Đồng hành xây dựng khuyến cáo tiêm chủng bảo vệ trọn đời sau đại dịch COVID-19

27-06-2022 09:30 | Y tế
google news

Tại Hà Nội tuần qua, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề: "Phát triển thực hành lâm sàng chủng ngừa vắc xin cho người lớn có yếu tố nguy cơ và phụ nữ mang thai sau đại dịch Covid-19".

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 40 đại diện đến từ Cục quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Hội thành viên của Tổng hội, các trường đại học y khoa, các chuyên gia đầu ngành trong khối điều trị đa chuyên khoa, khối dự phòng, khối quản lý và các nhà khoa học cùng đóng góp ý kiến để phát triển chương trình chủng ngừa bảo vệ trọn đời tại Việt Nam.

Đồng hành xây dựng khuyến cáo tiêm chủng bảo vệ trọn đời sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành như GS. TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương và PGS. TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Dịch Tễ, Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung Ương đã có bài báo cáo cập nhật tình hình các bệnh truyền nhiễm giai đoạn hậu Covid, gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi, người trưởng thành có yếu tố nguy cơ và khoảng trống miễn dịch ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.

Cụ thể các chuyên gia cho biết, số người trên 50 tuổi ngày càng tăng từ 23 triệu người năm 2022 lên 35 triệu người vào năm 2035 và tử vong sớm do các bệnh lý mạn tính có xu hướng tăng nhanh ở nhóm dân số này. Các bệnh lý về hô hấp như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nhóm bệnh mạn tính gây tử vong cao và người bệnh thường có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như ho gà hay COVID-19 cao hơn.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi có tần suất mắc bệnh ho gà cao với biến chứng nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao. Trên 50% trẻ mắc có nguồn lây từ mẹ.

Tổ chức y tế thế giới và 45 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Brazil, Úc… đã ban hành khuyến cáo chủng ngừa cho phụ nữ mang thai nhằm giúp bảo vệ mẹ và trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà trong giai đoạn "Khoảng trống miễn dịch".

Các vaccine cúm, phế cầu, vi rút zona hay bạch hầu, uốn ván, ho gà cho người cao tuổi, nhóm có bệnh nền được khuyến cáo bởi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cũng như các tổ chức y khoa khác.

Mặc dù chủng ngừa cho người lớn sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế. Cũng như các bằng chứng khoa học, các khuyến cáo chính thức trên toàn cầu cho thấy vắc xin là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên độ bao phủ chủng ngừa ở người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính và phụ nữ mang thai vẫn còn rất thấp.

Trong phần tham luận, các chuyên gia đã trao đổi về thách thức hiện hữu, học hỏi từ bài học thành công của các quốc gia phát triển khác, từ đó xác định giải pháp thúc đẩy triển khai chủng ngừa cho các đối tượng trên trong thời gian tới.

Kết thúc phiên thảo luận, các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn đều đồng thuận đề xuất một số giải pháp về tính cần thiết của việc thiết lập khuyến cáo cấp quốc gia để hướng dẫn triển khai chủng ngừa bảo vệ trọn đời, ưu tiên đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính và phụ nữ mang thai; Thiết lập các chương trình đào tạo y khoa từ sớm để cập nhật thông tin liên tục cho nhân viên y tế từ dự phòng đến điều trị. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của khối điều trị trong việc tư vấn chủng ngừa cho người lớn tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai.

Đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh học, gánh nặng của bệnh và giá trị của chủng ngừa bảo vệ trọn đời dành cho người dân.

Đồng hành xây dựng khuyến cáo tiêm chủng bảo vệ trọn đời sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá: Việc tiêm vaccine cho từng nhóm dân số theo độ tuổi và tình trạng bệnh lý mạn tính đã tạo được miễn dịch bảo vệ, tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm nguy cơ khởi phát đợt cấp do bệnh mạn tính như hen, COPD, suy tim cấp.. từ đó giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Bên cạnh đó, chủng ngừa cho phụ nữ mang thai là biện pháp giúp bảo vệ cho trẻ nhỏ từ sớm khi chưa đủ tuổi tiêm phòng vaccine.

"Những tác động tích cực của chương trình chủng ngừa trọn đời lên cộng đồng đã được chứng minh tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, giúp tối ưu hóa việc phòng bệnh, ngăn ngừa kháng kháng sinh, cải thiện sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh"- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nói.

Đồng hành xây dựng khuyến cáo tiêm chủng bảo vệ trọn đời sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

TS. Elena De Angelis, Giám đốc Y khoa Quốc gia GSK Việt Nam

TS. Elena De Angelis, Giám đốc Y khoa Quốc gia GSK Việt Nam cũng nhìn nhận hai năm đại dịch COVID-19 để lại ảnh hưởng nặng nề lên tất cả mọi mặt trong cuộc sống, nhất là y tế và xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh tích cực thì đại dịch đã giúp nâng cao nhận thức về giá trị của vắc xin trong việc bảo vệ sức khoẻ cho mọi người.

"Mục tiêu của GSK là kết hợp khoa học, công nghệ và tài năng để cùng nhau chiến thắng bệnh tật, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế, Tổng Hội Y học Việt Nam và các cơ quan ban ngành để mở rộng độ bao phủ của chủng ngừa, giúp mọi người được phòng bệnh từ sớm và sống một cuộc đời khỏe mạnh"- TS. Elena De Angelis nói.



Hoàng Nguyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn