạo tin đã lan truyền về việc "xấu đi" này từ mấy tháng nay nhưng khi món nợ được công bố, quả thật là một cú sốc đối với giới đầu tư. Điều nhãn tiền là nhiều người sẽ mất tiền. Dù có nói thế nào đi nữa thì khó có một phép thần nào hoặc một sự trợ giúp nào có thể giúp đảm bảo rằng toàn bộ số nợ đó sẽ được trả. Tác hại về mặt tâm lý chắc chắn là không thể tránh khỏi và thay vì một giai đoạn "đổ xô" đến Dubai như thời người Mỹ đi tìm vàng ở miền Tây, nhiều khả năng sẽ là một giai đoạn "tháo chạy toán loạn". Thứ hai, tình trạng nợ nần chắc chắn sẽ khiến Dubai World sẽ phải bán "phần hùn" tại nhiều tập đoàn và nhiều dự án lớn trên thế giới. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế tài chính toàn cầu, một "con bệnh" vừa "ốm dậy" và thực ra cũng chưa hoàn toàn bình phục.
"Vì đâu nên nỗi" mà từ một "huyền thoại kinh tế" giờ trở thành một thứ "chúa Chổm toàn cầu"? Có lẽ căn nguyên của căn bệnh nằm ở chính trong cái gọi là "điều thần kỳ": thu hút quá nhiều tiền đầu tư (với sự đảm bảo nhà nước) vào những "siêu dự án" quá nhiều tham vọng và sau đó, lại rút tiền đầu tư "vung vãi" trên khắp toàn cầu. Cũng phải nhớ rằng những lĩnh vực "xương sống" của nền kinh tế tiểu quốc là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của khủng hoảng kinh tế tài chính: địa ốc, nhất là địa ốc "siêu sang"; dịch vụ, du lịch. Khi người ta phải "thắt lưng buộc bụng" thì lấy đâu ra tiền để sang Dubai "xài sang"?
Trong lúc này, ngay từ đầu tuần, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã lên tiếng trấn an giới đầu tư bằng lời hứa sẽ "xắn tay" giúp đỡ (nhưng giúp bao nhiêu, giúp thế nào, trời biết!) và Dubai World tuyên bố cũng đang đàm phán với các chủ nợ để "tái cấu trúc" lại 26 tỷ đôla trong số nợ của mình. Dẫu vậy, chỉ biết rằng giá dầu hỏa đã có dấu hiệu giảm và trong suốt mấy ngày vừa qua, chỉ số chứng khoán của Dubai, Abu Dhabi liên tục giảm. Và người ta cũng đã nói đến "bài học Dubai" mà nhiều quốc gia cần phải học một cách nghiêm túc: quá "nuông chiều" các tập đoàn nhà nước, chạy theo những "đại dự án", nền kinh tế mất cân đối khi tập trung vào chỉ một vài lĩnh vực, đầu tư dàn trải...
Xuân Thạch