Du lịch Việt Nam ngoảnh mặt với các cơ hội vàng?

08-09-2013 07:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

"Running Man"với lá cờ Việt Nam ở sân Emirates - London đầu tháng 8/2013, chương trình "Vietnam direct" của BBC World News sắp phát sóng khắp thế giới từ ngày 19-31/8/2013

"Running Man"với lá cờ Việt Nam ở sân Emirates - London đầu tháng 8/2013, chương trình "Vietnam direct" của BBC World News sắp phát sóng khắp thế giới từ ngày 19-31/8/2013 và trước đó là những chương trình giới thiệu về Việt Nam của CNN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Nhưng tất cả những cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam nắm lấy làm "của"để PR đều trôi đi lãng phí trong tiếc nuối và sự khó hiểu của người Việt…

ất nhiều chuyên gia du lịch đã so sánh tiềm năng du lịch của Việt Nam (VN) với các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia và đều công nhận VN có nhiều lợi thế về mặt tiềm năng hơn. Tuy nhiên, chỉ xét riêng các chiến dịch quảng bá của du lịch VN, chưa tính đến cách đầu tư và khai thác dịch vụ, thì thấy du lịch VN đã để vuột mất bao nhiêu cơ hội vàng hiếm có.

Bỏ qua cơ hội vàng hay sự thờ ơ của du lịch VN?

Từ đầu tháng 8/2013, sự kiện làm "nóng" không chỉ dân mê môn thể thao vua ở VN là đội "siêu sao" bóng đá Anh Arsenal sang đá giao hữu với VN, mà với nhiều người quan tâm đến du lịch VN, đến việc giới thiệu VN cho những "siêu sao" bóng đá thế giới này. Nhưng hình như chỉ có người dân Việt là "nóng" còn các quan chức ngành du lịch VN thì xem như không có gì, vì đó là thể thao, chả liên quan gì đến du lịch.
 
Họ đến đá bóng, rồi đi... Nhưng rồi sự kiện "Running Man" đã như một cơn "cực khoái" bất ngờ bùng nổ. "Running Man" được mời sang Anh gặp mặt các cổ động viên của Arsenal trên sân Emirates. Một cơ hội vàng để quảng bá VN không mất tiền. Clip "Running Man" với lá quốc kỳ VN tung bay trên lưng xuất hiện tại sân Emirates (truyền hình đến 25 quốc gia), được coi là cơ hội quý để giới thiệu hình ảnh VN ra nước ngoài, tuy nhiên, ngành du lịch (có thể sẽ được lợi rất nhiều trong việc tận dụng hình ảnh của chàng trai này để quảng bá hình ảnh đất nước) đã im lặng trước sự kiện này một cách khó hiểu.
 
"Running Man" tự biên tự diễn, trong hành trình đến London, nhưng tình yêu VN đã thầm mách bảo, "Running Man" mang theo quốc kỳ VN, mang theo bánh đậu xanh Hải Dương quê mình, mang theo tượng Cô Tiên trong trò múa bát Tiên, con rồng bằng gỗ... Và trong buổi họp báo chí ngày 6/8, trả lời chất vấn của truyền thông VN về việc ngành du lịch VN tại sao không nắm cơ hội này để quảng bá hình ảnh VN tốt hơn sự "tự phát" cá nhân "Running Man", thì ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, kết nối của "Running Man" với Arsenal là kết nối cá nhân, đi rất nhanh, thứ sáu (ngày 2/8) đi, thứ hai (ngày 5/8) đã về. "Cơ quan nhà nước làm sao kết nối được với cá nhân trong thời gian ngắn như thế.
 
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh: Tổng cục Du lịch từ chối sự kiện "Running Man" sang Anh để quảng bá du lịch VN vì còn phải tìm "cách nào đó quảng bá tốt nhất"(?!) Với những gì mà "Running Man" đã nỗ lực tại London để mang hình ảnh VN tới bạn bè quốc tế thông qua tình yêu bóng đá và cách trả lời của lãnh đạo Tổng cục Du lịch VN, một lần nữa, dư luận cảm thấy rất buồn và tiếc cho cách làm của Tổng cục Du lịch VN.

Cơ hội vàng thứ hai cũng trong tháng 8/2013 là BBC World News vừa công bố loạt chương trình về VN mang tên "Vietnam direct", phát sóng cho khán giả khắp nơi trên thế giới về sự chuyển mình thành một trong những xã hội năng động nhất khu vực châu Á của VN. Đây là lần đầu tiên kênh BBC World News dành hẳn thời lượng đặc biệt cho VN. Chủ đề của "Vietnam Direct" bao gồm các thành phố phục hồi như thế nào từ ảnh hưởng nghiêm trọng của chất độc màu da cam; sự phát triển của giới trẻ; vai trò của người lao động trong sự phát triển kinh tế VN; công nghệ mới nhất đang góp phần hỗ trợ loại hình giao thông đường bộ được yêu thích VN. Ngoài ra, xuyên suốt loạt chương trình này, Linda Yueh - phóng viên chính mảng kinh tế của kênh truyền hình BBC World News sẽ giới thiệu về VN, bao gồm chương trình phỏng vấn trực tiếp trong các chương trình bản tin thường lệ của BBC World News. Các cuộc phỏng vấn sẽ xoay quanh những câu chuyện và chất vấn những người đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam. Do tình hình kinh tế nói chung đang khó khăn, ngân sách cho quảng bá eo hẹp, nên hai bên chưa đi tới ký kết cụ thể nào. Sau khi họ phát xong chương trình thì xem như là "đóng" lại luôn việc quảng bá hình ảnh VN ra thế giới trên BBC.

Du lịch Việt Nam ngoảnh mặt với các cơ hội vàng? 1

Phải chăng thiếu tiền cho ngành du lịch?

19 giờ 45 phút (GMT 7) ngày 10/10/2007, đoạn phim quảng bá du lịch VN được phát sóng lần đầu tiên trên kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ - CNN. Với chương trình quảng bá trên CNN trong 3 tháng, mỗi ngày phát clip 30 giây cộng với chi phí làm clip để trình chiếu, tổng cộng phải chi 160.000 USD. Nếu ký hợp đồng tiếp thì CNN sẽ tăng lên 200.000 USD, nên cuối cùng đành bỏ, xem như clip 30 giây này hoàn thành nhiệm vụ. Vì số tiền này vào thời điểm đó với ngành du lịch VN rất to.
 
Đến năm 2011, truyền hình BBC thực hiện clip quảng cáo 30 giây theo đơn đặt hàng của VN, phát sóng 260 lần, 3 lần/ngày trong thời gian 3 tháng, chi phí cho việc làm phim cũng như trả tiền thuê sóng phát quảng cáo khoảng 150.000 USD (chiếm khoảng 9% trong tổng số ngân sách 1,7 triệu USD cho marketing và quảng cáo của Bộ VH-TT&DL trong năm 2011), nên phát xong hợp đồng thì cũng thanh lý luôn.
 
Tháng 10/2011, CNN thêm một lần nữa tạo cơ hội vàng cho du lịch VN, khi không phải trả bất kỳ đồng xu nào, nhưng VN đã được CNN giới thiệu qua hình ảnh ẩm thực độc đáo. Chuyên trang du lịch của CNN đã giới thiệu một danh sách bao gồm đủ các món từ Bắc, Trung, Nam như: phở, bánh xèo, chả cá, cao lầu, bún chả, bún bò Nam Bộ. Những món ăn vặt như nộm hoa chuối, hạt dẻ nóng hay chè cũng góp mặt. Món lẩu bên bờ hồ Trúc Bạch ở Hà Nội cũng được nêu tên và nhiều món ăn VN đầy hấp dẫn kèm những lời khuyên nên nếm chúng ở đâu. Nhưng, ngành du lịch Việt cũng thờ ơ, xem như mặc kệ họ, họ thích thì làm, quảng cáo không công cho mình.

Cũng có thể tạm chấp nhận vì thời điểm đó, ngành du lịch VN đang thiếu thốn ngân sách cho nhiều thứ chi phí khác. Đến cả chức danh "Đại sứ du lịch" cũng còn phải chọn người có tiền để tự chi phí cho các chuyến đi quảng bá cho VN ở nước ngoài, vì thế, khi năm 2012 hết hạn nhiệm vụ đại sứ du lịch thì đến tháng 8/2013, chức danh đó vẫn bỏ trống vì chưa có ai hội đủ điều kiện đầu tiên là có sự bảo đảm về tài chính, không bắt ngành du lịch phải chi phí cho các chuyến công du quảng bá ở nước ngoài. Ở London, với chương trình "Vietnam direct" trên BBC, du lịch VN có phài tốn tiền đâu mà chỉ là "dựa" vào sự kiện mà quảng bá hình ảnh VN?

Ngành du lịch VN một năm thu ngân sách bao nhiêu tiền, vậy mà cứ động đến việc chi tiền để quảng bá VN ra nước ngoài thì lúc nào cũng điệp khúc cũ: "Thiếu tiền". Tổng kết 6 tháng đầu năm 2013, ngành du lịch VN tổng thu từ du khách là 105.000 tỉ đồng VN = 5 tỉ USD. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL cho biết: Chính phủ mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch là 50 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). Thiếu kinh phí nên mỗi năm chúng ta chỉ mời được 1-2 đoàn lữ hành, báo chí tại các thị trường trọng điểm vào khảo sát.
 
Theo tôi, chúng ta cần có ít nhất khoảng 10 triệu USD để cho công tác quảng bá du lịch. Liệu có thuyết phục không khi số tiền bỏ ra cho công việc quảng bá so với số thu vào chỉ như một "giọt nước"? Và thật sự nếu có 10 triệu USD bỏ ra thì ngành du lịch sẽ làm gì để quảng bá, khi mà tất cả những dự án quảng bá VN ra nước ngoài vẫn chưa được lập một cách khoa học và có chiến lược lâu dài, vẫn cứ "nước đến chân mới nhảy". Ông Nguyễn Mạnh Cường dẫn chứng cụ thể rằng: "Nếu chúng ta bỏ ra 1 đồng cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá logo và slogan du lịch VN; trong đó có cả việc mở thêm các văn phòng đại diện nước ngoài thì chúng ta sẽ thu về được 15 - 20 đồng. Nhưng do hiện tại, chúng ta chưa có... 1 đồng nên đành chịu!".
Du lịch Việt Nam ngoảnh mặt với các cơ hội vàng? 2
 Danh thắng Tràng An tới đây sẽ được quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế CNN.

Bao giờ ngành du lịch mới năng động?

Cơ hội vàng thì bỏ qua, những dự án chiến lược để quảng bá ra nước ngoài thì "vấp" vào kinh phí không đủ chi. Bản thân ngành không có cả những cơ quan xúc tiến du lịch ở nước ngoài, mà trong các sứ quán VN thì người kiêm nhiệm là tùy viên văn hóa, làm sao có thể kham nổi. Trong khi nhìn các nước láng giếng ở khu vực châu Á, các công ty lữ hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc luôn đưa các nhóm làm phim để quay các clip về VN theo con mắt của họ, để giới thiệu du khách của nước họ đi du lịch VN.
 
Xem các clip của họ lại thấy du lịch VN mình quá thờ ơ với việc quảng bá. Một clip đặc trưng của du lịch VN cho đến giờ này vẫn không có để phát thường xuyên trên kênh truyền hình quốc gia, ngoài những chương trình của truyền hình theo các chuyên đề, chuyên mục mà liên quan đến VN đất nước con người như chương trình S Việt Nam của VTV và VN Airlines hợp tác sản xuất.
 
Một tín hiệu vui cho du lịch VN nói chung, khu di tích Tràng An - Ninh Bình nói riêng, về sự năng động của địa phương, Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Ninh Bình hợp tác chi trên 7 tỷ đồng để thực hiện và phát sóng đoạn phim quảng bá du lịch Tràng An trên các kênh của hãng truyền thông quốc tế CNN. Thời lượng phát sóng với spot 30 giây, 180 lượt được thực hiện trong một tháng, CNN đã bắt đầu phát sóng đoạn phim quảng bá hình ảnh đặc sắc của quần thể du lịch Tràng An từ tháng 4/2013 trên hệ sóng dành cho khán giả châu Âu.

Minh Châu


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn