(SKDS) - Hiện nay, một số địa phương ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng, tình trạng một số học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, "bắt chồng" sớm dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Tảo hôn đang là một thực trạng nhức nhối ở đây, ngăn chặn và hướng đến loại bỏ tảo hôn cần sự kiên quyết và đồng bộ của các cấp, các ngành và nhất là bà con địa phương.
Trong ngôi nhà tôn nho nhỏ, anh Đinh (20 tuổi, dân tộc Ba Na) không giấu được nỗi buồn: Năm 2010, học chưa hết cấp 2, khi cái đầu chưa cao hơn ngọn mía thì Đinh đã lấy vợ. Hai vợ chồng không có một chút tài sản chi ngoài 3 sào ruộng trồng lúa và trồng đậu do gia đình vợ cho. "Mới gần 3 năm mà vợ đã sinh 2 em bé, thiếu cái ăn nên còi cọc không lớn nổi, khổ lắm. Biết thế này thì mình đã không nghe theo lời Hiền cưới sớm…", anh cho biết.
![]() Một trong những bà mẹ quá non trẻ ở xã Ia Chia, huyện Ia Grai, Gia Lai. |
Rời vùng đất phía Đông, chúng tôi lên xã biên giới Ia Chia, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ở đây tình trạng tảo hôn, "bắt chồng" sớm cũng là vấn đề nan giải, chưa biết đến khi nào thì kết thúc. Sinh năm 1993 nhưng Ksos H’Lim đã cưới chồng được 3 năm, có một bé trai cũng gần 3 tuổi và bé gái 1 tuổi. Chỉ tay về người thanh niên thấp nhỏ đang cuốc cỏ ở vườn mỳ gần ngôi nhà, H’Lim cho biết : "Anh Rơ Lan Tuấn năm nay đã 18 tuổi, là chồng của mình đó. Ở đây con gái cứ đến 15- 16 tuổi, thậm chí có trường hợp mới 14 tuổi đã bỏ học để "bắt chồng", không thì "ế" mất. Ở vùng biên giới này, con gái như mình mà không "bắt chồng" sớm thì buồn lắm. Mấy đứa bạn trong làng cùng tuổi như Lim nó cũng "bắt chồng" trước cả rồi".
Trả lời câu hỏi "Sao Lim không đi học để sau này làm cán bộ như các cô, chú ở xã, ở huyện, mà "bắt chồng" sớm cho khổ vậy?". Không chút đắn đo, Lim nói: "Học chỉ để biết con số, cái chữ giúp mình biết được đồng bạc để trao đổi mua bán khỏi lẫn lộn. Cũng muốn học và muốn làm cán bộ lắm, nhưng học nó không vô cái bụng, mình không tách ra khỏi bạn bè, cộng đồng được đâu…".
Tình trạng bỏ học, bắt chồng sớm không chỉ ở Gia Lai mà ở Kon Tum cũng đang rất báo động. Năm 2011, tỉnh Kon Tum có khoảng 200 cặp tảo hôn và đến nay con số đó cũng còn nhiều, tập trung ở 3 huyện, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Đăk Glei. Nạn tảo hôn trong thực tế đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Ông A H Rút, Phó Chủ tịch xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô bộc bạch: "Ở xã mình tình trạng học sinh bỏ học, "bắt chồng" vẫn xảy ra, mặc dù UBND xã hàng tuần đều họp và giao ban để triển khai cho các ban ngành, nhất là chị em ở chi hội phụ nữ về các thôn, bản, làng tích cực tuyên truyền, vận động bà con bỏ hủ tục lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn "bắt chồng" sớm. Đời sống gia đình sẽ khổ, sẽ thiếu đói, con cái không biết chữ,... nếu "bắt chồng" và lấy vợ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Thế nhưng chúng nó không chịu nghe…".
Bài và ảnh: Quang Dũng