Hàng năm, người ta dùng đến cả tỷ đồng tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đổi lấy hàng trăm tỷ đồng tiền "ngân hàng địa phủ" cũng như đủ các thứ từ nhà cửa, đài điện, ti vi, xe cộ... bằng thứ giấy màu và hộp xốp phế thải được cắt dán.
Từ lâu, đất Bắc đã có làng nghề tiền vàng âm phủ là làng Cót thuộc xã Yên Hòa (Từ Liêm, Hà Nội). Làng này hiện nay vẫn giữ vị trí "độc tôn" về thứ "sản phẩm" của mình. Từ năm 1984 - 1985 là giai đoạn cấm sản xuất vàng mã. Nghề của làng hầu như không có cớ để tồn tại. Bước vào cơ chế thị trường, làng Cót lại nổi lên như một làng nghề "sôi động" và "tầm cỡ" nhất. Người ta không chỉ còn in tiền xu, tiền vàng như xưa mà in cả tiền có chữ quốc ngữ hiện đại, đô-la Mỹ.
"Ngân hàng địa phủ"
Vừa bước chân vào cổng làng Cót, trong vai một kẻ buôn giấy, có 4 tấn hàng đang định bán, tôi đã được T, một tay xế tải của làng cho biết: Mỗi tuần anh ta chở đến đây 2 xe, mỗi xe 4 tấn giấy mà cứ hết bay. Cái làng Cót bé bằng bụm tay nhưng lại có tới 20 chủ in lớn nhỏ, tôi có 4 tấn chứ 40 tấn cũng hết. Trò chuyện, T cho biết thêm: Anh ta chỉ là một trong ba xế tải thường xuyên "tiếp liệu" cho làng. Những ngày cuối năm, bọn họ thường phải "cấp cứu" từ 1-3 chuyến giấy một tuần thế mà không đủ, vẫn phải thường xuyên "tăng bo" bằng xích lô, công nông hay xe thồ.
Từ chỗ T, sau cú điện thoại "xuyên làng", 15 phút sau, một chiếc Dream II đã xịch đỗ trước cửa. Thì ra bà S, chủ cơ sở in xeo giấy mà mọi người đều gọi là chủ xưởng. Vừa gặp tôi, bà đã nói một câu rất "dịch vụ": "Thấy thằng T gọi, em phải đến ngay. Sợ đợi lâu, sếp giận!"... Sau khi ngã giá, tôi theo bà S về nhà. Đi đường, tôi cứ nghĩ: chắc người ta gọi là xưởng cho oai chứ làm gì có cái gọi là xưởng. Các nhà in cấp tỉnh có hàng trăm công nhân, máy chạy rầm rập suốt ngày phục vụ hàng vạn dân người ta mới gọi là xưởng xeo chứ cái làng Cót này thấm vào đâu!
Thế nhưng điều võ đoán đấy hoàn toàn sai lầm. Cơ sở xeo giấy của bà S đúng phải gọi là xưởng thật. Nó rộng tới gần 100m2 cao ráo, những cuộn giấy lớn xếp tầng tầng, lớp lớp rồi máy cắt, máy xén hiện đại chả khác gì xưởng xeo giấy của nhà in ở Hải Phòng, Thái Bình. Bà S cho tôi biết, giấy cắt xén xong được chuyển tới 20 cơ sở in trong làng. Chủ các cơ sở này phần lớn là con cháu những gia đình có tới 10 đời làm nghề tiền vàng. Quả công nghệ in ấn "tiền bạc" cũng như lòng "hiếu thảo" của con cháu thời nay vĩ đại thật. V, một cô gái 24 tuổi đời, chủ một cơ sở in ấn tầm cỡ, lúc nào cũng có 10 - 15 công nhân làm việc cho tôi biết: Trung bình một tuần cô tung vào "thị trường" cỡ 50 triệu đồng bạc âm phủ và thu về gần 4 triệu đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sẵn tính bông đùa, mấy người làm thuê nói: "Ôi dào! Dưới đó làm gì có dự án này nọ nên các cụ biết cấu véo vào đâu. Lại còn các khoản bia ôm, karaoke cũng tốn kém lắm. Bia Hà Nội, vừa đóng thay nhãn mới cũng phải cho các cụ thưởng thức vài lon chứ! Thì anh bảo "trần sao, âm vậy" mà. Dưới đó cũng thiếu gì những nhà hàng cỡ: Lu Ly I, Lu Ly II...".
Giơ ra trước mắt tôi 1 tờ 5.000 USD rởm, V bảo: Đây là đồng đô của nhà em. Dân làng Cót có 20 cơ sở in thì có 20 số sêri tiền khác nhau. Ví dụ cô là H.V, mẫu tiền làm ngày 31/12/2004 thì số sêri sẽ là H.V 31/12/04. Từ các cơ sở in của các cô quanh Hà Nội còn moi ra một đội ngũ gồm 200 người chuyên làm công việc sắp xếp tiền vàng thành từng đinh (1 đinh gồm 10 tờ tiền), một lễ (1 lễ gồm 10 tờ vàng, 10 tiền chinh, 10 tờ đô la âm phủ và 10 tờ tiền hai mặt). Khách hàng có nhu cầu kể cả một xe ô tô cũng có. Càng vào những ngày cuối năm, nhu cầu về tiền và vàng mã có sự tăng vọt, "nhịp điệu hoạt động" của làng Cót lại có phần hối hả thêm. Không gian từ 4 giờ sáng đến 11 - 12 giờ đêm lúc nào cũng bị phá vỡ bởi tiếng động cơ của các loại xe vào ra "ăn hàng", tiếng máy xeo, máy in ngốn giấy hối hả.
Lãng phí...
Không có dịp trở lại làng Cót nhưng tôi có cơ hội đến quầy hàng mã một lần nữa, nhân dịp tháp tùng ông anh họ đi "sắm đồ" cho các cụ. Xe chúng tôi vừa đỗ, ông Tr - một chủ tiệm hàng ở phố Hàng Mã - vồ vập: "Các chú vào đây! Toàn đồ làng Hồ làm cả. Đẹp, giá vừa phải". Chưa để chúng tôi trấn tĩnh, vồ lấy cây gậy ông chỉ khắp xung quanh: xe đạp 100 ngàn, tủ lạnh 200 ngàn, quần áo 50 ngàn, xe máy 300 ngàn, điện thoại di động 50 ngàn... Sau khi mua một bộ quần áo, một máy điện thoại, thấy anh tôi vẫn ngó nghiêng, ông chủ chạy vào trong nhà lôi ra một chiếc ti vi cắt bằng bìa cát tông, mời: "Chắc chú tìm cái này. Lấy đi, tôi bán rẻ cho. Lại có cả cái điều khiển nữa, các cụ thích phải biết!". Lấy xong chiếc ti vi với giá 150 ngàn đồng, tưởng ông anh sẽ ôm món đồ lên xe, nhưng không, anh kéo tôi lại nói: Còn hình nhân nữa! Sao đầy đây lại không mua? Còn đang chọn, mà các cô ấy vừa xấu, vừa quê quê thế nào ấy. Trong lúc ông anh đang hý hoáy với "các cô", tôi hỏi ông chủ: "Dĩ nhiên là bây giờ rồi, ở làng Hồ và làng Cót chuyển đi xe lớn, xe bé chưa kể hàng bán tại chỗ. Xe lên mạn ngược rồi vào miền Trung, chiếm lĩnh thị trường các nơi".
Loanh quanh một hồi ở "siêu thị" và "ngân hàng địa phủ", cuối cùng ông anh tôi cũng đã sắm đủ thứ lễ nghi. Trên đường trở về, tôi hỏi anh: Anh nghĩ thế nào mà tiêu tốn tiền bạc đến như vậy? Anh trả lời: "Người ta làm thì mình phải làm, không thì thiên hạ cười và cho là thế này thế nọ". Nghe anh nói, tôi bỗng giật mình. Thì ra cái chuyện cười, khóc ở đời cũng thật phức tạp. Tất cả là do lối tư duy mà ra, cái chuyện đốt tiền vàng thôi cũng cần có một sự thay đổi trong mỗi người. Đoạn đường từ cái văn hóa, tín ngưỡng sang cái mê tín, lãng phí hóa ra cũng chả xa xôi gì!
Phóng sự của Thành Nam