Truyền thông, can thiệp giảm tác hại- "Quả đấm thép" dự phòng lây nhiễm HIV

05-12-2020 08:38 | Tin nóng y tế

SKĐS - Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được coi như một loại “vắc xin” hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, việc triển khai đa dạng các biện pháp can thiệp - "quả đấm thép" trong dự phòng đã góp phần liên tục làm giảm lây nhiễm HIV ở nước ta trong những năm qua.

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS và tổng kết 30 năm công tác Phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 30 năm qua, công tác truyền thông liên tục được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức; chuyển truyền thông từ “hù dọa” trong những năm đầu sang truyền thông “giải thích”; huy động sự tham gia của các mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV và nhóm có hành vi nguy cơ vào các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ cho chính cộng đồng của họ. Ngoài các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng, trong những năm gần đây truyền thông qua mạng xã hội đã được áp dụng phổ biến, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin nhanh chóng đến các đối tượng đích trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Hoạt động truyền thông đã giúp nâng cao được hiểu biết của nhân dân, thay đổi hành vi, cải thiện đáng kể về tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, giúp người nhiễm HIV tiếp cận sớm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hòa mình vào cộng đồng dân cư, sống có ích cho xã hội.

Điều trị Methadone cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV là một trong 4 chương trình trọng tâm của Chiến lược Quốc gia, được coi là “quả đấm thép” trong phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, việc cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su đã bao phủ hầu hết các tỉnh/thành phố, đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm sự lan tràn của dịch HIV trong nhóm nguy cơ cao và trong cộng đồng. 63 tỉnh/TP đã triển khai điều trị Methadone, với 340 cơ sở điều trị, hơn 200 cơ sở cấp phát thuốc tại xã phường, đang điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giúp người bệnh cải thiện kinh tế gia đình, xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Bên cạnh Methadone, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine cũng đang được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, mang lại cho người nghiện những lựa chọn mới trong điều trị thay thế. Những biện pháp can thiệp giảm hại toàn diện, đã làm giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 30% (năm 2000) xuống còn khoảng 10% trong những năm gần đây.

Từ năm 2017, Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) tại TP Hồ Chí Minh. Sau 4 năm, hiện nay PrEP đã được triển khai tại 27 tỉnh/TP, với hơn 13.000 khách hàng đã sử dụng dịch vụ, và 10.000 người hiện đang tiếp tục sử dụng dịch vụ này. Theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ nhiễm mới HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là 7%/năm. Như vậy, nếu không có PrEP thì với 10.000 người này, 1 năm sẽ có khoảng 700 người nhiễm HIV. Với PrEP, con số 700 người này đã giảm xuống chỉ có 8 người phát hiện nhiễm HIV trong năm qua (và chủ yếu nguyên nhân là do không tuân thủ điều trị PrEP). Như vậy có thể nói, PrEP đã giảm đến 98% nguy cơ bị nhiễm HIV cho những người sử dụng dịch vụ này. Với tình hình dịch HIV/AIDS đang gia tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), PrEP sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao khác.


Xuân Thủy
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn