Giống như nhiều địa bàn đặc sắc khác của thị trấn mù sương, xã Tả Van những năm qua thu hút nhiều du khách mà đa số là khách ngoại quốc. Nhưng vẫn còn thiếu những gì đó để có thể trở thành "lý tưởng".
Du khách nước ngoài đến thăm Tả Van. |
Bản sắc là "bảo bối"
Chỉ cách trung tâm Sa Pa vài km, đường đi thuận tiện qua những sườn núi và vườn tre luồng xanh mướt, lại có đường nối sang Lao Chải và Cầu Mây nổi tiếng, Tả Van được du khách tìm đến nhiều từ khoảng đầu những năm 2000 để tìm cái "lạ" và "mới" trong đời sống sinh hoạt bà con người Giáy, Mông, Dao.
Xã Tả Van với 600 hộ, gần 3.500 khẩu, nay đã có nhiều gia đình "quấn" vào guồng du lịch, trong đó 42 nhà tự nâng cấp cơ sở vật chất đăng ký mở dịch vụ đón khách lưu trú. Theo Bí thư xã Lục Văn Thượng thì giá cũng khá "hẻo": 40.000đ/người/đêm, nhưng 5.000đ trong đó được trích vào quỹ của Ban quản lý du lịch xã. Ông Thượng cho biết: Chất lượng vệ sinh, an ninh nói chung khá đảm bảo và xã có theo dõi thường xuyên nhằm chống phá giá phòng. Tính riêng năm 2009 thì có hơn 13.000 du khách đến thăm Tả Van. Bà Lý Thị Liên, người dân tộc Giáy, cùng gia đình làm dịch vụ du lịch trong ngôi nhà gần trăm tuổi, đã qua 4 thế hệ, có thể cho 50 người ngủ được. Bà cho biết, trước từng muốn sửa nhưng ít tiền, sau thấy nhiều người thích vì là nhà cổ. Cùng với việc giữ nhà cho khách tham quan và ngủ lại, nhà bà còn phục vụ các món ăn "sạch" của địa phương như rau cải mèo, su hào, su su, thịt bò, gà, lợn tươi và hun khói...
Cũng như nhiều ngôi nhà khác, du khách tìm đến đây để biết một dân tộc vùng cao VN sống thế nào dù các tour có vẻ mới chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Có dịp gặp một đoàn du khách nước ngoài đến thăm Tả Van, chúng tôi nhận thấy họ thích thú khi xem các em học sinh trường tiểu học tập Arobic trong các bộ trang phục dân tộc sặc sỡ và quay phim, chụp nhiều ảnh về đời sống, không gian sống của các gia đình.
Cần được "nâng niu" hơn
Đi du lịch miền núi, ngoài kiến trúc, trang phục, ẩm thực, đời sống lao động, sinh hoạt..., một trong những điều du khách rất muốn thưởng thức là văn nghệ truyền thống. Tiếc là Tả Van mới có một đội hơn 10 người của dân tộc Giáy, phục vụ các dịp lễ hội, giao lưu văn hoá trong và ngoài xã, đồng thời diễn cho du khách. Đội trưởng Hoàng Văn Phi giới thiệu, có diễn múa dân gian với khèn của người Giáy, cùng với một số bài hát nữa, và có cả những bài cải biên. Trước xã còn có đội của người Mông, người Dao nhưng nay không duy trì được.
Một điểm nữa của Tả Van là rất cần cải thiện sớm đường sá trong xã mới là rải cấp phối, mùa mưa đi lại khó khăn, nhất là vào bản phải đi đường mòn. Ở miền rừng núi nhưng lại giống như nhiều nơi, lâm vào tình cảnh đất trống đồi trọc, đường qua Tả Van rất thiếu cây xanh để tạo cảnh quan. Bí thư Thượng nói, chúng tôi muốn trồng cây nhưng khu vực hai bên đường còn liên quan đến đất đai của dân, vận động đất ai người đó trồng và quản lý cây nhưng cũng khó vì không mang lại hiệu quả kinh tế, người ta cũng không hào hứng lắm!
Nhìn sâu hơn vào thực tế du lịch ở Tả Van càng thấy tình trạng tự phát. Xã có Ban quản lý du lịch nhưng hầu như chưa làm được gì nhiều ngoài việc quản lý hành chính. Ban quản lý này đang hy vọng có kinh phí để đầu tư, tái tạo một số hạng mục phục vụ du lịch như đường sá, công trình phụ của các hộ, nhất là bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình và cá nhân tham gia làm dịch vụ ở địa phương.
Nhưng xem ra mong muốn này còn xa vời vì bản thân các cán bộ ở xã cũng khó thực hiện nếu không có hành động cụ thể của cơ quan phát triển du lịch Sa Pa và Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai. Bản sắc văn hoá là "bảo bối" trong phát triển du lịch, cần phải nâng niu hơn và làm cho nó phát sáng, cộng với sự đảm bảo các điều kiện khác về hạ tầng, không gian, tri thức để du lịch có thể phát triển bền vững.
Hoàng Hoa